Sinh ra đã không nghe, nói được, 6 tuổi thì mồ côi bố. Sự cưu mang của người chú ruột đã giúp anh Hồ Phúc Danh (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) có được niềm tin và hy vọng để vươn lên trong cuộc sống. Hiệu may Phúc Danh do anh gây dựng đến nay không chỉ tạo thu nhập cho bản thân anh mà còn giúp cho nhiều lao động tại địa phương có nghề, có việc làm. Vượt qua rào cản về ngôn ngữ, dị nghị của những người xung quanh, anh kết duyên cùng chị Hoàng Thị Thinh – một người không khuyết tật và xây dựng gia đình hạnh phúc. Anh chị trở thành tấm gương sáng về nghị lực và tình yêu trong cộng đồng người khuyết tật.
Không để thiệt thòi trở thành rào cản
Anh Danh sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em tại làng quê nghèo Quỳnh Lưu, Nghệ An. Khi anh chào đời, bố mẹ và người thân đã vô cùng sửng sốt khi không nghe thấy tiếng khóc. Sau thời gian quan sát thì mọi người bàng hoàng khi biết anh bị câm điếc và đưa anh đi chữa trị khắp nơi, nhưng vẫn không cải thiện được.
Lớn lên, vì không nghe nói được nên anh rất buồn, chỉ ở trong nhà, không chơi và giao tiếp với ai ngoài bố mẹ. Bố là người thương anh vô cùng, nhưng cũng lại là người bỏ anh đi sớm nhất. Khi anh Danh lên 6 tuổi, trong một lần đi làm nhiệm vụ, ông bị thương nặng và qua đời – Nỗi mất mát quá lớn đối với một đứa trẻ vốn đã thiệt thòi đủ thứ.
Thương anh, người chú ruột sống ở thành phố Vinh đã đưa Danh về nuôi dưỡng. Chú động viên, cưu mang, giúp đỡ và lo lắng cho anh không khác gì con đẻ. Chính chú là người giúp anh có được niềm tin và hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn.
Đến tuổi đi học, anh Danh được chú tạo điều kiện cho đi học tại Trung tâm giáo dục khuyết tật tỉnh Nghệ An. Tại đây, anh được các thầy cô quan tâm vừa dạy chữ, vừa dạy nghề rất tận tình. Gặp được các bạn cùng cảnh ngộ, anh học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu để có thể nói chuyện với các bạn, rồi nói chuyện với người không khuyết tật. Biết sức khỏe của mình không được tốt nên anh chọn nghề may để lập nghiệp. Trời phú cho Danh đôi bàn tay khéo léo, anh đã không ngừng nỗ lực học hỏi, trở thành học viên có tay nghề tốt, được trải nghiệm tay nghề ở nhà may có tiếng tại Nghệ An và luôn khao khát mở tiệm may riêng để có thể làm chủ cuộc sống.
Và ông trời đã không phụ lại sự kiên trì, cần mẫn, chăm chỉ học tập của chàng trai xứ Nghệ. Nhờ sự giúp đỡ của chú, hiệu may Phúc Danh trên đường Chu Văn An – phường Lê Lợi, thành phố Vinh được anh Danh gây dựng và phát triển dần lên. Từ làm việc một mình, anh mượn thêm 2, 3 người và đến nay, anh đã tạo việc làm cho 8 người khuyết tật khác với thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng. Hiệu may chuyên về Comple, vest… với nhiều kiểu dáng hiện đại, đường may sắc nét, trang phục vừa vặn đã chinh phục được nhiều khách hàng khó tính.
Và đón nhận hạnh phúc tròn đầy…
Năm 2008, anh Danh quen biết chị Hoàng Thị Thinh (quê Diễn Thành, Diễn Châu) - một người phụ nữ khỏe mạnh, bình thường. Thời gian gắn bó, chị Thinh từ cảm phục rồi dần bị chinh phục bởi nghị lực phi thường của anh Danh. Ngược lại, chị lại tạo cho anh thêm động lực để vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. 2 năm quen biết, tìm hiểu, để đến được với nhau, anh chị đã trải qua biết bao rào cản: về ngôn ngữ, sự phản đối của gia đình chị Thinh khi không muốn con gái lấy chồng câm điếc. Cuối cùng, sự chân thành và nỗ lực của anh Danh đã thuyết phục được bố mẹ chị Thinh và một đám cưới ấm cũng đã được tổ chức.
Nhưng đến được với nhau rồi vẫn chưa hết chuyện phải đau đầu. Liên tiếp 3 năm sau cưới chưa có tin vui, áp lực từ người thân, hàng xóm láng giềng khiến anh chị nhiều khi rơi vào bế tắc. “Những lúc ấy, hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau vững tin hơn và yêu thương nhau nhiều hơn. Dù cuộc sống có ra sao vẫn nắm tay nhau đi hết cuộc đời” – chị Thinh bồi hồi nhớ lại..
Vượt qua khoảng thời gian buồn rầu, lo lắng, cuối cùng anh chị cũng vỡ òa hạnh phúc khi đón em bé Hồ Phúc Hiếu chào đời khỏe mạnh, kháu khỉnh vào năm 2013. Hai vợ chồng động viên nhau càng cố gắng hơn nữa đế nuôi dạy con cho tốt, trở thành người có ích cho xã hội.
Nói về hạnh phúc của mình, anh Hồ Phúc Danh chia sẻ “Bản thân tôi bị câm điếc nên trong đời sống gặp rất nhiều khó khăn. May mắn cho chúng tôi là có bố mẹ hai bên, anh em bạn bè vun vén, giúp đỡ. Con trai tôi khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi. Gia đình nhiều năm liền là gia đình văn hóa”. Còn chị Thinh, khi được hỏi về người chồng của mình đã rất thẳng thắn “Dù là người khiếm thính, nhưng từ khi quen nhau, yêu nhau đến tận bây giờ, tôi chưa từng thấy anh tỏ ra tự ti hay yếu đuối. Anh luôn cho tôi cảm giác tin cậy, thấy rằng đồng hành cùng anh là một quyết định đúng đắn và sáng suốt”.
Với những nỗ lực, cố gắng trong cuộc sống, anh Hồ Phúc Danh đã nhiều lần nhận được Bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Nghệ An, Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Vinh và các tổ chức khác. Gia đình anh chị là một trong 35 cặp vợ chồng tiêu biểu tham dự chương trình Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tháng 10/2022. Anh luôn tự nhủ sẽ cố gắng hơn nữa để làm được nhiều việc có ích và giúp đỡ những người khuyết tật kém may mắn như mình vơi bớt mặc cảm, tự ti, giúp họ có công việc phù hợp với hoàn cảnh của bản thân và vươn lên trong cuộc sống.
Theo Tạp chí Người bảo trợ