Dụng cụ trợ giúp là điều kiện tiên quyết để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, song do nằm ngoài BHYT, những dụng cụ này là “ước mơ xa vời” với họ.
Theo Báo cáo Điều tra Quốc gia người khuyết tật, Việt Nam có hơn 6,2 triệu người khuyết tật (NKT), trong đó, trên 60% ở trong độ tuổi lao động. Khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, có 15,14% NKT gặp khó khăn khi đi bộ. Và tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,94% khi có dụng cụ trợ giúp.
Nếu duy trì tốt việc cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho họ về khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc chi trả từ nguồn Bảo hiểm y tế (BHYT) cho các dụng cụ trợ giúp đối với NKT rất cần được quan tâm xem xét.
Các thí sinh tham gia Cuộc thi Duyên dáng áo dài dành cho người khuyết tật 2019. |
“Ước mơ xa vời”
Theo ThS.Bs Lê Tuấn Đống, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), dụng cụ trợ giúp là một “ước mơ xa vời” của đại đa số người khuyết tật tại Việt Nam, do chi phí quá lớn so với thu nhập và điều kiện của họ. Dịch vụ cung cấp thiết bị, dụng cụ hỗ trợ cũng chưa phát triển rộng rãi, không có nhiều mô hình tiện ích để người khuyết tật có thể tiếp cận theo nhu cầu của mình.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 23 của Luật Bảo hiểm y tế, BHYT về Các trường hợp không được hưởng BHYT gồm “Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng”.
Thông tư 18/2016/TT-BYT quy định Danh mục kỹ thuật, danh mục vật tư y tế dùng trong phục hồi chức năng và việc chi trả chi phí phục hồi chức năng ban ngày thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế được “mở” hơn quyền lợi của người tham gia BHYT, trong đó bao gồm quy định thêm 20 danh mục vật tư y tế (chủ yếu là các loại nẹp) sử dụng trong phục hồi chức năng.
Hiện nay, các dụng cụ trợ giúp thiết yếu với người khuyết tật chưa được BHYT chi trả. Đó là chưa kể đến các khó khăn và bất cập khác như việc: NKT nhẹ chưa được cấp hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT; công tác phục hồi chức năng tại cộng đồng chưa thực sự được chú trọng, chưa phát huy được nhiều hiệu quả; công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm đối với trẻ khuyết tật mới chỉ được thực hiện ở các thành phố lớn, chưa thực sự được quan tâm đúng mức đặc biệt ở các tỉnh, thành phố vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo...
“Hiện tỷ lệ khuyết tật có xu hướng tăng dần theo tuổi. Vì vậy, trong tương lai, tỷ lệ khuyết tật có thể tiếp tục gia tăng do Việt Nam đang chuyển sang quá trình già hóa dân số. Vì vậy, việc chi trả từ nguồn BHYT cho các dụng cụ trợ giúp đối với NKT rất cần được quan tâm xem xét”, ThS.Bs Lê Tuấn Đống cho biết thêm.
Hội thảo về Chính sách BHYT đối với người khuyết tật đề xuất đưa các dụng cụ hỗ trợ vào danh mục bảo hiểm chi trả. |
Xu hướng phát triển công nghệ hỗ trợ
Quan niệm dụng cụ trợ giúp người khuyết tật chỉ là vật thẩm mỹ thay vì là thiết bị hỗ trợ chức năng là vấn đề tranh luận nhiều năm qua tại các hội thảo, hội nghị của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam… Việc không thể đi đến thống nhất đã tạo thêm những rào cản và thiệt thòi cho người khuyết tật.
Hiện nay, kinh nghiệm quốc tế và sự phát triển của khoa học công nghệ đã chỉ ra tầm quan trọng và lợi ích của công nghệ trợ giúp với người khuyết tật.
Việc xem xét đưa công nghệ, dụng cụ trợ giúp vào chính sách quốc gia sẽ giúp phát triển và giải quyết các thách thức liên quan tới ngành công nghiệp công nghệ trợ giúp đang bắt đầu phát triển tại Việt Nam.
Thực tế, các dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ thực hiện tại Tây Ninh và Thừa Thiên Huế năm 2018 đã chứng minh lợi ích của dịch vụ phục hồi chức năng và công nghệ trợ giúp đến việc gia tăng tham gia trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người khuyết tật. Theo đó, họ độc lập hơn trong hoạt động và sinh hoạt của mình so với những người chỉ nhận được dịch vụ phục hồi chức năng.
Kinh nghiệm của Thái Lan là đưa các dụng cụ trợ giúp ưu tiên vào danh sách gắn với chính sách Nhà nước; thành lập nguồn quỹ bảo hiểm trên cơ sở sử dụng danh sách các dụng cụ trợ giúp ưu tiên; bảo hiểm chi trả cho các dụng cụ trợ giúp; thành lập các trung tâm công nghệ trợ giúp để đánh giá và chỉ định dụng cụ cho người khuyết tật.
Tại Nepal, Bộ Y tế và Dân số nước này đã xây dựng danh sách sản phẩm trợ giúp ưu tiên và gắn với chính sách.
Ông Đặng Văn Thanh-Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật tại Việt Nam khẳng định, nếu NKT được hỗ trợ dụng cụ trợ giúp, họ sẽ tự tin để hòa nhập với cộng đồng xã hội một cách đầy đủ và bình đẳng. Thậm chí là điều kiện tiên quyết để NKT có thể sống độc lập và ổn định cuộc sống: “NKT có cơ hội được học nghề, tạo việc làm hoặc xin được việc làm để tạo ra các sản phẩm phục vụ xã hội, từ đó cải thiện cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần”./.