"Ngày bố em còn sống, bố hay lấy thuốc nam giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người dân nghèo không có tiền đi viện. Trước khi bố em mất, bố muốn em sau này học nghề dược để trở thành thầy thuốc...Giờ con đã đỗ vào đại học Dược mà nhà nghèo quá không có tiền đi học bố ơi!", cô gái nghẹn ngào.
“Em đã thực hiện được mong muốn của bố”
Cả tuần nay, từ khi trường công bố điểm chuẩn đại học, thầy giáo Hoàng Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Thọ Xuân 4, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) nhiều hôm quên cả ăn trưa chạy đôn, chạy đáo nhờ bạn bè lo tiền học phí cho cô học trò nghèo Trịnh Thị Phúc vừa đỗ vào đại học Dược Hà Nội.
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2019, Phúc đạt 24,8 điểm/3 môn xét tuyển khối A (Toán: 8,8 điểm, Lý: 8,25 điểm, Hóa: 7,75 điểm) cao nhất toàn trường và đã đỗ vào Trường ĐH Dược Hà Nội.
"Ngày bố em còn sống, bố hay lấy thuốc nam giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người dân nghèo không có tiền đi viện. Trước khi bố em mất, bố muốn em sau này học nghề dược để trở thành thầy thuốc giúp những người dân nghèo ở quê...Giờ con đã đỗ vào đại học Dược mà nhà nghèo quá không có tiền đi học bố ơi!", Trịnh Thị Phúc, cô sinh viên nghẹn ngào khóc và bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng tình cảm nhớ về người cha đã bỏ chị em Phúc ra đi vì căn bệnh ung thư.
Sau khi bố Phúc qua đời, vì cuộc sống mưu sinh mẹ Phúc đã bỏ lại chị em Phúc cùng bà nội năm nay đã 80 tuổi để vào tận Cà Mau bán rau gửi tiền về lo cho gia đình.
Câu chuyện về hoàn cảnh gia đình Phúc, một cô nữ sinh nghèo nhiều năm đoạt học sinh giỏi cấp tỉnh cứ hiện lên trong đầu tôi những suy nghĩ miên man về tương lai của em.
Đó là vào một buổi chiều muộn giữa tháng 8, thầy Dũng dẫn chúng tôi đến thăm gia đình em Phúc ở thôn Đông Thành, xã Xuân Yên, huyện Thọ Xuân. Căn nhà cấp 4 chật chội nằm bên bờ sông, nhìn quanh không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc giường ngủ và cái bàn học cùng với những tờ giấy khen.
Phúc đang cùng chị gái chăm sóc bà nội năm nay đã 80 tuổi và đứa cháu hơn 3 tuổi bị bại não. Bố Phúc mất từ năm 2017 do bị ung thư gan. Mẹ Phúc phải vào tận Cà Mau mưu sinh bằng những rau để lo cho gia đình.
Phúc là con út trong gia đình có 4 chị em gái, các chị đều đã lập gia đình riêng. Gia đình không có ruộng nương gì, toàn bộ chi phí cho cuộc sống hàng ngày đều trông chờ vào gánh hàng rau của mẹ.
“Đây là chị gái thứ hai Trịnh Thị Trang. Chị lấy chồng từ năm 2015 và có con là cháu Nguyễn Hoàng Nguyên Phát (hơn 3 tuổi). Lúc hơn 4 tháng tuổi, cháu bị sốt, co giật và ảnh hưởng đến não, giờ chỉ nằm một chỗ. Cứ hàng tháng chị và cháu phải ra Hà Nội chữa trị một lần. Chồng chị đã bỏ, hai năm nay, khi bố đau ốm nên hai mẹ con chị về đây ở luôn”, Phúc giới thiệu người chị gái ngồi cạnh đang quạt "phành phạch" cho đứa cháu bị bệnh nằm trên giường.
Còn chị gái thứ 3 lấy chồng tận Quảng Ngãi cũng có cháu nhỏ mới sinh bị hở van tim, chị gái đầu lấy chồng trong huyện, nhưng hoàn cảnh đều khó khăn, không giúp được gì cho em và mẹ.
Nhưng ngày nhận thông tin trúng tuyển vào Trường ĐH Dược Hà Nội, chưa kịp vui mừng, Phúc lại lo lắng. Bởi, điều kiện gia đình quá khó khăn khi mà giờ đây em không có nổi tiền để làm thủ tục nhập học chứ chưa nói đến chi phí học tập trong suốt 5 năm học đại học.
Chưa dám làm thủ tục nhập học vì không có tiền
Không có ruộng, mọi gánh nặng kinh tế trong nhà chỉ trông chờ vào gánh hàng rong của chị Bình. Ngày còn ở quê, để có tiền lo cho gia đình, chị Bình thường đến chợ đầu mối mua rau rồi đạp xe khoảng 60km đi bán. Sau khi chồng mất, chị Bình lặn lội vào Cà Mau làm thuê mong có thêm điều kiện lo cho gia đình.
Thấy bố mẹ vất vả, nhà quá nghèo, khi còn học phổ thông, đã nhiều lần Phúc xin nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp gia đình. Phúc đã được các thầy cô giáo trong trường động viên, giúp đỡ toàn bộ chi phí học tập suốt những năm cấp 3.
Thầy Dũng nhớ lại: “Ngày đó, qua mạng xã hội thấy có học sinh đạt giải Khuyến khích môn Vật lý cấp tỉnh nhưng không muốn học tiếp. Tôi đã cùng với thầy hiệu trưởng và bí thư đoàn trường đến tận gia đình động viên em đi học. Lúc đó, gia đình nói không cho đi học cấp ba vì không có khả năng nuôi. Sau khi động viên, gia đình đã đồng ý để em đi học”.
Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng Phúc rất cố gắng trong học tập và tiến bộ rõ rệt. Năm lớp 11 em đạt giải Khuyến khích môn Vật lý cấp tỉnh và giải Ba liên môn cấp tỉnh; 3 năm học cấp 3 đều là học sinh giỏi toàn diện. Không chỉ là học sinh thông minh mà Phúc còn rất chăm ngoan, chịu khó.
Thương cô học trò nghèo, dù biết rằng, khó khăn với Phúc phía trước còn nhiều, nhưng thầy Dũng đã trao đổi với Phúc ra trường lấy giấy báo trúng tuyển để về làm thủ tục nhập học.
“Hôm nhận giấy báo trúng tuyển, em có gọi điện tâm sự và khóc nói không đi học. Bản thân là nhà giáo thấy vậy tiếc cho em, không đành nên tôi có nhờ bạn bè giúp đỡ. Các thầy cô trong trường cũng sẽ cố gắng mỗi người một ít để em Phúc có điều kiện học tập, bằng mọi giá phải giúp em đi học”, thầy Dũng chia sẻ.
Phúc cũng nghĩ đến việc sẽ đi học rồi đi làm thêm, vay ngân hàng. Tuy nhiên, trước đây các chị đi học cũng đã vay nợ ngân hàng vẫn chưa trả hết. Trong khi đó, bà nội đã già yếu, chị gái không có công ăn việc làm, phải ở nhà chăm con, hàng tháng còn khoản tiền thuốc cho cháu mất khoảng hơn 2 triệu đồng.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Em Trịnh Thị Phúc, thôn Đông Thành, xã Xuân Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Số ĐT: 0352831438