Gần một giờ xếp hàng chờ khám phụ khoa, hai phụ nữ khiếm thính đến lượt gặp bác sĩ, cả ba người làm dấu tay rối loạn. Cuộc khám kết thúc sau một phút.
Cả bác sĩ và bệnh nhân đều thấy bất lực bởi không ai hiểu người kia định nói gì. Bệnh viện cũng không có người hiểu ngôn ngữ câm điếc để có thể làm phiên dịch. Chị Lan Anh, một trong hai bệnh nhân khiếm thính, sau đó chia sẻ: "Người câm điếc chịu thiệt thòi rất lớn khi đi viện".
"Bác sĩ hỏi về sức khỏe sinh sản, chúng tôi không biết trả lời ra sao bởi chưa có kiến thức về vấn đề này. Khi bác sĩ kê đơn thuốc, chúng tôi cũng không hiểu tình trạng bệnh của mình, dùng thuốc như thế nào, điều trị ra sao", chị Lan Anh nói.
Theo chị Lan Anh, nhu cầu tìm hiểu và sử dụng các dịch vụ y tế của người khiếm thính cũng giống như người bình thường. Song, các bệnh viện không có dịch vụ hỗ trợ nên việc tiếp cận rất khó khăn. Đại đa số người khiếm thính không được đến trường nên không biết chữ hoặc không viết được chữ. Một số bệnh viện không có hiển thị thông tin bệnh nhân trên bảng mà nhân viên y tế đọc tên, trong khi người khiếm thính không nghe được, bỏ lỡ lượt khám, khiến việc chờ đợi rất lâu. Có trường hợp, người phiên dịch đi cùng người bệnh nhưng lại không vào phòng khám vì bác sĩ yêu cầu chỉ bệnh nhân mới được vào.
Một em bé khiếm thính được mẹ đưa đi khám ở bệnh viện nhi, Hà Nội. Ảnh: Đức Thành. |
Chị Giang, một phiên dịch viên tại Hội phiên dịch ngôn ngữ Hà Nội, được đôi vợ chồng khiếm thính ở Hà Nội nhờ hỗ trợ. Hai vợ chồng lấy nhau, mong có con đã lâu nhưng mãi không có tin vui. Cả hai không hiểu tại sao mình bị hiếm muộn nên muốn đi khám.
Nhờ chị Giang đến nhà phiên dịch, câu chuyện gia đình mới được sáng tỏ. Thì ra bố mẹ của cô vợ lo lắng người câm điếc không thể chăm con, con khóc không biết, kinh tế khó khăn nên sẽ không nuôi được con, đã yêu cầu bác sĩ cắt buồng trứng của con gái.
"Tôi bị ám ảnh mãi cảnh chị vợ khi biết được đã bị cắt buồng trứng, phẫn uất gào lên 'tại sao không nói với con'", chị Giang nhớ lại.
Ở Việt Nam hiện có khoảng 1,3 triệu người điếc. Họ đều gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, do rào cản ngôn ngữ, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, nói ngày 26/9. Khi đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế khám chữa bệnh, người khiếm thính không thể giao tiếp với bác sĩ. Nguồn thông tin về sức khỏe sinh sản và tình dục cho người điếc hiện còn thiếu và khó tiếp cận. Thực trạng này người điếc bị cô lập và dễ tổn thương, bị lạm dụng và phân biệt đối xử.
"Bệnh viện cần thân thiện, hỗ trợ người khiếm thính và tổ chức người phiên dịch khi cần thiết", ông Vinh nói.
Ông Trần Xuân Nhĩ, Chủ tịch Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA), cũng nhìn nhận Việt Nam thiếu dịch vụ ngôn ngữ ký hiệu và có rất ít phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Cả nước hiện chỉ có 10 phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính.
Bác sĩ Phan Thị Thu Nga, khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết hiện tại các bệnh viện đều có phòng công tác xã hội, làm nhiệm vụ kết nối, giúp đỡ, hỗ trợ các trường hợp khó khăn khi đến khám. Người khiếm thính có nhu cầu sẽ được các nhân viên ưu tiên tư vấn, hướng dẫn đi khám.
Trong khi đó, chị Lan Anh bày tỏ: "Chúng tôi cần hướng dẫn cụ thể và có sự tôn trọng khi tham gia các dịch vụ khám chữa bệnh". Chị cũng mong muốn bệnh viện bố trí phòng khám hoặc chỗ ngồi dành riêng cho những người khiếm thính, để các bác sĩ dễ dàng nhận biết bệnh nhân cần hỗ trợ.
Theo Vnexpress.net