Với giáo viên bám bản, bám trường lớp vốn dĩ đã rất khó khăn, thế nhưng, giáo viên dạy trẻ khuyết tật còn cực khổ hơn rất nhiều khi phải chăm lo cho từng em đang mang trên người những nỗi đau không ai giống ai. Vậy mà cô Nguyễn Thị Hội (sinh năm 1968) giáo viên  tại Trường Tiểu học Sơn Lạc, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang ngày ngày vẫn âm thầm, kiên nhẫn dạy đi dạy lại từng tiếng phát âm, cầm tay học sinh nắn nót từng con chữ cho những học sinh đặc biệt của mình.

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp sơ cấp Sư phạm, cô Nguyễn Thị Hội về dạy học tại trường Tiểu học Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Thời gian đầu cô giáo Hội gặp khá nhiều khó khăn khi dân cư ở đây chủ yếu là người dân tộc ít người, cơ sở vật chất thiếu thốn.Nhưng bằng tình yêu nghề và sự động viên của gia đình nên cô đã cố gắng vừa dạy vừa học thêm thời gian hè hoàn thiện kỹ năng sư phạm và đạt trình độ chuẩn giáo viên Tiểu học. Hoàn cảnh gia đình cô Hội rất khó khăn khi chồng mất sớm, một mình cô vừa chăm con vừa chăm mẹ già bệnh tật,nhà vẫn phải ở thuê.

Năm 2004, cô chuyển về trường Tiểu học Sơn Lạc (huyện Sơn Dương) công tác, làm chủ nhiệm lớp 2 tại phân hiệu Nông Lâm. Đến năm 2008, cô Hội được điều về  dạy kèm và hỗ trợ lớp khuyết tật.Không được đào tạo chuyên môn, chưa từng dạy trẻ khuyết tật nhưng với tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm cũng như sự đồng cảm với những học sinh đặc biệt của mình mà cô Hội càng cố gắng làm việc tận tụy.Năm học 2011 – 2012, cô Hội chủ động nhận dạy lớp khuyết tật của Trường Tiểu học Sơn Lạc.

Từng là giáo viên bám bản, bám trường lớp tại những địa bàn khó khăn nhất, những khi trở thành giáo viên dạy trẻ khuyết tật, cô Hội mới thấy công việc này còn gian nan hơn rất nhiều khi phải chăm lo cho từng em với những dạng tật khác nhau.  Cô phải làm quen và thay đổi lịch đến trường theo những học sinh của mình: phải đến trường sớm hơn đồng nghiệp vì em Chúc Minh Đức mẹ bán hàng ăn sáng nên gửi con rất sớm, Đức lại bị nhũn não bẩm sinh, câm, điếc,cứ đến là đòi ngồi lòng cô giáo. Hay như em Ma Văn Khánh học sinh bị tăng động, thiểu năng trí tuệ, chạy nhảy không ngồi yên một chỗ nên cô lúc nào cũng phải để ý…

Dù vất vả là thế, nhưng trong những năm gắn bó với các em, cô luôn dành tình thương, sự chăm sóc, dạy bảo và coi các em như con của mình.Cô giáo Nguyễn Thị Hội được mọi người ví như người mẹ thứ hai của lớp học sinh khuyết tật.Cô luôn chăm lo các em từ việc học, vui chơi, đi lại, vệ sinh... đến việc học cách tự phục vụ, kỹ năng sống hòa nhập cộng đồng.Vì là lớp học đặc biệt nên phương pháp dạy cũng đặc biệt.“Các học sinh của lớp đều là những trẻ khuyết tật, chậm hiểu nên phải giảng từ từ, kiên nhẫn, thậm chí dạy kèm từng em.Có những em dạy phải kèm với dỗ cho kẹo.Có những em đang học trong lớp, vệ sinh cá nhân không tự chủ được, rớt rãi chảy quanh miệng là mình lại tắm giặt tận tình như một người mẹ” - Cô giáo Nguyễn Thị Hội tâm sự.

Nguoi me cua hskt (2)

Để có phương pháp truyền tải kiến thức dành cho những em khuyết tật đặc biệt như vây, hằng ngày ngoài giờ lên lớp cô giáo Hội lại vào Internet, đọc sách báo và thậm chí phải khăn gói lên tận các trung tâm dạy học dành cho người khuyết tật để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Để từ đó, cô rút ra những phương pháp và kiến thức phù hợp nhất đối với các em.

Gần 12 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, 6  năm làm công tác dạy buổi 2, hỗ trợ lớp khuyết tật, 8 năm chủ nhiệm trực tiếp dạy và chăm sóc các em học sinh lớp khuyết tật; bằng tình yêu và sự tận tâm với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Hội vẫn từng ngày ân cần dạy bảo, chăm sóc những học sinh đặc biệt của mình. Sự tiến bộ dù nhỏ của từng em chính là động lực lớn lao để cô vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để góp sức nhỏ bé của mình vào việc giúp các em học sinh khuyết tật của mình được đến trường, học hành bình đẳng như bao em nhỏ cùng trang lứa khác.

 

 

Tin liên quan