Nhiều đêm thức trắng chăm chồng lên cơn đau do bệnh tật hành hạ nhưng bà Hoa không một lời than vãn kêu ca. Người phụ nữ ấy vẫn một lòng kiên định, chung thủy với chồng.
Bén duyên từ sự đồng cảm
Nhân vật chính trong câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích ấy là bà Phạm Thị Hoa (SN 1968, trú tại thôn Minh Châu, xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Bà sống trong một căn nhà nhỏ ở bên dưới chân đồi cùng với người chồng là ông là Phan Văn Tuận (SN 1965).
Bà Hoa sinh ra trong một gia đình thuần nông, nghèo khó, tuổi thơ bà trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm. Giấc mơ được cắp sách tới trường của người phụ nữ ấy cũng thật ngắn ngủi khi vừa nhận biết được mặt chữ, bà đã phải nghỉ học do hoàn cảnh kinh tế gia đình vô cùng khó khăn.
Thời trẻ, bà Hoa là cô gái có nhan sắc trong vùng, được nhiều chàng trai để mắt tới. Bố mẹ cũng nhiều lần giục con gái sớm yên bề gia thất rồi lo làm ăn. Tuy nhiên, vì thương bố mẹ vất vả nên bà Hoa đã khước từ nhiều mối lương duyên.
"Từ khi lên 8 tuổi, tôi đã thường ngày theo bố lên ngôi đền Đá Đen (xã Lâm Hợp) để phụ giúp công việc trong đền, cũng như trông coi và hướng dẫn cách làm lễ cho người dân đến đây. Sau khi ở ngôi đền này hơn 10 năm thì tôi thấy một người đàn ông mù lòa cả hai mắt luôn được bố dẫn lên đền thắp hương. Sau đó tôi mới biết đó là ông Tuận, người chồng bây giờ của tôi", bà Hoa kể lại.
Theo lời kể của bà Hoa, hồi bé trong một lần đi chăn trâu ông Tuận đã dẫm phải bom bi nên bị mù cả hai mắt và cụt mất một cánh tay. Vì cho rằng số phận của ông Tuận không được may mắn nên gia đình đã "gửi" ông Tuận ở ngôi đền Đá Đen.
Chuyện tình của hai người bắt đầu từ đây. Bà Hoa và ông Tuận thường xuyên gặp gỡ chuyện trò. Qua những câu chuyện của người đàn ông này, bà Hoa cảm nhận được một nghị lực và ý chí kiên cường vượt lên số phận. Rồi chẳng biết tự lúc nào, bà đã mang lòng thầm yêu trộm nhớ người đàn ông có số phận kém may mắn đó.
Vượt qua những lời gièm pha
Theo lời kể của bà Hoa, lúc đầu chuyện tình cảm của hai người bị ngăn cản bởi gia đình. Bố mẹ và người thân bà Hoa đã kịch liệt phản đối, nghiêm cấm bà qua lại với ông Tuận. Nhưng mọi thứ đều không ngăn cản được hai người đến với nhau. Họ bất chấp tất cả cùng nhau vượt qua mọi kì thị cũng như sự xa lánh mỉa mai của người đời để đến được với nhau.
Năm 1992, hai người đã tự tổ chức lễ kết hôn. Vì không được sự đồng ý của người thân gia đình và bạn bè nên ngày hôn lễ cũng rất ít người tới chung vui cùng họ. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng vào núi sống để tránh xa mọi điều bàn tán của mọi người và cùng nhau xây dựng mái ấm riêng cho mình.
Hằng ngày cuộc sống của hai vợ chồng vẫn êm đềm như bao cặp vợ chồng khác, bà Hoa vẫn đi làm ở đền, còn ông Tuận ở nhà phụ giúp vợ công việc gia đình. Do bị mù hai mắt và mất một bàn tay, lúc đầu mọi công việc đối với ông Tuận gặp nhiều khó khăn. Thời gian đầu, bà Hoa giúp đỡ và chỉ dẫn chồng, sau rồi cũng quen, ông Tuận đã tự mình làm những công việc nhỏ trong nhà.
Sau đó một năm, vợ chồng bà Hoa hạnh phúc vỡ òa khi sinh được con gái đầu lòng. Đến nay hai vợ chồng đã có 3 người con (1 gái, 2 trai). Hai người con đầu của họ đã lập gia đình, còn con út hiện sống cùng vợ chồng bà.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình nghiệt ngã, thế nhưng các con của bà Hoa đều ngoan ngoãn. Cuộc sống gia đình của bà Hoa mặc dù khó khăn nhưng luôn đầm ấm. Mọi người trong gia đình thương yêu nhau, cùng nhau vượt qua nghịch cảnh. Trong tổ ấm nhỏ của gia đình bà Hoa, ông Tuận không bao giờ ngớt tiếng cười. Gần nửa đời người chăm chồng mù, nuôi con khôn lớn nhưng bà Hoa chưa bao giờ than vãn hay kêu ca một lời. Đó cũng là động lực, ý chí để những người con của bà trưởng thành hơn.
Tuổi cao, sức cũng đã yếu dần vì nhiều năm vật lộn với cuộc sống khó khăn nên bà Hoa thường xuyên đau ốm. Còn người chồng tội nghiệp của bà thì mỗi khi trái gió trở trời là vết thương cũ tái phát phải đến bệnh viện điều trị. Những lúc chồng đau ốm, bà Hoa luôn bên cạnh chăm sóc, động viên.
Gần 30 năm qua, bà Hoa trở thành trụ cột gia đình, một điểm tựa vững chắc cho chồng con. Khó khăn vất vả là vậy, nhưng bà con lối xóm cho biết, bà Hoa chưa bao giờ than vãn nửa lời. Để mưu sinh, bà Hoa không quản ngại bất cứ công việc gì, hễ ở đâu có ai thuê gì bà đều xin làm.
Bà Trần Thị Hà (hàng xóm) chia sẻ: "Hoàn cảnh vợ chồng bà Hoa mặc dù khó khăn đủ bề nhưng con cái họ rất ngoan, mọi người sống với nhau không khi nào thấy lớn tiếng trong nhà. Bà Hoa đúng là người phụ nữ hiếm gặp, hi sinh tất cả vì chồng con mà không hề thấy một lời than vãn".
Ông Phan Thái Hoa - Chủ tịch UBND xã Lâm Hợp cho biết: "Hoàn cảnh gia đình bà Hoa đặc biệt khó khăn vì cuộc sống gia đình chỉ trông vào một mình bà. Chính quyền cùng với người dân địa phương cũng đã tạo mọi điều kiện chung tay giúp đỡ cho gia đình bà vươn lên trong cuộc sống".
Ngôi nhà nhỏ có người đàn ông nghị lực phi thường, người phụ nữ mạnh mẽ, nhất mực tin vào tình yêu tiền kiếp lại ấm lên trong bữa cơm chiều. Chia tay vợ chồng ông bà, nghĩ đến hình ảnh người phụ nữ quanh năm lam lũ, nhưng vẫn một lòng yêu thương chăm sóc chồng, khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Tình cảm giữa họ không chỉ là tình yêu mà còn là tình thương, sự đồng cảm và hi sinh cao cả.
Theo giadinh.net.vn