Khi chào tôi để ra bến xe, người mẹ có đứa con bị bệnh tim bẩm sinh nói: “Chú cho cháu mượn tờ báo này được không chú?”. Tờ báo mà chị ấy muốn mượn là Tạp chí Người bảo trợ, cơ quan của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Chị nói rằng ngồi chờ văn phòng Hội làm hồ sơ tài trợ mổ tim cho đứa con của chị, chị đã đọc mấy bài đăng trên “tờ báo”, thấy có nhiều người làm từ thiện, thấy nhiều hoàn cảnh được các Hội Bảo trợ giúp đỡ nên chị hiểu nhiều hơn những việc thường ngày của những người làm thiện nguyện.
Bà Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đón nhận Tạp chí Người bảo trợ từ ông Lương Phan Cừ - nguyên Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Người bảo trợ
Tôi gửi tặng người mẹ này 4 số Tạp chí Người bảo trợ phát hành năm 2023 và dặn: Trong những ngày chờ cháu bé được phẫu thuật tim, hãy đọc những bài trong Tạp chí, rất nhiều mảnh đời cơ khổ đã vượt qua khó khăn từ tấm lòng của các nhà tài trợ qua kết nối của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi trong cả nước.
Là thành viên của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, tôi rất mừng khi có thêm một bạn đọc tâm đắc với những bài đăng trên Tạp chí của Hội, một bạn đọc là người đang được Hội trợ giúp chứ không phải là hội viên Bảo trợ. Từ việc người mẹ nghèo ấy ngồi đọc tạp chí Người bảo trợ, tôi suy nghĩ đến số lượng phát hành của Tạp chí. Bao nhiêu tỉnh Hội, huyện Hội và chi Hội Bảo trợ đã đặt mua Tạp chí của Hội? Bao nhiêu Hội viên đã mua hoặc đọc những bài đăng trên Tạp chí của chúng ta?
Ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Lâm Đồng tặng quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
Là nhà báo, tôi hiểu vai trò của Tạp chí, và với tất cả sự khiêm tốn và cẩn trọng, tôi tự hào rằng Tạp chí của chúng ta không bị tác động bởi khuynh hướng thương mại hóa, không khai thác những chuyện giật gân, bạo lực, không chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận người đọc. Dù phải “căng sức” để giải quyết các khoản chi in ấn và phát hành giữa lúc Hội rất hạn hẹp về kinh phí nhưng Tạp chí không chỉ không hạ thấp tính xung kích của báo chí trên mặt trận tư tưởng mà còn bổ sung vào hành trang của những người làm công tác bảo trợ những bài học quý giá về tình yêu thương con người nói chung và sự cảm thông sâu sắc đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo nói riêng. Đó là một trong những thành tựu đáng ghi nhận của Tạp chí Người Bảo trợ trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Văn Lực trao gửi yêu thương đến các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
Nghề báo là một nghề nghiệt ngã, vì thế những người làm Tạp chí của Hội không chỉ chịu sự nghiệt ngã của nghề mà còn đối diện với không biết bao nhiêu khó khăn. Nghiệt ngã bởi vì nghề báo là một nghề thống khổ, phải lao động trí óc, phải chịu trách nhiệm về những tác phẩm của mình. Làm báo đã khó như thế thì làm Tạp chí của Hội còn khó khăn gấp bội vì cơ sở vật chất của tòa soạn quá khiêm tốn, đội ngũ phóng viên, biên tập viên không nhiều, bạn đọc của Tạp chí phần lớn là lãnh đạo của hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở chứ chưa mở rộng đến nhiều hội viên và bạn đọc ngoài Hội.
Nếu được có được điều ước, tôi sẽ ước rằng các tỉnh Hội cung cấp nhiều thông tin hơn nữa về hoạt động của mỗi Hội trên hành trình nhân ái để từ đó Tạp chí có thêm lựa chọn những bài viết chất lượng, để nội dung của Tạp chí Người Bảo trợ ngày càng bổ ích và hấp dẫn. Và tôi cũng ước mong các cấp Hội sẽ cố gắng đặt thêm số lượng để nhiều hội viên được tiếp cận với Tạp chí của Hội chúng ta.
Nếu vị thế của Hội bắt đầu từ những công việc chăm lo và bảo trợ cho người khuyết tật và trẻ mồ côi thì nguồn mạch chất lượng của tổ chức Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi chính là sản phẩm báo chí. Chính các sản phẩm báo chí sẽ gắn kết những người làm công tác hội trong cả nước và góp phần để nâng cao vị thế của hội trong cộng đồng.
Nguyễn Văn Lực
Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng