Trở thành trẻ mồ côi trong những hoàn cảnh khác nhau, có em bị bỏ rơi nơi cổng chùa, làng Hữu nghị, có em được nhờ cậy ông bà, cũng có em đột ngột mất đi chỗ dựa vì tai nạn. Có em may mắn được nhận nuôi, có người thân đỡ đần, chăm sóc, nhưng cũng có em bị bắt buộc trở thành trụ cột của gia đình. Dù cuộc sống muôn vàn khó khăn, thách thức, các em vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua mất mát, đau thương, phấn đấu hết mình, mong sao tương lai sẽ tốt đẹp, tươi sáng hơn.
Nương tựa, yêu thương nhau vượt qua cảnh bơ vơ, côi cút
Tai hoạ ập đến với gia đình Võ Thị Thu Lan (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) cách đây vừa tròn 5 năm. Một vụ tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của cả bố, mẹ và em của Lan. Lan và hai người chị, em còn lại như cánh chim non không còn tổ ấm, bơ vơ, côi cút.
Trước đây, khi bố mẹ còn sống, gia đình em đã thuộc diện khó khăn của xã, trong nhà không có gì đáng giá, bố mẹ phải chạy ăn từng bữa. Bố mẹ mất đi, hoàn cảnh gia đình càng trở nên túng bấn, không có người chèo chống, chị em Lan đứng trước nguy cơ phải nghỉ học. Bà nội lúc này chuyển đến ở cùng để đỡ đần, săn sóc 3 chị em. Trong hoàn cảnh khốn cùng, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, của họ hàng, bà con lối xóm, 3 chị em vẫn may mắn được tiếp tục đến trường.
Chị em Võ Thị Thu Lan vui trong ngày sinh nhật lần thứ 9 của em út.
Dù mới hơn 10 tuổi đầu, nhưng Lan ý thức sâu sắc về hoàn cảnh của mình, em luôn chủ động nêu gương theo chị gái và nhắc nhở em trai phải cố gắng, nỗ lực vươn lên trong học tập, trước tiên là vì tương lai của mình, sau là để đáp đền sự trông đợi, tấm lòng của các mạnh thường quân.
Thương chị gái từ khi 14 tuổi đã vừa phải làm bố, làm mẹ, làm chị, hằng ngày, Lan thức khuya, dậy sớm để lo học hành và phụ chị chăm sóc cho em trai được chu toàn. Có những khi mệt quá, nản quá, em cũng buồn và tủi thân lắm. Nhưng Lan luôn cố gắng kìm nén để chị gái bớt đau thương, để em trai sống vui vẻ, chăm ngoan, học tập tốt. Để có tiền trang trải sinh hoạt và học tập, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, Lan cùng chị gái học bố mẹ chăn nuôi thêm đàn gà, trồng thêm ít rau để đảm bảo cuộc sống cho 3 chị em. Theo gương chị, Lan và em trai đều chăm ngoan và cùng cố gắng học hành, phụ giúp chị để cuộc sống được vui tươi bớt đi sự hiu quạnh khi không còn bố, mẹ bên mình.
Hiện tại, chị gái của Lan đang học năm thứ I, trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Lan đang học lớp 11 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ước mơ của em là trở thành bác sĩ giỏi để cứu người và chăm sóc cho những bệnh nhân gặp bệnh hiểm nghèo thoát khỏi cơn bạo bệnh, để mọi nhà không còn cảnh con thơ mất bố, mất mẹ, phải sống trong buồn tủi. “Em luôn trân trọng và biết ơn sự quan tâm dìu dắt của quý thầy giáo, cô giáo, các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm dành cho chị em em trong thời gian qua. Nhờ đó, chị em em mới được đến trường và được học hành đến nơi, đến chốn. Em sẽ cố gắng hết mình và động viên, chỉ bảo em trai phấn đấu để trở thành những người công dân có ích cho xã hội và có điều kiện sẽ quay lại giúp đỡ được những mảnh đời khó khăn như chúng em luôn được đầm ấm sum vầy” – Thu Lan chia sẻ.
Học cả phần của hai anh…
Mẹ mất vì tai nạn giao thông khi Nguyễn Đình Hải (thôn Đông Mo, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) mới 2 tháng tuổi. Năm em học lớp 3, người bố cũng bỏ em mà ra đi mãi mãi sau một tai nạn. Hải cùng hai anh trai sống dựa vào sự cưu mang của bà nội và những người họ hàng.
Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, không có trụ cột gia đình nên con đường đến trường của 3 anh em khó khăn hơn bao giờ hết. Thương em út thiệt thòi hơn cả, hai anh trai của Hải quyết định nghỉ học từ sớm để đi làm, nhường cơ hội học tập lại cho em.
Thiếu thốn tình cảm gia đình không ngăn được ước mơ đến trường của cậu học trò nhỏ, bởi Hải xác định, không có con đường nào khác ngoài học tập để khẳng định bản thân. Ngoài thời gian học tập trên lớp, về nhà em phụ giúp bà và các anh công việc gia đình. Việc đan xen giữa học và làm khiến cuộc sống càng thêm phần khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô, bạn bè cùng lớp, em đã chăm chỉ học tập, trau dồi kiến thức và đạt được nhiều thành tích đáng nể: Giải Nhất cấp tỉnh môn Vật lý năm lớp 12, Huy chương Bạc môn Vật lý kì thi Học sinh giỏi khu vực Duyên Hải và Đồng bằng Bắc bộ, Giải Nhì môn Vật lý trong kì thi Học sinh giỏi Quốc gia.
Những thành tích đó giúp Hải được tuyển thẳng vào học ngành Điều khiển và Tự động hóa của Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội – ngôi trường mà em đã mơ đến từ nhỏ. Em cũng được trao suất học bổng Tài năng trị giá 30 triệu đồng.
Nguyễn Đình Hải (thứ 3 từ trái qua) cùng các bạn trong Lễ bảo vệ tốt nghiệp
Trong quá trình học tập tại Trường, Hải luôn cố gắng học tập và không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ những anh chị đi trước. Các thầy cô tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng luôn quan tâm và giúp đỡ Hải. Nhờ đó, em có thêm động lực để rèn luyện, phấn đấu và đạt kết quả học tập loại xuất sắc và được nhà trường cấp học bổng khuyến khích học tập của trường. Tháng 2 vừa qua, em bảo vệ tốt nghiệp thành công với kết quả Xuất sắc.
Ghi nhận những nỗ lực của Nguyễn Đình Hải, em đã nhận được nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang.
“Em tự nhủ với bản thân sau này sẽ trở thành một kỹ sư giỏi, một công dân tốt góp phần xây dựng cho đất nước để không phụ sự quan tâm của thầy cô, nhà trường, các cơ quan, tập thể, Nhà nước đã dành cho em” – Nguyễn Đình Hải chia sẻ.
Cứ là chính mình và không bao giờ từ bỏ
"Xuất thân sẽ không quyết định việc bạn trở thành một người như thế nào. Chỉ có chính bạn mới có thể quyết định bạn là ai” – đó là câu nói mà Đặng Thu Hà (Việt Trì, Phú Thọ) tình cờ đọc được và vô cùng tâm đắc.
Trước đây, Hà từng cảm thấy cuộc đời này thật bất công khi em bị bỏ rơi trong một cái làn nhỏ trước cổng Làng trẻ em SOS. Những năm Tiểu học, Thu Hà luôn phải sống trong dằn vặt bởi sự chế giễu của bạn bè. “Mày là đứa mồ côi”, “Mẹ mày bỏ mày ở làng à?”, “Mày biết mẹ mày ở đâu không?”, “Bố mẹ mày có đến tìm mày không?”… - những câu nói được thốt ra từ những đứa trẻ lớp 1, lớp 2 tưởng như vô tư, vô hại nhưng đã khiến Hà tủi thân ghê gớm. Em từng oán trách ông trời, oán trách hoàn cảnh, oán trách cả người trước kia đã bỏ rơi mình. Trong suy nghĩ non nớt của cô bé luôn ngập tràn các câu hỏi: Tại sao các bạn đều được bố mẹ đưa đón đi học còn mình thì không? Tại sao các bạn có thể thoải mái kể về món quà bố mới tặng còn mình thì không? Tại sao các bạn có nhiều đồ chơi còn mình thì không? “Lúc ấy em cũng chẳng khác gì nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Hận đời, Chí uống rượu, chửi rủa, rạch mặt ăn vạ. Còn em lúc đó, chỉ biết lặng lẽ khóc mỗi khi đêm về, chôn nỗi ấm ức vào sâu trong lòng” – Hà nhớ lại.
Đặng Thu Hà đầy bản lĩnh, tự tin
Từng ngày, từng ngày trôi qua, Hà cố gắng vượt lên hoàn cảnh, ngày một trưởng thành và cũng dần nhận ra được nhiều điều hơn trong cuộc sống. Thu Hà chia sẻ: “Em nhận ra rằng, tuy là một đứa trẻ bị bỏ rơi, nhưng em không phải bị bỏ rơi hoàn toàn. Em được mẹ Đặng Thị Hải đón về, nuôi lớn. Em có mẹ, có những anh chị em, những người cậu, người dì, người bác trong mái nhà lớn SOS. Họ đều yêu thương em. So với nhiều bạn đồng cảnh, em vẫn còn may mắn hơn nhiều. Tuy cuộc sống bình dị giản đơn, nhưng cũng đủ khiến em vui vẻ, vì nơi đó chan chứa tình người, khiến trái tim em ấm áp. Em cứ vậy mà lớn lên”.
Khi đã hiểu hơn về cuộc sống, Thu Hà ngừng oán trách và tập trung nỗ lực học tập. Trong suốt 12 năm học, em đều đạt danh hiệu học sinh Giỏi toàn diện, giành được học bổng Odon Vallet của tổ chức SOS dành cho học sinh có thành tích xuất sắc các năm học lớp 9, 10, 11. Nhiều năm liền Hà được bầu làm Lớp trưởng và luôn phát huy vai trò gương mẫu, hỗ trợ các bạn trong học tập. Thu Hà giờ đây đã bỏ qua mặc cảm cá nhân, tích cực sống, trau dồi đạo đức. Hà tin rằng, khi nhìn nhận sự việc theo chiều hướng tích cực, luôn phấn đấu vươn lên thì những điều tốt đẹp sẽ đến.
Cuộc đời giống như một cuộc chạy đua Marathon, những người thắng ở vạch xuất phát chưa chắc đã chạy đến đích cuối cùng. Thu Hà đương nhiên muốn bản thân có thể chạy đến đích. Ai đó đã từng nói: “Nếu một ngày cuộc sống của bạn nhuộm một màu đen tối, hãy để ước mơ là cây bút dạ quang điểm lên đó những vì sao sáng”. Ước mơ giúp Hà có thêm nghị lực, giúp em trưởng thành hơn. Hà đang chậm rãi bước trên con đường hướng đến nó. Kiên trì và bền bỉ. Em luôn nhắc nhở bản thân mình, không được quên ước vọng ban đầu và không được ngừng nỗ lực.
Tại kì thi THPT Quốc gia năm 2022, Thu Hà đã thi đỗ vào chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Năm đầu tiên em được tiến cử làm Lớp Phó học tập. Sang năm thứ 2 em được bầu làm Lớp Trưởng, đạt danh hiệu Giỏi học kỳ I. Hà tâm niệm “Mỗi người đều có một điểm xuất phát khác nhau nhưng ai cũng đều có khát vọng vươn lên, tiến về phía trước. Vì vậy đừng để bất cứ điều gì khó khăn cản trở mà lùi bước, hãy cứ là chính mình và không bao giờ từ bỏ”.
Mong được góp sức mình chăm sóc, rèn giũa cho các em
Tháng 11 năm 2004, Phan Nguyễn Ngọc Hoà được phát hiện trước cổng chùa Hải Sơn (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) trong tình trạng sức khỏe rất yếu, cả thân thể bị lở loét. Em được các sư cô trong chùa đem về cưu mang, đặt tên theo họ của các sư cô. Đến năm 2006 Hoà được chẩn đoán bị suy thận nặng, không kiểm soát được tiểu tiện. Do tình trạng sức khỏe nên Hoà gặp rất nhiều khó khăn khi đến trường và hòa đồng cùng với bạn bè chung lớp. Nhưng nhờ sự ham học hỏi và mong muốn được đến trường, em đã cố gắng học tập tại chùa. Mỗi buổi học đều phải ngừng lại nhiều lần để tắm rửa và vệ sinh thân thể.
Dù tuổi còn nhỏ nhưng Hoà đã ý thức được mọi việc. Em học cách tự thu dọn, tự mình làm tất cả sau khi tiểu tiện không thể kiểm soát. Nhờ sự nỗ lực hết mình, em đã bước đầu khống chế được việc tiểu tiện vào ban ngày để kịp cho việc nhập học vào lớp 1 tại Trường Tiểu học. Mỗi buổi học, Hoà phải xin ra ngoài nhiều lần để đi vệ sinh nên thường xuyên bị lỡ dở bài. Hiểu được những khó khăn của mình và không muốn bị thua kém các bạn nên khi về chùa, Hoà không ham chơi như các bạn cùng trang lứa mà dành thời gian luyện đọc, tập viết, nhờ sư phụ kèm cặp thêm. Nhờ sự kiên trì, nỗ lực, trong suốt 5 năm học Tiểu học, em đều đạt danh hiệu học sinh Giỏi.
Phan Nguyễn Ngọc Hoà (ngoài cùng bên trái) cùng Sư cô chuẩn bị nhập học Trường Trung cấp Phật học.
Lên cấp II, Hoà trở thành chị của nhiều em nhỏ bị bỏ rơi trước cổng chùa giống mình. Ngoài thời gian học, em còn phụ các sư cô trong chùa làm nhang bán để lấy tiền chăm nuôi các em. Dù vất vả vừa làm, vừa học, vừa chăm lo cho các em nhưng Hoà không bao giờ phàn nàn, kêu ca. Em vẫn cố gắng đạt danh hiệu học sinh giỏi 3 năm liền (lớp 6-8) và học sinh tiên tiến từ lớp 9 đến lớp 12. Ngoài ra, em còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào văn nghệ, thể thao, tham gia biểu diễn võ thuật tại lễ hội do thị xã Sông Cầu tổ chức.
Chùa Hải Sơn nơi Ngọc Hoà được nhận nuôi giờ đây đã trở thành Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi “Mái ấm Chùa Hải Sơn”, cưu mang, nuôi dạy khoảng 50 trẻ em bị bỏ rơi, không có nguồn nuôi dưỡng. Hoà trở thành người “chị cả” của các em. Mỗi em nhỏ đến với mái ấm đều có hoàn cảnh đặc biệt, luôn mang nặng tâm lý mặc cảm, rụt rè khi giao tiếp với mọi người và cộng đồng. Vì vậy, Hoà luôn mong muốn có thể góp sức mình cùng với các sư cô chăm sóc, rèn giũa cho các em tinh thần vượt khó, kỹ năng sống và kiến thức để các em có thể lớn lên khoẻ mạnh, đạt kết quả học tập tốt và ra đời với bản lĩnh vững vàng, thành đạt.
Hiện nay, Ngọc Hoà đang học năm thứ Nhất trường Trung cấp Phật học Bình Định. “Em sẽ tiếp tục cố gắng nỗ lực trong việc học tập để sau này trở thành một người hữu ích cho xã hội và không phụ lại tình yêu thương, công nuôi dạy của sư phụ, trở thành tấm gương sáng cho các em nhỏ trong chùa học tập, noi theo” – Ngọc Hoà chia sẻ.
Phấn đấu để làm gương cho các em noi theo
Hồ Ngọc Xuân (Tam Đàn, Phú Ninh, Quảng Nam) là trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Xuân không có ba, mẹ bị bệnh tâm thần. Em được cán bộ UBND xã làm hồ sơ gửi vào Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam (nay là Làng Hòa Bình Quảng Nam).
Thương cảm với hoàn cảnh của Xuân, các mẹ trong Làng luôn dành cho em tình cảm đặc biệt, quan tâm, săn sóc tận tình. Được sự động viên, khích lệ, chia sẻ của các mẹ, Xuân dần vơi bớt mặc cảm, dặn mình phải cố gắng vượt lên chính mình, vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn để vươn lên hòa nhập. Dù vậy, có những lúc nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ người thân, những khi bị bạn bè chê cười, chế giễu, Xuân vẫn rất buồn tủi, tự thu mình lại, ít tiếp xúc, nói chuyện với mọi người.
Trong thời gian học Tiểu học, suốt 5 năm liền Xuân đều đạt danh hiệu học sinh Xuất sắc. Lên cấp II, em gặp khó khăn với môn Tiếng Anh, do không tiếp thu được bài nhiều nên dù tổng điểm trung bình đạt trên 8,5 nhưng Xuân chỉ được xếp loại học sinh tiên tiến trong năm học lớp 6. Không hài lòng với kết quả này, em tự nhắc mình và dành nhiều thời gian hơn để rèn luyện môn Tiếng Anh. Sự kiên trì, tự giác của cậu bé đã mang lại kết quả tích cực. Ngoài việc duy trì danh hiệu học sinh Giỏi từ năm lớp 7 đến lớp 9. Xuân thi đậu vào lớp 10/2 Trường THPT Trần Văn Dư, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Học kỳ I vừa qua, em đạt danh hiệu học sinh Giỏi. Điều đặc biệt là, kết quả học tập trung bình môn Tiếng Anh của em đã tăng từ “yếu” lên 7,6.
Những “tiết học” của anh Hồ Ngọc Xuân luôn là niềm hứng khởi của các em nhỏ trong Làng Hoà Bình Quảng Nam
Với hoàn cảnh hiện tại của bản thân, Xuân tự nhận thấy việc học là quan trọng nhất, chỉ có con đường học tập mới có thể thay đổi cuộc đời của em sau này. Vì vậy, em luôn ưu tiên, tập trung cho việc học. Ước mơ của Xuân là trở thành thầy giáo, được đứng trên bục giảng để dạy dỗ các em học sinh, truyền đạt cái chữ, kiến thức cho các em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trước mắt, Xuân vẫn đang kiên trì để nâng cao kiến thức tiếng Anh mỗi ngày, củng cố kiến thức các môn học quan trọng đồng thời “Thực hành” nghiệp vụ Sư phạm bằng các bài giảng cho các em nhỏ trong Làng. Xuân tin, sự kiên trì, nỗ lực của mình sẽ mang lại kết quả xứng đáng và, các em của Xuân cũng sẽ lấy đó làm gương để học tập, noi theo, đạt những thành tựu đáng có.
Lam Giang