Trên vùng “chảo lửa” Krông Pa (Gia Lai), một người phụ nữ gầy gò ngày đêm cần mẫn đi làm để nuôi mẹ già bị bệnh hở van tim, anh trai bị liệt cùng 2 con đang tuổi ăn học. Tủi nhục trước cảnh đơn thân, hoàn cảnh cơ cực, nhiều lúc chị Liêm đã có ý định tìm đến cái chết. Nhưng vì những người thân trong gia đình mà chị cố sống…
“Thân cò” cõng trên vai cả gia đình
Đầu giờ sáng, chúng tôi men theo con hẻm nhỏ vào thăm nhà chị Mai Thị Liêm (43 tuổi, Thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, Gia Lai). Nhìn từ xa, một căn nhà ngói lụp xụp, nghiêng theo chiều gió. Bước ra đón khách, một người phụ nữ gầy gò, khuôn mặt hốc hác, niềm nở đón chúng tôi vào uống nước.
Khi được hỏi về hoàn cảnh của gia đình, chị Liêm im lặng cúi mặt xuống rồi liếc nhìn từng thành viên trong gia đình. Sau một hồi tĩnh tâm, chị Liêm kể lại, chị vốn xuất thân trong một gia đình nghèo.
Năm 19 tuổi, chị lấy chồng ở Đắk Lắk rồi theo chồng về đó sống để lại mẹ cùng người anh trai bị liệt từ nhỏ. Tuy nhiên, sau khi sinh hai người con thì cuộc sống gia đình không hạnh phúc nên người chồng đã rời bỏ chị. Lúc đó, chị Liêm đã quanh về lại huyện Krông Pa để chăm mẹ già và người anh trai tàn tật, cùng hai người con gái đang tuổi ăn học.
Trải qua thời gian, giờ đây một mình chị Mai Thị Liêm phải gồng mình nuôi mẹ già là bà Vũ Thị Nguyệt (75 tuổi, mẹ ruột chị Liêm) đang bị bệnh hở van tim. Anh trai là Mai Văn Hồng (48 tuổi) bị liệt người, chỉ đi được một chân, không có khả năng lao đồng. Cùng hai đứa con gái là Tô Thị Lụa (18 tuổi) và Mai Thị Là (13 tuổi).
Hàng ngày, một mình chị Liêm phải đi làm thuê để lo tiền thuốc cho mẹ già và anh trai. Cuộc sống gia đình khó khăn nên cháu Nguyệt phải nghỉ học sớm để lo cơm nước, tắm rửa cho bà ngoại và cậu bị tàn tật để mẹ yên tâm đi làm.
Gạt nước mắt, chị Liêm tâm sự: “Chồng bỏ, một mình tôi nuôi hai người con. Nhưng giờ, nỗi lo lớn nhất của tôi là mỗi tuần phải vượt hơn 200km để đưa mẹ già lên Bệnh viện 211 khám và lấy thuốc. Dẫn anh trai lên Trung tâm Y tế huyện để khám bệnh về thần kinh và xương khớp do bị liệt.
Cuộc sống hàng ngày cứ đè nặng lên đôi vai nhiều khi tôi cũng nghĩ đến cái chết. Nhưng nhìn mẹ già, anh trai và cả những đứa con đang thơ dại. Nếu lỡ tôi chết đi thì họ lại bơ vơ, không có ai chăm sóc nên tôi cũng cố gắng sống để đi kiếm tiền, lo cơm từng bữa cho cả gia đình”.
“Nếu bình thường thì tôi còn yên tâm đi làm. Những lúc “trở trời” bà ngoại lại lên cơn đau tim, khó thở hay anh trai lên cơn co giật là tôi lại chở lên Trung tâm y tế để nhờ giúp đỡ. Thấy hoàn cảnh vậy, hàng xóm cho vài đồng để ăn uống. Họ cũng không dám cho vay nhiều…Chính vì thế, hễ ai thuê việc gì…từ ăn cỏ, bỏ phân, phun thuốc, đào hố... tôi cũng nhận làm để kiếm thêm tiền phòng lúc bệnh tật”, chị Liêm bộc bạch trong nước mắt.
Nguy cơ “thất học”…vì nghèo
Thân hình chị Liêm ngày một gầy gò vì lao động quá sức, đôi mắt thâm vì những đêm dài mất ngủ. Cả gia đình mỗi người một nỗi khổ và đều đè nặng lên đôi vai người phụ nữ ở vùng “chảo lửa” này
“Giờ cơm còn không no được cái bụng. Đâu dám nghĩ đến ngôi nhà chắc chắn đâu. Sống trong ngôi nhà này nhiều khi cũng sợ, nhất là những lúc mưa gió, ngôi nhà cũng rung theo. Lúc ấy, mấy người trong nhà ngồi co cụm trong nhà…vì lo nhà sập. Nhà nước trong như ngoài”, chị Liêm đưa mắt quanh nhà nói.
Ngồi trò chuyện với chị, người mẹ già nằm liệt trên giường; anh trai liệt nửa người nên đi lại phải nhảy lò cò…Những đứa con gái của chị Liên đang còn thơ dại.
“Bàn tay trắng”, không có tài sản giá trị khiến cả gia đình không còn hy vọng vào tương lai. “Hoàn cảnh khó khăn vậy, bà ngoại, anh trai đau ốm liên miên. Cháu Là đang học lớp 8 nhưng tôi cũng vay mượn khắp để trang trải quần áo, sách vở cho cháu đi học.
Tình trạng này kéo dài, không biết tôi còn trụ nổi để lo cho cháu Là đi học không nữa…Tôi mong những bạn đọc trên cả nước có thể chung tay giúp đỡ gia đình qua cơn khốn cùng. Hy vọng của tôi chỉ còn lại mình cháu Là để mai sau cháu có công việc ổn định, không như tôi…”, chị Liêm tha thiết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Đường (Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) cho biết: “Gia đình chị Liêm là hộ nghèo trong xã. Hiện chị Liêm là lao động chính để nuôi mẹ già bị bệnh và người anh trai tàn tật và thần kinh. Một đứa con gái đã nghỉ học để ở nhà phụ chăm bà và anh trai của mẹ. Cháu còn lại cũng đang có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh quá khó khăn.
Chị Liêm đi làm từ sáng đêm tối khuya về cũng không đủ lo thuốc thang. Thấy hoàn cảnh chị như vậy, tôi thường nhờ hội phụ nữ, đoàn thể xuống động viên, giúp đỡ chị để chị không bị quan trong cuộc sống. Thực sự xã cũng mong có thể giúp gia đình chị Liêm, nhưng cũng hỗ trợ chị được ít nhu yếu phẩm. Chúng tôi mong muốn những bạn đọc có thể san sẻ tấm lòng vàng giúp gia đình chị Liêm vượt lên hoàn cảnh, cho những đứa con chị được đến trường”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Chị Mai Thị Liêm (43 tuổi, Thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, Gia Lai).
SĐT: 0357091299