…Trong không gian tối om, không một bóng đèn và người phục vụ những bữa ăn của thực khách là người khiếm thị. Thực khách sẽ không biết trước món ăn của mình và sẽ cảm nhận nhiều hơn bằng mùi vị và hương vị của món ăn, và cảm nhận về hoạt động của mình trong bóng tối như người khiếm thị. Tất cả những điều này đang diễn ra bình thường tại Nhà hàng Noir. Dining in the Dark - mô hình đầu tiên của dịch vụ cao cấp với sự đóng góp từ những người khuyết tật.
“Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc cung cấp việc làm đầy đủ và tốt nhất cho mọi người, ngoài việc tạo việc làm tốt nhất cho người khuyết tật, còn phải giúp họ phát triển từ nghề nghiệp của mình” – đó là mục tiêu mà đôi bạn thân Germ Doornbos và Vũ Anh Tú hướng tới khi thành lập mô hình không gian ẩm thực trong bóng tối. Germ Doornbos – một người Hà Lan đã ở Việt Nam hơn 15 năm giữ vị trí quản lý cấp cao tại khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội và Vũ Anh Tú, một người Việt Nam - Trưởng phòng Kinh doanh tiệc và sự kiện của khách sạn Sofitel Metropole đã có dịp tìm hiểu về nỗi khó khăn của những người người khiếm thị trong hành trình tìm kiếm việc làm nuôi sống bản thân. Và việc này đã khiến họ trăn trở trong một thời gian dài và bỏ thời gian tìm hiểu nhu cầu, khả năng của người khuyết tật khiếm thính và khiếm thị.
Qua tìm hiểu, đôi bạn Germ Doornbos và Vũ Anh Tú thấy rằng những người khuyết tật vẫn phải chịu những kỳ thị trong xã hội dẫn đến tỷ lệ bỏ học và thất nghiệp trong hai nhóm khiếm thị và khiếm thính rất cao. Cơ hội việc làm cho họ rất mong manh, nhiều nơi sẵn sàng thu nhận nhóm người yếu thế như trẻ mồ côi, trẻ em đường phố, phụ nữ dân tộc… về làm việc nhưng nhóm người khuyết tật lại bị bỏ qua vì còn khá nhiều định kiến về khả năng làm việc của họ. Ngay cả khi người khiếm thị có việc làm họ vẫn phụ thuộc vào nhà tuyển dụng. Nếu hoạt động kinh doanh bị đi xuống thì họ nằm trong nhóm đối tượng bị cắt giảm. Việc làm bấp bênh, nghề nghiệp tương lai của họ cũng không ổn định. Bên cạnh đó, môi trường học tập bình thường có khá ít yếu tố hỗ trợ người khiếm thị nên đa phần những người khiếm thị gặp nhiều trở ngại khi theo đuổi việc học lên cao. Tìm được việc làm đối với họ lại càng khó khăn hơn.
Cả hai đã tìm hiểu rất nhiều về mô hình hỗ trợ người khuyết tật một cách bền vững trên thế giới để tìm ra mô hình hoạt động lý tưởng mà ở đó người khuyết tật khiếm thị, khiếm thính có việc làm phù hợp với khả năng và có thể nuôi sống bản thân. Để thực hiện lý tưởng của mình - người khiếm thị có thể làm việc tại một nhà hàng trong bóng tối - Germ Doornbos và Vũ Anh Tú đã rời bỏ công việc quản lý cấp cao, mức lương lý tưởng của mình tại Hà Nội để vào TPHCM thành lập dự án Journey of Senses (JOS) thuộc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Đầu tư An Việt Nam vào năm 2014. Cùng lúc đó, nhà hàng Noir. Dining in the Dark - nhà hàng dạ thực ra đời và hoàn toàn do người khiếm thị phục vụ. Với mô hình của Noir, thực khách sẽ dùng bữa trong không gian tối hoàn toàn, và không biết trước món ăn. Họ sẽ cảm nhận nhiều hơn bằng mùi vị và cấu trúc đồ ăn. Tại nhà hàng Noir. Dining in the Dark tất cả quy trình làm việc và mô hình làm việc xung quanh khả năng của nhân viên để biến điểm yếu điểm của họ thành lợi thế trong môi trường công việc. Rất hiếm mô hình kinh doanh sử dụng người khuyết tật đưa được người khuyết tật ra làm công việc tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Mô hình này làm được điều đó. Và khi hoán đổi vị trí đó, nhân viên là người khuyết tật lại cảm thấy tự tin rất nhiều. Họ được trao quyền để dẫn dắt toàn bộ không gian với khách.
Trong mô hình không gian ẩm thực trong bóng tối, các bạn khuyết tật sẽ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Những điểm chạm tiếp xúc xã hội này sẽ là những điểm chạm gây dựng nên lòng tin, xoá đi những kỳ thị, định kiến vốn có bấy lâu của xã hội về người khuyết tật. Qua đó, họ lại được thấy khả năng người khiếm thị làm việc hiệu quả ra sao. Khách đến nhà hàng không chỉ tận hưởng một bữa ăn thông thường mà còn hiểu hơn về người khiếm thị và gần gũi với họ hơn.
Năm 2017, JOS đã mở thêm nhà hàng Blanc do người khiếm thính phục vụ. Khách đến đây sẽ được học một số ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính để giao tiếp với nhân viên phục vụ khiếm thính. Khách chỉ cần giao tiếp theo hướng dẫn của quyển sổ tay ký hiệu để trên bàn để gọi món và yêu cầu phục vụ. Năm 2019, JOS mở thêm Cửa hàng hoa Là Hoa tạo việc làm cho người khiếm thính. Cùng năm đó, họ đã mở Noir Spa tạo thêm việc làm cho người khiếm thị, Từ năm 2014 đến nay đã có 74 ngàn lượt khách đến với 4 điểm kinh doanh của JOS, bình quân 60 lượt khách/ngày. Trong đó, có rất nhiều đoàn du khách từ nước ngoài đến thăm và tìm hiểu về mô hình của JOS. Số lượng nhân viên khiếm thị và khiếm thính tại JOS tăng trưởng bình quân trên 40%/năm.
Germ Doornbos và Vũ Anh Tú chia sẻ rằng luôn hi vọng mô hình Journey of Senses (JOS) lớn mạnh hơn để lan tỏa thông điệp của mình đến cộng đồng rộng hơn. Và hi vọng tại Việt Nam cần có các chính sách cụ thể hơn để giúp người khuyết tật có công ăn việc làm, được hỗ trợ tốt hơn để theo đuổi việc giáo dục học tập để hòa nhập với cuộc sống tốt hơn.