Một tuần nóng bỏng sắp qua đi với bao niềm vui, nỗi buồn xung quanh những điểm 10 và những điểm liệt trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Thế nên, tôi sẽ kể với Sophia một chuyện khác liên quan đến một kỳ thi cách đây 4 - 5 năm.
Đó là câu chuyện về một em học sinh bị tai nạn nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi việc học và đã thi đỗ đại học mấy năm trước. Em tên là Dương Hữu Phúc. Năm 19 tuổi, chỉ cách kỳ thi đại học 7 ngày, khi đó Phúc vẫn đang làm thêm tại một xưởng cơ khí, thì một tai nạn lao động xảy ra, tỉnh dậy, em thấy mình đã mất đi đôi bàn tay.
Phúc kể lại rằng, cảm giác lúc đó rất buồn, em có suy nghĩ là rồi đây không biết mình sẽ làm gì trong tương lai khi mà không còn đôi tay, đơn giản nhất là chăm lo cho chính bản thân mình ra sao. Chưa kể mẹ em cũng đang mang bệnh, sức khỏe cũng không được tốt. Sau ca mổ, em mất tự tin, thậm chí có khi cả tuần lễ ngồi trong nhà không dám ra ngoài.
Rồi sau một năm nghỉ dưỡng thương, em cũng đã tập viết được cái tên của mình. Phúc xin mẹ đăng ký học lại lớp 12, rồi đăng ký thi đại học. Ngày có tin báo trúng tuyển, em và mẹ rất vui mừng, rồi hai mẹ con chuẩn bị thu xếp để ra Hà Nội học.
Những ngày đầu ra Thủ đô còn nhiều bỡ ngỡ, thế rồi vì mưu sinh, hai mẹ con em cũng phải tìm công việc để làm. Suy nghĩ đắn đo mất hai tuần, Phúc quyết định nhập nguyên liệu về làm vòng nguyệt quế, cuối tuần lên bán trên phố đi bộ Hồ Gươm.
Ban đầu cũng chỉ có ý bán vào tầm chiều tối vì cũng còn tự ti, e ngại. Sau rồi cũng có kết quả, thêm được thu nhập, em cũng đã theo học được 5 năm đại học. Em nói rằng mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa sau những gì đã đạt được, vì còn phải lo cho cả người mẹ.
Sophia ơi, cá nhân tôi tin rằng với tinh thần ấy, Dương Hữu Phúc xứng đáng có được một vòng nguyệt quế cho chính mình. Câu chuyện của em làm tôi nhớ tới một trường hợp nữa mà tôi trực tiếp chứng kiến.
Khoảng hơn 20 năm nay, bất cứ khi nào xe máy bị hỏng hóc, tôi và mấy người bạn đều tìm đến một hiệu sửa xe bình dân bên kia sông Đuống. Anh thợ sửa xe là một người khuyết tật từ nhỏ, khi đi lại, phần trên và phần dưới cơ thể vặn như vỏ đỗ, rất khó khăn.
Nhưng anh quyết tâm gạt bỏ mặc cảm, theo học nghề sửa chữa xe máy, và liên tục tự nâng cấp tay nghề của mình lên, để bây giờ có thể xử lý nhiều ca khó. Rất nhiều khách hàng đến đây sửa chữa đều hài lòng, mặc dù ở xa nhưng vẫn tin tưởng mang xe sang tận nhà anh để được sửa chữa, bảo dưỡng.
Sophia biết không, trong cuộc sống đầy biến động này, đôi khi vì những sự không may mà một số người buông xuôi, thoái chí. Chẳng đâu xa, áp lực thi cử luôn luôn đè nặng lên các em học sinh thi lớp 10 hay thi THPT quốc gia, và nếu kết quả thi không tốt thì thực sự trở thành cơn ác mộng cho các em, thậm chí còn để lại những sang chấn tâm lý không hề nhẹ...
Chỉ mong rằng hai câu chuyện nêu trên là những minh chứng rõ nét nhất cho một điều, cuộc sống thật là đáng yêu. Tôi lấy tên một ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện làm tiêu đề cho bài viết này với mục đích đơn giản rằng, nếu ai đó trong cuộc sống gặp phải những hoàn cảnh trớ trêu, những tình huống khó khăn, cực khổ mà thoái chí thì hãy thử nghe lại bài hát này một lần.
Cách tiếp cận với cuộc sống thế nào thì tùy theo hoàn cảnh của từng cá nhân nhưng chắc chắn sẽ phải có một điểm chung, đó chính là phải làm việc, phải cố gắng vượt qua chính mình. Phải vậy không Sophia? Tạm biệt và hẹn gặp thư sau!
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam (ASVHO) là tổ chức
xã hội hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi.,
được thành lập ngày 25/4/1992 theo quyết định số 136/CT của Chủ tịch Hội đồng
Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Hội đã 4 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân
chương cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất; 2 lần Huân chương Lao động
hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba.
Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản; vận động nguồn lực từ
các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật với
mục đích tổ chức các hoạt động trợ giúp và nâng cao chất lượng cuộc sống của
người khuyết tật, trẻ mồ côi, hỗ trợ họ sống tự tin, tự lực và hòa nhập cộng đồng.