Ông Trump làm kinh tế tốt, người khuyết tật Mỹ có việc làm

2019-02-12 03:23:47

Làn sóng những người Mỹ khuyết tật quay trở lại lực lượng lao động của nước này đã phá vỡ xu thế lâu dài trước đó khi họ bị đẩy ra khỏi lực lượng lao động.

Ông Trump làm kinh tế tốt, người khuyết tật Mỹ có việc làm - Ảnh 1.

Là một người mắc chứng tự kỷ, anh Mort (đeo kính) có khả năng thao tác máy tính rất nhanh và xử lý tốt các chuỗi số phức tạp - Ảnh: Wall Street Journal

Theo báo Wall Street Journal, những người lao động khuyết tật này đang hưởng lợi từ một nền kinh tế có tỉ lệ thất nghiệp rất thấp dưới thời Tổng thống Donald Trump.

"Bước ngoặt ấn tượng"

Theo đó, người Mỹ khuyết tật tham gia thị trường lao động ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Số người Mỹ nhận trợ cấp khuyết tật liên bang đã giảm từ mức cao nhất là 9 triệu người vào 4 năm trước xuống còn 8,5 triệu người vào tháng 12-2018 khi tỉ lệ người khuyết tật tham gia lực lượng lao động tăng lên.

Tỉ lệ thất nghiệp trung bình hằng tháng của người khuyết tật năm 2018 là 8%, giảm 4,6 điểm % so với năm 2014. Tỉ lệ thất nghiệp của nhóm này giảm nhanh hơn so với tỉ lệ thất nghiệp của người dân Mỹ nói chung.

"Đây thật sự là một bước ngoặt khá ấn tượng" - nhà kinh tế học Nicole Maestas, chuyên nghiên cứu về hệ thống khuyết tật của ĐH Y Harvard, nhận định. "Việc thuê những người khuyết tật đã giảm trong một khoảng thời gian dài nhưng bây giờ thì không thế nữa" - ông Maestas nói thêm.

51.302

WSJ cho biết năm 2017 có 51.302 người khuyết tật rời khỏi hệ thống khuyết tật của chương trình an sinh xã hội vì đã tìm việc thành công. Đây là con số cao nhất so với những ghi nhận từ năm 2002 và cao gần 30% so với năm 2011.

Có hai yếu tố chính dẫn đến kết quả trên. Thứ nhất, thị trường lao động cung không đủ cầu khiến các nhà tuyển dụng phải mở rộng khâu tìm kiếm ứng viên. Thứ nhì, người khuyết tật khó có thể xin trợ cấp khuyết tật vì Mỹ siết chính sách an sinh xã hội lại sau cuộc suy thoái kinh tế kết thúc năm 2009. 

Trước đó, nhiều người khuyết tật đã xem trợ cấp khuyết tật là một hình thức trợ cấp thất nghiệp.

Theo số liệu mới nhất từ Bộ An sinh xã hội, tỉ lệ cấp trợ cấp cho người lao động khuyết tật nộp đơn xin sau khi kiểm tra y tế đã giảm xuống còn 48% trong năm 2016. Đây là lần đầu tiên tỉ lệ này xuống dưới mức 50% kể từ năm 1992. Tỉ lệ chấp nhận cấp trợ cấp đạt mức cao nhất là 62% vào năm 2001.

"Tỉ lệ người tham gia chương trình xin trợ cấp trở nên ít hơn do mọi người không nộp đơn nữa mà tìm kiếm những lựa chọn thay thế khác" - nhà kinh tế học David Autor của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) cho biết.

Đa dạng việc làm

Giống như nhiều người khuyết tật khác, Nathan Mort (37 tuổi) bị tự kỷ, đã vật lộn để tìm kiếm và duy trì công việc trong nhiều năm trước khi ổn định với việc làm quản trị viên bảo hành xe. 

Công việc của anh Mort là sao chép các số xêri, gửi đơn đặt hàng sửa chữa bảo hành và theo dõi yêu cầu cũng như quản lý cơ sở dữ liệu. Hiện nay anh Mort kiếm được hơn 400 USD một tuần kèm theo các chính sách chăm sóc sức khỏe.

Thị trường lao động cung không đủ cầu cũng đang mang đến cơ hội cho một lượng lớn công nhân bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái kinh tế vừa qua. Thất nghiệp đã giảm mạnh đối với người da đen, người Mỹ Latin, lao động trẻ và những người không tốt nghiệp đại học. Đặc biệt là nguồn cung ứng việc làm giúp những người khuyết tật tại Mỹ cải thiện kinh tế đã tăng lên trong những năm gần đây.

Cô Keri Dougherty, cũng mắc chứng tự kỷ, đã tìm được việc làm ổn định tại Trung tâm Phục hồi chức năng Tennessee ở Smyrna, Tennessee. Điều này giúp cô gái trẻ 23 tuổi này dọn ra ở riêng hồi tháng 12-2018. Cô Dougherty kiếm được 9 USD/giờ và làm việc 40 giờ/tuần. 

"Tôi đã muốn sống tự lập từ rất lâu rồi. Tôi muốn trải nghiệm cách thế giới thực vận hành" - cô Dougherty chia sẻ.

Trong một số trường hợp, người khuyết tật tại Mỹ đang tạo ra công ăn việc làm của riêng họ. Bộ Lao động Mỹ cho biết những người khuyết tật có nhiều khả năng tự làm chủ hơn những người không khuyết tật. Mark Burke (48 tuổi) gặp khó khăn sau khi thôi việc tại trường trung học dành cho người khiếm thính tại Washington D.C.

Ông Burke đã nộp hơn 300 đơn ứng tuyển các công việc của chính phủ liên bang và nhận được 2 cuộc gọi phản hồi nhưng không có đề nghị việc làm nào. Sau một năm thất nghiệp, kinh nghiệm về cách làm bia thủ công đã giúp ông Burke có công việc tại một quán rượu.

Burke nảy ra ý tưởng và cùng các cộng sự, bạn bè hùn vốn cũng như sự góp vốn của Viện sáng tạo và khởi nghiệp Gaullaudet mở một nhà máy bia thủ công hồi tháng 9-2018. Bây giờ ông Burke thường xuyên dùng email, tin nhắn và các phương tiện truyền thông xã hội để liên lạc với các nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh.

Theo Tuoitre.vn


Tin liên quan