Với người khoẻ mạnh bình thường, khi bị nhiễm hoặc chăm sóc người thân nhiễm Covid-19 đã gặp phải biết bao khó khăn, bất tiện, với một phụ nữ khiếm thị, khó khăn ấy lại càng nhân lên gấp bội khi bản thân không nhìn thấy còn người thân lại không nghe được. Câu chuyện của chị Hoàng Thị Cúc - Hội người mù huyện Phúc Thọ, Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị Tư vấn chăm sóc sức khoẻ phụ nữ khiếm thị (do Nhóm vì sự bình đẳng và phát triển của NKT phối hợp với Hội người mù Hà Nội tổ chức với sự tài trợ của Quỹ quốc tế về hệ thống bầu cử (IFES) và Mạng lưới tổng tuyển cử về tiếp cận người khuyết tật (AGENDA)) sẽ giúp đọc giả hiểu hơn về cuộc chiến chống Covid-19 của một phụ nữ khiếm thị như thế.
20220614_155150
Chị Hoàng Thị Cúc - Hội người mù huyện Phúc Thọ, Hà Nội
Trước khi có đại dịch, tôi cũng có cuộc sống bình thường trong cái không bình thường của một người khuyết tật. Hàng ngày vẫn làm những công việc đã được “lập trình sẵn”: giải quyết những việc tại cơ quan, rồi đi chợ, nấu nướng, tự phục vụ  bản thân để gia đình yên tâm.
Thế rồi một ngày “đẹp trời” cơn sóng thần mang tên Covid-19 ập xuống gia đình tôi. Phải thú thật là lúc đầu ai cũng hoang mang, sợ sệt, vì cả bố mẹ tôi đều có bệnh nền nặng (huyết áp và tiểu đường), em tôi bị ung thư tuyến giáp nên nguy cơ chuyển nặng là rất cao. Nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, ti vi, các trang mạng xã hội… mọi người đã bình tĩnh khi Đảng, Nhà nước, UBND các cấp, các ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt, Hội người mù thành phố Hà Nội đã ra nhiều văn bản chỉ đạo, in ấn các loại tài liệu, tờ rơi bằng chữ nổi, tổ chức cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật phòng chống đại dịch COVID 19”… Nhờ đó mà ai cũng vững tâm trong việc đối phó với căn bệnh chết người này.
20220614_155222
Mặc dù cả gia đình tôi thường xuyên thực hiện đúng và đủ thông điệp 5K của Bộ y tế, nhưng đầu tháng 3 năm 2022, khi đại dịch đang ở đỉnh điểm thì mẹ tôi là người đầu tiên trong nhà nhiễm bệnh. Tôi đã phải đón mẹ về cách ly tại nhà riêng của mình. Mọi người có thể hình dung ra được những khó khăn của một người khiếm thị chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Ngoài việc cơm nước đầy đủ, tôi thường xuyên mua thêm các loại trái cây để mẹ được nạp thêm nhiều vitamin giúp nâng cao sức đề kháng. Mỗi khi mẹ sốt cao là lo lắng lại tăng lên một phần vì cái khó nhất của người khiếm thị là không đọc được chỉ số ở nhiệt kế. Thành thử biết là mẹ rất mệt nhưng tôi cũng đành động viên mẹ cố xem nhiệt kế để tôi biết mà điều chỉnh thời gian cho mẹ uống thuốc. Một cái khó nữa là mẹ tôi lại là người khiếm thính nên tôi phải dùng đủ mọi cách như cố nói to hơn, nói đi nói lại một vấn đề nào đó, ra ký hiệu… để mẹ hiểu những thông tin mà tôi muốn truyền tải. Ngoài ra tôi  rất chú ý đến các tiểu tiết như cho mẹ ở phòng thoáng đãng, chuẩn bị nước nóng để mẹ vệ sinh, khử khuẩn nhà, mặt bàn, tay nắm cửa, chuẩn bị gừng, sả, chanh… để mẹ xông hàng ngày. Hai mẹ con sống trong cùng một mái nhà tôi luôn đeo khẩu trang, không dùng chung các dụng cụ cá nhân  như bát, đũa, cốc… Cứ thế sau 10 ngày khi test lại mẹ tôi đã âm tính với Covid-19.
Sau đó không lâu chính tôi cũng lại là người nhiễm bệnh. Bản thân vốn có tiền sử bệnh đường hô hấp (hen suyễn) nên tôi đã khẩn trương lên kế hoạch điều trị và chăm sóc bản thân.
20220614_155312
Vì gia đình tôi toàn là những bệnh nhân có bệnh nền nên tôi tực cách ly tại cơ quan. Vốn đã có kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nên đối với bản thân tôi không còn hoang mang nữa. Nhưng tôi lại gặp phải một khó khăn khác. Chẳng là khi tôi muốn đến trạm y tế để xét nghiệm và khai báo y tế, nhưng tôi đã gọi rất nhiều xe mà không được. Nhưng rồi rất may tôi đã gặp một bác tài có tâm đã giúp tôi đến Trạm y tế. Tôi mua một số thuốc theo sự tư vấn của bác sĩ và tự điều trị. Một lần nữa may mắn lại mỉm cười với tôi, chỉ sau 7 ngày tôi đã trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng cũng từ đó đến nay tôi ho nhiều, đau nhức xương khớp, đôi lúc khó thở, thể trạng mệt mỏi. Với vốn kiến thức học hỏi được qua báo, đài tôi đang tự điều trị những căn bệnh gặp phải hậu Covid-19.
Rất may cho đến nay gia đình tôi không có thêm thành viên nào nhiễm bệnh. Qua Hội nghị này, tôi chỉ mong muốn nhóm Vì sự bình đẳng và phát triển của người khuyết tật, Quỹ quốc tế về hệ thống bầu cử (IFES) và Mạng lưới tổng tuyển cử về tiếp cận người khuyết tật (AGENDA) hãy giúp đỡ chúng tôi có chương trình khám bệnh miễn phí sau Covid-19 tại các bệnh viện có uy tín cấp Trung ương để phát hiện kịp thời, điều trị triệt để các bệnh hậu Covid-19.
Hoàng Thị Cúc – Hội người mù huyện Phúc Thọ, Hà Nội
 
 

Tin liên quan