Thống kê, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 10% trẻ em bị rối nhiễu tâm trí, tự kỷ. Tuy nhiên, các cơ sở điều trị hiện có mới chỉ đáp ứng được khoảng 2%. Trước thực trạng này, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm trợ giúp các đối tượng có nhu cầu, hướng đến đảm bảo an sinh xã hội địa phương.
Việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho trẻ tự kỷ và gia đình được tỉnh đặc biệt chú trọng
Ông Nguyễn Xuân Huy, Trường phòng Tư vấn, trợ giúp và hành chính (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh), cho biết: Tỷ lệ trẻ bị rối nhiễu tâm trí, tự kỷ ngày càng cao bởi nhiều lí do. Đặc biệt, thời buổi bùng nổ của công nghệ 4.0, trẻ em dành nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử, ít tương tác với cuộc sống thực... đang trở thành những tác nhân làm gia tăng và nảy sinh các dạng, mức khác nha của vấn đề tự kỷ, rối nhiễu tâm trí ở trẻ em. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ em thành thị mắc chứng rối nhiễu tâm trí, tự kỷ cao hơn so với trẻ em khu vực nông thôn, miền núi.
Để từng bước giúp trẻ rối nhiễu tâm trí, tự kỷ và gia đình trẻ được tiếp cận các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ trẻ em rối nhiễu tâm trí một cách hiệu quả, thiết thực. Trung tâm đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua các hình thức: Tổ chức nói chuyện chuyên đề về sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí; phát tờ rơi, áp phích, sách hướng dẫn cách chăm sóc, phòng tránh hội chứng tự kỷ ở trẻ em... Đồng thời, triển khai sàng lọc, tư vấn và trị liệu cho trẻ tại cộng đồng. Qua đó, giúp cho gia đình, người thân của trẻ có nhận thức đầy đủ về vấn đề của con em mình, cùng phối hợp trong việc chăm sóc, trị liệu cho trẻ ngay tại gia đình.
Từ năm 2019, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện đề án thí điểm tổ chức hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em rối nhiễu tâm trí, tự kỷ có thu phí. Theo đó, Trung tâm tổ chức khám sàng lọc, đánh giá vào tất cả các ngày trong tuần khi người dân có nhu cầu. Hoạt động sàng lọc được thực hiện bằng phương pháp Test Denver II, thang đo tăng động giảm chú ý và PEP R, để đánh giá thực trạng sự phát triển trên từng lĩnh vực của trẻ. Từ đó, nhân viên của mô hình tâm lý trị liệu trẻ rối nhiễu tâm trí tư vấn cho cha mẹ, gia đình trẻ về những vấn đề cần lưu ý và cách hỗ trợ can thiệp trị liệu cho trẻ.
Chị Đinh Thị Hương Thảo, cán bộ phụ trách mô hình, cho biết: Hầu hết trẻ đến khám sàng lọc tại Trung tâm đều có biểu hiện rối nhiễu tâm trí như tăng động, giảm chú ý, chậm phát triển ngôn ngữ... Sau khi xác định được các mảng chậm phát triển của trẻ, chúng tôi cùng với chuyên gia xây dựng kế hoạch và phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp. Trong quá trình tư vấn, các bậc phụ huynh cũng được hướng dẫn cẩn thận, đầy đủ các bài tập, phương pháp giáo dục hiệu quả để can thiệp trị liệu cho trẻ tại gia đình.
Cùng với hoạt động sàng lọc, Trung tâm cũng tổ chức trị liệu cho trẻ theo phương pháp một - một. Hoạt động trị liệu được thực hiện thông qua quá trình chơi mà học với trẻ, mát xa, điều hòa các giác quan, phát triển tâm vận động… Đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, khám sàng lọc cho 87 trẻ; tiến hành trị liệu cho 67 trẻ bị rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh. Nhiều trẻ sau khi tiếp nhận trị liệu đã phát triển bình thường như những đứa trẻ cùng trang lứa.
“Đến hết năm 2021, đề án thí điểm hoạt động sàng lọc, can thiệp và trị liệu tâm lý cho trẻ em rối nhiễu tâm trí, tự kỷ có thu phí kết thúc. Tuy nhiên, Trung tâm đã đề xuất với UBND tỉnh về việc kéo dài thực hiện đề án thêm 1-2 năm. Theo đó, Trung tâm tiếp tục cải tạo nâng cấp, trang sắm bổ sung các thiết bị chuyên dùng cho phòng và trị rối nhiễu tâm trí; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội... Qua đó, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động sàng lọc, tư vấn, điều trị rối nhiễu tâm trí cho trẻ; giảm thiểu số trẻ mắc phải chứng bệnh này trong cộng đồng”. - Ông Nguyễn Xuân Huy, Trưởng phòng Tư vấn, trợ giúp và hành chính (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh) cho biết thêm./.
Theo laodongxahoi.net