Sáng 3/6, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) tổ chức hội thảo “Ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật”.

Ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật - Ảnh 1.

Các đại biểu dự hội thảo.

Hiện cả nước có khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết  tật, người khuyết tật và phụ nữ khuyết tật gặp khó khăn cao gấp 3 lần so với người không khuyết tật. Ngoài ra, phụ nữ khuyết tật còn gặp rất nhiều định kiến, khó khăn và có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực giới. Đây là những đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử "kép" vì lý do khuyết tật và giới. Do đó, họ cần được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời nhằm đảm bảo các quyền con người cơ bản.

Bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) thực hiện dự án "Tăng cường năng lực cho phụ nữ khuyết tật", với mục tiêu xây dựng mạng lưới hỗ trợ, bảo vệ và ngăn chặn bạo lực; đề xuất giải pháp phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ khuyết tật ở Việt Nam. Nhiều hội thảo, tọa đàm, đối thoại đã diễn ra tập trung vào việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng, rà soát các qui định pháp luật hiện hành, qua đó đề xuất các giải pháp nhằm phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã rà soát, lựa chọn từ 63 tỉnh, thành những phụ nữ tiêu biểu, có năng lực, có đủ điều kiện để kết nối hình thành mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết  tật trên toàn quốc.

Ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Hương cho biết, trong thời gian tới Hội sẽ thúc đẩy hoạt động của mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật đã được thành lập.

"Hy vọng mạng lưới sẽ là một kênh thông tin đại diện, kết nối phụ nữ khuyết tật trên khắp cả nước, phát huy nêu cao tiếng nói, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, kịp thời phát hiện và lên tiếng những vụ việc bạo lực, giúp những đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật có một mạng lưới phát triển, gắn kết, sẻ chia, xóa bỏ rào cản, góp phần thực hiện mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau", bà Hương nhấn mạnh.

Ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật - Ảnh 3.

Ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ thực hiện tốt các hoạt động trợ giúp phụ nữ khuyết tật bằng các hình thức khác nhau và thúc đẩy hoạt động của mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật đã được thành lập. Đồng thời, hội sẽ là cầu nối để kết nối các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng cùng chung tay thúc đẩy công bằng và quyền lợi cho người khuyết tật, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. 

Ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật - Ảnh 4.

Hội thảo “Ra mắt mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật”.

Hội thảo cũng đưa ra Dự thảo đề xuất về sửa đổi chính sách, lồng ghép giới vào các văn bản pháp luật nhằm phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Cải thiện khung chính sách và công tác thực thi pháp luật để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật tốt hơn. Tăng cường cơ chế đảm bảo thi hành chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Tăng cường nguồn lực, ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật; truyền thông nâng cao kỹ năng bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường các dịch vụ công hỗ trợ người khuyết tật là nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực tình dục…

Theo baodansinh.vn

Tin liên quan