Vấn đề việc làm, phát triển kinh tế, tiếp cận các dịch vụ cơ bản... không chỉ là quyền của người khuyết tật (NKT) mà còn là tiền đề để NKT hòa nhập xã hội một cách bền vững. Các nội dung này đều được quy định rất cụ thể trong Luật NKT, Công ước quốc tế về quyền của NKT và được hiện thực hóa bằng các hành động cụ thể trong Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về lồng ghép quyền của NKT (thể hiện trong Trụ cột Kinh tế (AEC1, 3, 4, 9, 24, 25).
Trong những năm qua, thông qua các chủ trương, chính sách, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện cho NKT tự lực vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập bình đẳng vào xã hội. Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, Nghị quyết 10-NQ/TW “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Các cơ chế chính sách liên quan đến NKT được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt, ban hành, phê chuẩn như: Công ước Quốc tế về quyền của NKT, Kế hoạch tổng thể ASEAN về lồng ghép quyền của NKT, Luật NKT, Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Bộ luật Lao động, Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy đinh chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT và một loạt chương trình, đề án có liên quan đến trợ giúp NKT như Đề án 1019, Đề án 1190, các chương trình mục tiêu quốc gia…
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền - Một trong những doanh nhân khuyết tật tiêu biểu của tỉnh Thanh Hoá
Với các chính sách quan tâm, khuyến khích, sự hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân NKT, nhiều NKT đã khẳng định nghị lực, ý chí, trình độ năng lực chuyên môn của mình khi không chỉ tạo việc làm, lao động nuôi sống bản thân, gia đình mà còn vươn lên làm chủ, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người đồng cảnh và cả người lành lặn.
Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), có khoảng 75% NKT trong độ tuổi lao động tham gia hoạt động kinh tế, trong đó có khoảng 80% hoạt động kinh tế dưới hình thức tự làm hoặc lao động hộ gia đình. Những rào cản tiếp cận về cơ hội việc làm, giao thông đã khiến NKT chủ yếu đi theo hướng tự tạo việc làm tại nhà cho bản thân, những người đồng cảnh và trong điều kiện hiện nay, đây vẫn đang là hình thức tạo việc làm hiệu quả nhất đối với lao động là NKT.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng động viên, khích lệ người khuyết tật tại chương trình Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh là người khuyết tật do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức năm 2018
Cả nước có gần 700 cơ sở sản xuất kinh doanh của thương binh và NKT, thu hút, giải quyết việc làm cho trên 40.000 lao động, đảm bảo thu nhập bình quân từ 5- 7 triệu đồng/người/tháng, cá biệt có doanh nghiệp đạt thu nhập 10 -15 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn hàng trăm NKT khác là chủ kinh tế hộ gia đình làm ăn ổn định và hiệu quả. Chỉ tính riêng các cơ sở là thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và NKT Việt Nam mỗi năm đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 500 tỷ đồng. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng và tích cực vào việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về khả năng của NKT, từng bước xóa bỏ rào cản, sự kỳ thị của xã hội để tạo điều kiện cho NKT thực hiện quyền con người cơ bản của mình, trong đó có quyền được làm việc, có thu nhập, quyền bình đẳng, hòa nhập xã hội một cách thực sự.
Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, so với số lượng và nhu cầu của NKT trong độ tuổi lao động thì số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT là chưa nhiều, hầu hết có quy mô nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp, ngành nghề sản xuất, kinh doanh chủ yếu mang tính thủ công, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, chủ yếu tại địa phương và trong nước…. Có thể nói, NKT vốn đã rất khó khăn, nhưng những NKT thành lập, điều hành doanh nghiệp còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của mình, trong đó vấn đề lớn nhất là nguồn vốn phát triển kinh tế.
Thực tiễn công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT đã cho thấy, mô hình đào tạo tại chỗ theo hình thức vừa học, vừa làm, kèm cặp nghề, truyền nghề, cầm tay chỉ việc tại chính các cơ sở sản xuất, kinh doanh của NKT mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, các cơ sở, doanh nghiệp của NKT rất khó để nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động khuyết tật theo chính sách của Nhà nước do không đáp ứng được các yêu cầu, thủ tục đề ra.
Để tạo cơ hội cho NKT tham gia phát triển sản xuất, vươn lên làm chủ, cộng đồng NKT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các chính sách, luật pháp về NKT. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác hỗ trợ NKT trên địa bàn vay vốn, phát triển kinh tế...
Đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật NKT, trong đó bổ sung điều kiện để được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh đối với chủ cơ sở là NKT (hiện mới chỉ có quy định với cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng 30% lao động là NKT), bổ sung quy định về tỷ lệ nhất định khi tuyển dụng lao động là người khuyết tật trong cơ quan Nhà nước. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu có cơ chế dạy nghề riêng phù hợp cho NKT, cho các tổ chức, đơn vị dạy nghề giải quyết việc làm cho NKT phù hợp với dạng khuyết tật của họ.
Hoàng Dung