“Mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội phải đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội của tất cả các đối tượng, phải đảm bảo tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia…”.
Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Văn Hồi đưa ra tại hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia và các đơn vị liên quan về Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra chiều 15/4, tại Hà Nội.
Quang cảnh buổi hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên giaGần 3,2 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, cho biết: Nhằm cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 542/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giao Bộ Lao động - TBXH tổ chức lập quy hoạch.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc lập quy hoạchTheo đó, đối tượng lập quy hoạch bao gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp; Trung tâm công tác xã hội; Cơ sở cai nghiện ma túy.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, thông tin: Cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho gần 3,2 triệu đối tượng. Đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với khoảng 600 cơ sở bao gồm cả cơ sở công lập và ngoài công lập, chăm sóc cho hơn 62 nghìn đối tượng và 120 cơ sở cai nghiện ma tuý đang cai nghiện cho trên 37 nghìn đối tượng...
Chuyên gia Nguyễn Hải Hữu, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em tham góp ý kiến tại hội thảo“Việc lập quy hoạch dựa trên quan điểm quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội phải phù hợp với đặc điểm từng vùng lãnh thổ, cơ cấu dân số và số lượng người dân có nhu cầu trợ giúp xã hội; đảm bảo phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động nguồn lực xã hội; đảm bảo tính kế thừa, tính khoa học, phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Quy hoạch có tính mở, linh hoạt, tuỳ thuộc vào tình hình và nhu cầu thực tế của các vùng, địa phương để xác định số lượng, quy mô của hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, nhấn mạnh.
Sự cần thiết của việc lập quy hoạch
Đánh giá về dự thảo Đề án quy hoạch, các đại biểu tham dự cơ bản nhất trí và cho cho rằng đây là một trong những đề án được viết công phu, chi tiết, làm rõ được cơ sở pháp lý và thực tiễn xây dựng quy hoạch. Đề án đã thể hiện được sự cần thiêt phải lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội, cũng như rà soát đánh giá được những điểm mạnh, hạn chế của công tác quy hoạch giai đoạn trước.
Trong đó, chuyên gia Nguyễn Hải Hữu, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – TBXH), cho rằng: Việc rà roát quy hoạch thời kỳ trước cần chú ý phần đánh giá quy hoạch để rút ra bài học. Đồng thời, bổ sung/điều chỉnh trong từng lĩnh vực để đưa vào quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cục trưởng Cục Phòng, chống Tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - TBXH) Trần Ngọc Túy phát biểu tại hội thảoChuyên gia Nguyễn Hải Hữu, chia sẻ: Khi phân tích và dự báo về quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cần chú ý đến cả nhóm đối tượng tự nguyện bởi nhu cầu ngày càng tăng. Bên cạnh đó phải làm rõ phương pháp dự báo, đây là vấn đề rất khó, phải có cơ sở thực tiễn để dự báo. Bởi lẽ, mỗi một đối tượng cần có một cách dự báo thuyết phục, chú ý hơn về đối tượng người cao tuổi bởi nước ta đang trong bối cảnh già hoá dân số.
Còn theo ý kiến tham góp của ông Bùi Sĩ Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - TBXH, thì những yếu tố tác động đến việc quy hoạch cần được làm rõ nét hơn, đặc biệt là những thách thức lên hệ thống an sinh xã hội, như: vấn đề già hoá dân số, biến đổi khí hậu, lao động di cư, các vấn đề xã hội như trẻ em tự kỷ, bạo lực gia đình… cần nêu cụ thể. Có như vậy mới tăng tính thuyết thục của Đề án.
Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính Phạm Quang Phụng tham góp ý kiến về Đề ánÔng Lê Ngự Bình, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – TBXH), trao đổi: Việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cũng phải tính toán đến những đối tượng đặc thù và cần có những trung tâm vùng để đáp ứng nhu cầu thực tế. Đồng thời, có khung/chuẩn về mặt quy mô để sắp xếp, chuyển đổi những cơ sở chưa phù hợp hay chưa hiệu quả, không bảo đảm tiêu chuẩn…
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định sự cần thiết của việc lập quy hoạch và cho rằng việc lập quy hoạch với mục tiêu phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội của tất cả các đối tượng. Đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc, trợ giúp và cai nghiện ma túy tại trung tâm và trong cộng đồng. Đây cũng là cơ sở để triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ về trợ giúp xã hội.
Phó Chánh Văn phòng Bùi Sĩ Tuấn đóng góp ý kiến vào Đề án quy hoạch
Về quan điểm lập quy hoạch, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi yêu cầu bổ sung Điều 34 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” và không ai bị bỏ lại phía sau, ai ai cũng được “thụ hưởng” thành quả của đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII đã nêu.
Việc lập quy hoạch phải phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, địa phương và đảm bảo tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
Phó Viện trưởng Lê Ngự Bình trao đổi tại hội thảoThứ trưởng Nguyễn Văn Hồi lưu ý đề án cần đánh giá tình hình đối tượng, dự báo nhu cầu của từng đối tượng được quy hoạch, cũng như vấn đề quy mô mỗi cơ sở, có khoảng 300 - 500 giường nằm và vấn đề này cần đưa vào nguyên tắc của lập quy hoạch. Đồng thời, quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải tính các yếu tố tác động đến hoạt động trợ giúp xã hội như già hoá dân số, biến đổi khí hậu, lao động di cư…
Thứ trưởng đề nghị Cục Bảo trợ xã hội tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, phối hợp với nhóm tư vấn bổ sung, hoàn thiện Đề án quy hoạch để đến quý III năm nay phải trình Hồ sơ quy hoạch lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo laodongxahoi.net