Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các quyền của trẻ em, trước vấn đề này, Cục trẻ em và Làng trẻ SOS Việt Nam đã phối hợp tổ chức Toạ đàm trực tuyến về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đang sinh sống tại các cơ sở chăm sóc thay thế khi có sự tác động của đại dịch Covid-19. Bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); ông Nguyễn Xuân Hoà – Giám đốc Làng trẻ SOS Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Đàm – nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT&TMC Việt Nam; cùng đại diện các ban, ngành, các Làng trẻ của 17 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tham dự.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Trọng Đàm kiến nghị các cơ quan chức năng cần có sự tăng cường chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra việc tiếp cận chính sách và áp dụng chính sách, không để tình trạng “khoán trắng” cho Nhà nước.
Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn quốc hiện có hơn 400 cơ sở nuôi dưỡng, hệ thống chăm sóc trẻ em. Để đảm bảo quyền trẻ em bên cạnh chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trực tiếp là Cục trẻ em đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em như Thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em 111, chương trình Mùa xuân cho em, Mũ bảo hiểm cho trẻ em, Ngày hội sữa học đường, Phòng chống đuối nước…
Phát biểu khai mạc toạ đàm, bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục trẻ em cho biết, trước diễn biến khó lường của đại dịch, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 đã yêu cầu bảo đảm phòng chống dịch cho trẻ em tại gia đình và các cơ sở nuôi dưỡng, hệ thống chăm sóc trẻ em. Nhằm thực hiện tốt nhất việc bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19, các tổ chức Hội, các cơ sở nuôi dưỡng, hệ thống chăm sóc trẻ em đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa để chăm sóc, đảm bảo an toàn cho trẻ em. Tại buổi toạ đàm, nhiều ý kiến, kinh nghiệm của các tổ chức, các cơ sở nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em đã chia sẻ về các mô hình chăm sóc trẻ em, những vấn đề còn bất cập trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
SOS Việt Nam chia sẻ những nỗ lực trong thời gian thực hiện quy định giãn cách xã hội.
Là một tổ chức Hội đặc thù, với nhiệm vụ bảo trợ, giúp đỡ NKT, TMC, những năm qua, Hội Bảo trợ NKT&TMC Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình thiết thực để trợ giúp, hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật, TMC nghèo tại các cơ sở bảo trợ xã hội và luôn dành sự quan tâm cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng vào các dịp kỷ niệm ngày NKT Việt Nam, Quốc tế NKT, Tết thiếu nhi, Tết trung thu... bằng các hoạt động trao tặng quà, học bổng, xe lăn, xe đạp, dụng cụ học tập.
Tham dự toạ đàm, ông Nguyễn Trọng Đàm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội đánh giá cao sáng kiến của Cục trẻ em và Làng trẻ SOS khi tổ chức buổi toạ đàm rất kịp thời trong khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ông Đàm cho rằng, thời gian qua các loại hình chăm sóc nuôi dưỡng thay thế đã thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc cho trẻ em, triển khai hiệu quả công tác phòng chống dịch, chưa để xảy ra trường hợp nhiễm nào. Tuy nhiên đối với nhóm trẻ ở các mô hình dân lập tại cộng đồng, nhiều trẻ em chưa được hưởng và tiếp cận sự chăm sóc theo Nghị định 136. Cụ thể, trẻ em tại cộng đồng mới được hỗ trợ về nuôi dưỡng, ăn ở, sinh hoạt nhưng việc được tiếp cận học tập, vui chơi còn hạn chế dẫn tới việc chăm sóc gặp khó khăn hơn, chưa có điều kiện trang bị các phương tiện để có thể học trực tuyến... và vẫn còn khoảng trống đối với các cơ sở chăm sóc trẻ em tại cộng đồng. Vì vậy để bảo vệ chăm sóc tốt hơn cho trẻ em, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19, các cơ quan chức năng cần có sự tăng cường chỉ đạo các địa phương rà soát, kiểm tra việc tiếp cận chính sách và áp dụng chính sách, không để tình trạng “khoán trắng” cho Nhà nước. Đặc biệt Cục trẻ em, SOS Việt Nam cần tham mưu cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Nhà nước nhằm thực hiện công tác tuyên truyền vận động để cộng đồng cùng tham gia, có sự phân bổ và sử dụng nguồn lực đến với tất vả trẻ em trên cả nước, không chỉ trẻ em ở các cơ sở bảo vệ chăm sóc công lập được thụ hưởng, mà cả trẻ em ở các mô hình ngoài công lập cũng được thụ hưởng.
Một số kinh nghiệm chăm sóc trẻ em trong dịch Covid-19 của Hội Bảo vệ quyền trẻ em.
Tham gia ý kiến tại buổi toạ đàm, đại diện của SOS Nha Trang đã chia sẻ thông tin về trẻ em của Làng trẻ đều an toàn trước đại dịch, các em được tổ chức học online, cũng như kiểm tra thường xuyên việc ra, vào của khách đến thăm. Bên cạnh đó, đại diện Làng trẻ cũng chia sẻ khó khăn trong quá trình học tập của trẻ. Việc học trực tuyến là mô hình và giải pháp tối ưu trong khi dịch bệnh diễn ra nhưng chất lượng của các buổi học chưa cao do một vài yếu tố như điều kiện cơ sở vật chất, đường truyền, ý thức của trẻ… Đại diện SOS Nha Trang rất mong Cục trẻ em, SOS Việt Nam và các mạnh thường quân sẽ dành sự quan tâm, trang bị máy tính và xây dựng những chuyên đề cho các cơ sở để có thêm hiểu biết về chăm sóc trẻ em, làm tốt hơn công tác truyền thông, hướng dẫn trẻ em tham gia các hoạt động tại Làng.
Đại diện SOS Bến Tre cho biết, trong tình hình dịch bệnh, việc học tập của trẻ được chia thành nhiều nhóm nhỏ, vì thế các mẹ phải chia ra chăm sóc, hướng dẫn các nhóm sinh hoạt và các kỹ năng tự bảo vệ sức khoẻ theo đúng yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Thời gian đầu người thân và bản thân tâm lý trẻ có ít nhiều ảnh hưởng, trang thiết bị phục vụ đáp ứng nhu cầu cho học online còn thiếu nhiều, nguy cơ tiếp xúc với người lạ của trẻ khiến các mẹ khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Xuân Hoà, Giám đốc Làng trẻ SOS Việt Nam đã bày tỏ sự cảm thông với các làng trẻ trên cả nước về những khó khăn trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và thanh thiếu niên trước tác động của đại dịch Covid-19. Ông Hoà cũng cho biết, tác động nghiêm trọng nhất trong đại dịch đó chính là nguồn kinh phí bị cắt giảm, người đỡ đầu, các đơn vị đỡ đầu là các mạnh thường quân, các tổ chức bảo trợ trong nước, quốc tế đã phải cắt giảm sâu nguồn kinh phí hỗ trợ.
Lắng nghe các ý kiến chia sẻ, kiến nghị, đề xuất của đại diện lãnh đạo các Hội, các Làng trẻ, Phó Cục trưởng Cục trẻ em Vũ Thị Kim Hoa cho biết, bên cạnh những khó khăn trong công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trong tình hình đại dịch Covid-19, một số tổ chức chăm sóc trẻ em đã chủ động xây dựng các hình thức, chương trình bảo vệ chăm sóc trẻ em trong giai đoạn dịch bệnh như tổ chức hoạt động truyền thông giáo dục “Gia đình vui – Đẩy lùi Covid” của Viện nghiên cứu phát triển bền vững NSG; Phát triển chiến dịch truyền thông với sự điều hành của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam qua các hình ảnh, hội thảo toạ đàm trực tuyến; Tập huấn phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng hay một vài cuộc thi bằng các câu đố trên facebook, Tiktok, online talk với sự tham gia của đại diện Cục trẻ em và các chuyên gia an ninh mạng… Qua nắm bắt, tiếp nhận các ý kiến, chia sẻ, kiến nghị của các tổ chức Hội, các Làng trẻ, các cơ sở chăm sóc thay thế, đại diện Cục trẻ em bày tỏ sẽ sớm báo cáo với các cơ quan chức năng để đưa ra những hình thức, phương pháp phù hợp hơn nhằm triển khai hiệu quả trong việc tiếp cận và áp dụng chính sách, huy động nguồn lực, tăng cường công tác thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là tại các cơ sở chăm sóc thay thế của công lập và ngoài công lập.
Khánh Linh