Bạo lực dựa trên cơ sở giới trở nên “bình thường” và được chấp nhận
“Tôi luôn nghĩ người khuyết tật mà bị bạo hành là do bản thân bị khuyết tật, hơn nữa đây là chuyện riêng của gia đình, nếu nói ra bên ngoài sẽ không được giải quyết mà còn bị cười chê, chưa kể chồng còn đánh thêm vì đem chuyện nhà ra cho cả thiên hạ biết”. Đấy là chia sẻ của chị V.T.T.T, Hội người khuyết tật xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Đó không chỉ là suy nghĩ của riêng chị T. mà còn là của rất nhiều người khuyết tật khác trước vấn đề bạo lực dựa trên cơ sở giới. Bản thân họ không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ vì sợ xấu hổ, sợ bị dị nghị, sợ vấn đề không được giải quyết mà còn trầm trọng hơn; thậm chí, nhiều người không biết rằng họ đang là nạn nhân của bạo lực dựa trên cơ sở giới. Đáng nói hơn, cộng đồng và xã hội nhiều khi không nhận thức đúng tầm nghiêm trọng của bạo lực dựa trên cơ sở giới, từ đó thiếu các biện pháp để bảo vệ một cách hiệu quả những nạn nhân do bạo lực dựa trên cơ sở giới gây ra.
Học viên chia sẻ về những khó khăn gặp phải khi từng xảy ra bạo lực
“Nó vốn bị người quen bạo hành dẫn đến khuyết tật như hiện nay đó cô, nó dặn tôi không được kể với ai hết, nó nói chuyện đã qua rồi, coi như là số mình bị vậy thì phải chịu vậy”. Đấy là lời tâm sự của một bà mẹ có con gái từng bị bạo lực dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đó là bị trở thành một người khuyết tật.
Chị K., một người khuyết tật vận động sống ở huyện Đại Lộc cho hay chị bị bạo hành tình dục dẫn đến có con ngoài ý muốn nhưng chị vẫn im lặng, không dám lên tiếng vì chị nghĩ: “Chị nói ra cũng không ai tin”. Thậm chí, gia đình chị lại cho rằng, trong cái rủi có cái may khi chị có được đứa con để nhờ cậy sau này.
Được biết, ở huyện Duy Xuyên còn có rất nhiều chị em khuyết tật thường xuyên bị chồng uống rượu về và chửi mắng, đánh đập. Các ông chồng đó cho rằng vợ mình vì khuyết tật nên đã không làm tròn nhiệm vụ của một người vợ, là gánh nặng cho họ. Những lúc như vậy họ thường chạy tạm đến nhà chị T. để lánh nạn rồi sau đó lại trở về nhà và bạo lực lại tiếp diễn.
Thực tế cho thấy rằng đã có rất nhiều phụ nữ khuyết tật khác từng bị bạo lực bởi nhiều hình thức và cấp độ. Tuy nhiên, họ đã im lặng chịu đựng để những tổn thương đó tự qua đi mà không dám lên tiếng, bản thân họ không có kiến thức gì về bạo lực dựa trên cơ sở giới để phòng tránh hay đến địa chỉ nào để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Hành trình thay đổi nhận thức
Từ tháng 5/2019 đến nay, dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” do ACDC thực hiện dưới sự tài trợ của USAID đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về phòng tránh và ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới cho người khuyết tật. Các hoạt động này đã được triển khai tại 06 huyện, thị xã, thành phố cho 230 người khuyết tật.
Được trực tiếp tham gia vào lớp tập huấn, chị T. và các chị em khuyết tật ở xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên đã hiểu ra rằng, bạo lực dựa trên cơ sở giới là một hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm quyền của người khuyết tật, bản thân người khuyết tật không có lỗi mà người gây ra bạo lực mới có lỗi và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Các chị cũng đã được cung cấp các kiến thức về các kỹ năng để phòng tránh và ứng phó khi có bạo lực dựa trên cơ sở giới xảy ra; những địa chỉ mà người khuyết tật có thể tìm đến khi bị bạo lực…
Các học viên tích cực trao đổi thông tin về Bạo lực trên cơ sở giới
Sau khi được tập huấn, có chị chia sẻ: “Hoá ra chị đã từng bị bạo lực mà bản thân không hề biết, chị chỉ nghĩ là người ta đang đùa cho vui”.
Tại huyện Núi Thành, lớp tập huấn “Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với người khuyết tật” cũng thu hút được nhiều anh, chị em khuyết tật tham gia. Trong đó, có những NKT đã phải chèo thuyền vào bờ, đi bộ gần 2km để đến với lớp học. Các anh chị cho biết các kiến thức học được rất mới mẻ và vô cùng có ý nghĩa đối với họ. Họ sẽ áp dụng những kiến thức này cho bản thân đồng thời chia sẻ lại với nhóm chị em khuyết tật đang sinh hoạt chung với các anh chị mà không có cơ hội được tham gia lớp học ngày hôm nay.
“Chúng tôi sẽ không im lặng!”
Sau khi tham gia các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về bạo lực dựa trên cơ sở giới, những người khuyết tật đã hiểu ra được quyền của mình và có thêm động lực, sự tự tin để ứng phó với bạo lực dựa trên cơ sở giới.
Chị T., Hội người khuyết tật xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, chị sẽ chủ động trao đổi với Hội phụ nữ, công an xã, Hội người khuyết tật tỉnh…để báo cáo, phản ảnh tình trạng bị bạo lực của các hội viên khi họ bị bạo lực để tìm kiếm sự trợ giúp và bảo vệ quyền cho hội viên của mình, thay vì im lặng như trước đây.
Buổi thảo luận sôi nổi của các nhóm trong lớp tập huấn
Mới đây nhóm thực hiện dự án có nhận được điện thoại từ một chị cán bộ Hội tâm sự: “Hôm qua một chị hội viên bị chồng đánh, chạy đến nhà chị để tạm lánh. Chị đã khuyên chị ấy cùng với gia đình báo cho Hội phụ nữ vì việc này đã xảy ra vài lần rồi. Hội phụ nữ và chính quyền đã đến nhà để khuyên ngăn, giải hòa và anh chồng của chị hội viên ấy đã cam kết không bạo hành với chị ấy nữa rồi. Tuy ở xã chị vẫn còn những vụ việc như vậy nhưng chị và chị em khuyết tật sẽ không im lặng chịu đựng mà sẽ hô gọi hàng xóm đến can ngăn hoặc gọi điện báo chính quyền đến giải quyết giúp chị em khuyết tật có được cuộc sống bình đẳng hơn, không bị bạo lực như thế nữa”.
Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với người khuyết tật nói chung và người khuyết tật Quảng Nam nói riêng sẽ là một hành trình dài và có thể còn nhiều rào cản. Tuy nhiên, với đóng góp của dự án cùng sự chung tay lên tiếng của cộng đồng, của các ban ngành và quan trọng hơn là từ chính tiếng nói của những người trong cuộc là các chị em khuyết tật, tin rằng trong tương lai tình trạng bạo lực dựa trên cơ sở giới với người khuyết tật, đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật sẽ dần được ngăn chặn.
Theo acdc.vn