Là trụ trì chùa Cẩm Phong, tỉnh Tây Ninh, cuộc sống của Thượng tọa Thích Định Tánh đều dành trọn cho Phật pháp và những người yếu thế. Tham gia hoạt động cùng Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, được sự ủng hộ của các Phật tử, các hoạt động của thầy và nhà chùa đã dần chuyển hướng từ tính tự phát, từ thiện sang hỗ trợ mang tính bền vững, đảm bảo quyền của NKT, người yếu thế và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Nhờ đó mà hàng trăm, hàng ngàn NKT, TMC, người già neo đơn đã có cơ hội học tập, cải thiện cuộc sống, an cư, lạc nghiệp.
Xây dựng cơ sở BTXH - Mái ấm cho người già cô đơn, NKT, TMC
Theo Thượng tọa Thích Định Tánh, công việc nhà chùa không chỉ đơn thuần với việc gõ mõ, tụng kinh mà cần tham gia giúp đời cứu độ chúng sinh và càng giúp được nhiều người bất hạnh chính là làm theo lời dạy của Đức Phật. Với suy nghĩ đó, từ năm 1996, khi cơ duyên đến, Thầy thành lập cơ sở bảo trợ xã hội Minh Đức (Mái ấm Mây Ngàn) để nuôi dưỡng những cụ già cô đơn, khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa trong vùng.
Gần 25 năm qua, cùng với các phật tử tận tâm, gắn bó, Thượng tọa Thích Định Tánh trải đủ nghề: lo tang lễ, làm dưa muối, bánh tét, đồ chay, kho đồ chua đem ra chợ ngồi bán từng túi nilon nhỏ để gom góp, lo toan chi phí cho “đại gia đình” mà thầy hết lòng thương yêu. Thầy cũng không quản ngại, tập trung thu mua hàng tấn dưa cải, bắp cải về thức thâu đêm chế biến thành thức ăn sẵn bỏ cho các mối quen… Khoảng giữa những năm 2000 Nhà chùa kí kết được hợp đồng cung cấp thức ăn chay cho một doanh nghiệp trên địa bàn. Nhờ đó, mà kinh tế có phần khá hơn. Tấm lòng và tâm huyết của Thầy đối với người yếu thế được nhiều người biết đến, các phật tử tin tưởng ủng hộ Thầy không chỉ về vật chất, nguồn thực phẩm, mà sẵn sàng hiến tặng đất và đầu tư tiền của để Thầy xây dựng, mở rộng cơ sở.
Hiện nay, Cơ sở BTXH Minh Đức đang nuôi dưỡng 224 người, trong đó có 77 cháu mồ côi và 147 cụ già khuyết tật (19 cụ bị bại liệt phải nằm một chỗ, 7 cụ bị tâm thần). Chi phí mỗi năm riêng tiền ăn là trên 2,4 tỷ đồng. Thầy Tánh không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng dành thời gian trực tiếp chăm sóc các cụ như chính người thân trong gia đình mình. Đối với trẻ mồ côi, Thầy lo cho đi học đầy đủ như những trẻ em khác. Nhờ đó, trong tổng số 77 cháu mồ côi, đã có 20 cháu học cấp I, 11 cháu học cấp II, 3 cháu học cấp III, 5 cháu học trung cấp – cao đẳng - đại học, 10 cháu đang học nghề. Với những người đã đến tuổi trưởng thành, Thầy đứng ra cưới vợ, gả chồng cho họ.
Tổ chức các chương trình thiện nguyện trên khắp cả nước
Không chỉ chăm sóc cho các cụ già, trẻ mồ côi tại chùa và Cơ sở BTXH Minh Đức, Thượng tọa Thích Định Tánh còn thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các phật tử, các Mạnh thường quân để có nguồn ủng hộ, tài trợ rất nhiều hoạt động thiện nguyện khác, từ thăm hỏi, tặng quà, tặng học bổng, nấu cơm từ thiện, cứu trợ đồng bào lũ lụt, đến trao tặng bò, hỗ trợ sinh kế, rồi xây cầu, làm nhà… cho NKT, TMC, người nghèo trên khắp cả nước và cả nước bạn Campuchia nơi có đồng bào nghèo gặp khó khăn.
Trong 2 năm 2016-2017 Nhà chùa cùng các phật tử đã trao tặng được 18.625 phần quà, xây tặng 6 giếng khoan cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Tại Tây Ninh, Thầy vận động xây tặng 63 căn nhà tình thương, tình nghĩa chủ yếu cho người cao tuổi, trao tặng 97 con bò giúp các hộ nghèo vượt khó vươn lên. Cùng với đó, Thầy tổ chức trao tặng 74 chiếc xe lăn, xe lắc cho NKT, 62 xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học, phát quà cho dân nghèo ăn tết, đưa 4 cháu nghèo mổ tim, trực tiếp nuôi người già tại cộng đồng hàng tháng là 28 cụ, trợ cấp cho 7 cháu sinh viên nghèo vượt khó học đến nơi đến chốn. Bếp ăn tình thương tại Nhà chùa phục vụ bình quân 900 suất/ tháng cho học sinh nghèo, bệnh nhân nghèo.
Năm 2018, 2019, Thượng tọa Thích Định Tánh cùng các phật tử tổ chức phát quà cho các hộ nghèo, các cháu khuyết tật huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Nấu ăn cho các Trung tâm Bảo trợ xã hội, trại tâm thần các tỉnh Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang, Hậu Giang, Bình Dương, Bình Phước, nấu ăn cho học sinh nghèo vùng sâu vùng xa…. Tổ chức phát quà, tập viết, sách vở cho 500 em học sinh, phát quà cho dân nghèo tỉnh Quảng Bình, tổ chức mổ mắt thay thủy tinh thể cho người mù nghèo tại Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Đắc Lắc, Thanh Hóa. Ngoài ra, Thầy còn tổ chức cho các phật tử đi cứu trợ đồng bào lũ lụt tỉnh Lai Châu, tổ chức trung thu cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại Đắc Lắc, tặng bò sinh sản cho gia đình NKT, TMC tại Tây Ninh, An Giang, trợ vốn cho dân nghèo mượn không tính lãi 1 năm trả lại và xoay vòng… Tổng kết trong các năm từ 2016-2019, Thượng tọa đã vận động các phật tử trao tặng quà, tổ chức các chương trình thiện nguyện hỗ trợ NKT, TMC, người nghèo trị giá 28,7 tỷ đồng.
Trong 11 tháng đầu năm 2020, Trụ trì và các phật tử Chùa Cẩm Phong đã tham gia các hoạt động xã hội khắp cả nước với tổng giá trị lên đến 6.175 triệu đồng. Trong đó, Nhà chùa đã tài trợ mổ mắt thay thủy tinh thể 40 ca tại Tây Ninh, tặng 05 con bò cho huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long, 5 con bò cho huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, 5 con bò cho Trà Vinh. Tổ chức nấu ăn cho Trại Tâm thần Bình Đức (Bình Phước), Trung tâm BTXH Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Trà Vinh. Dịp Tết nguyên đán Canh Tý, Thượng tọa cùng các phật tử tặng quà 600 suất quà, 300 đòn bánh tét, thực phẩm chế biến sẵn, 2.000 kg gạo, 300 thùng mì chay cho đồng bào nghèo, thăm và tặng quà cho xã Bình An, Kiên Lương, Kiên Giang, cho mượn vốn 60 hộ gia đình nghèo (mỗi hộ 3 triệu đồng). Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, Nhà chùa đã hỗ trợ 735 suất quà cho các đối tượng là người nghèo mất việc do dịch bệnh của Thị trấn Tân Châu và xã Thạnh Đức (huyện Gò Dầu), tặng nước ngọt, mì gói cho 4 xã: Phú Khánh, An Điền, Tân Phong và Thái Thạnh tỉnh Bến Tre. Cứu trợ đồng bào bão lũ Miền Trung sau cơn bão lũ các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam...
Dù đã bắt đầu một ngày từ 4 giờ sáng và bận rộn cho đến tận đêm khuya nhưng dường như thời gian vẫn chưa đủ đối với Thượng tọa Thích Định Tánh vì “vẫn còn rất nhiều người nghèo, người yếu thế cần trợ giúp”. Với bộ áo nâu giản dị và nụ cười tỏa nắng, đôi chân trần Thầy đã đi khắp mọi miền đất nước, đến với đồng bào ở những nơi khó khăn nhất, mang đến cho họ nguồn động viên, chia sẻ. Âm thầm và tự nguyện, không đòi hỏi bất kỳ sự mang ơn hay lời ca tụng nào.
Dung Nhi