Tiến sĩ Trần Văn Tín - Trung tâm dạy nghề và việc làm cho thanh niên khuyết tật (quận 12, TPHCM), là người đã cưu mang và trao cơ hội việc làm cho hàng trăm người khuyết tật, giúp họ tự kiếm sống bằng chính sức lực của mình.
Vị tiến sĩ đam mê công nghệ từ nhỏ
Sinh năm 1966 và lớn lên tại Quảng Nam, tuổi thơ của ông Trần Văn Tín là những ngày vất vả mưu sinh phụ giúp gia đình. Cậu học trò Trần Văn Tín ngày đó đam mê, mày mò thử nghiệm, rồi chế tạo ra nhiều loại máy móc thủ công từ các vật liệu rác thải như chai, lọ. Và cứ thế lâu dần tính mày mò, cái sáng tạo cứ ngấm dần trong ông và trở thành niềm đam mê.
Năm 1987, ông đậu thủ khoa Trường Đại học Bách khoa TPHCM và nhận được học bổng du học tại Ucraina. Trong thời gian học tập tại đây, ông thường xuyên lui tới các khu chợ trời để tìm tòi nghiên cứu về đồ điện, điện tử. Chính điều này đã đưa ông đến 14 nước Châu Âu để tìm hiểu về ngành công nghệ điện tử.
Năm 1997, sau khi về nước 2 năm ông được giới thiệu vào giảng dạy tại Đại học mở Cần Thơ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khiến anh phải trở lại TPHCM để chăm sóc mẹ bệnh nặng.
Thời gian này, ông tự mày mò nghiên cứu, khi truyền thông đưa thông tin sóng của điện thoại di động có ảnh hưởng xấu đến tai người, ông đã thử nghiệm và cho ra đời sáng chế đầu tay mang tên “Bộ chống xung động màng nhĩ tai khi nghe điện thoại di động” hay còn gọi “màng bảo vệ tai”. Công trình vừa ra đời đã được một doanh nghiệp Malaysia trả giá 24.000 USD.
Năm 2006, bộ ba sản phẩm tiết kiệm điện, gas và xăng của ông đã vinh dự được nhận giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, Cúp Sen Vàng, giải Cầu Vàng. Đây là tiền đề và là động lực cho những sáng chế cải tiến sau này của ông được vượt bậc hơn và ưu việt hơn cái trước.
Năm 2012, ông được cấp bằng Tiến sĩ tại Nga, cùng thời gian này ông được Đại học Nambu (Hàn Quốc) đã trao bằng Giáo sư danh dự cho ông vì đã có đóng góp vượt trội cho nghiên cứu sáng chế.
Người "chắp cánh" cho người lao động khuyết tật
Tiến sĩ Trần Văn Tín quyết định thành Trung tâm dạy nghề và việc làm cho thanh niên khuyết tật (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM) nhằm tạo cơ hội việc làm cho nhiều thanh niên khuyết tật trên địa bàn Thành phố.
Ông muốn xây xưởng sản xuất để tạo công ăn việc làm cho lao động là người khuyết tật, bởi người khuyết tật rất tỉ mỉ, nên thích hợp với công việc làm đồ điện tử. Từ những học viên ban đầu, hiện trung tâm đang nuôi dạy, tạo việc làm cho gần hơn 200 người khuyết tật.
Đến nay, hàng trăm công nhân khuyết tật có tay nghề và được giữ lại làm việc tại chính công ty của ông. Người lao động khuyết tật được công ty của ông lo chỗ ăn ở và trả lương xứng đáng, có nhiều người còn được ông đứng ra dựng vợ gả chồng.
Niềm vui của ông là mỗi ngày nhìn thấy người lao động khuyết tật tự lao động bằng khả năng của mình, được sống hòa đồng cùng cộng đồng và có môi trường để được phát huy sáng tạo của mình.
Ông Trần Văn Tín có mong ước sẽ mở rộng Trung tâm đào tạo nghề cho người khuyết tật ra nhiều nơi. Nhằm tạo điều kiện nhiều hơn cho người khuyết tật được học nghề, để tự nuôi sống bản thân và khẳng định được giá trị sống của chính họ.
Lãnh đạo phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) cho biết, Trung tâm dạy nghề và việc làm cho thanh niên khuyết tật của tiến sĩ Trần Văn Tín, trong nhiều năm qua đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật trên địa bàn phường. UBND Phường Tân Chánh Hiệp luôn tạo điều kiện để người lao động khuyết tật cư trú và làm việc trên địa bàn phường để hòa nhập với cộng đồng.
Theo laodong.vn