Tỉnh Hội Quảng Bình: Tập trung chăm lo đời sống cho người yếu thế
Với phương châm không để người khuyết tật nào bị bỏ lại phía sau, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự quan tâm của các ban, ngành, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi (NTT và TMC) tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình nhằm hỗ trợ người khuyết tật (NKT), tạo điều kiện, động lực để NKT chủ động vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Chủ tịch Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh Đinh Công Hải cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 45.000 NKT, trong đó có trên 19.800 NKT nặng, gần 4.900 NKT đặc biệt nặng và 567 TMC. Đa phần NKT trên địa bàn tỉnh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, không thể sống tự lập, chỉ có khoảng trên 15% tự tạo được thu nhập.
Với sự chủ động, sáng tạo, đa dạng về hình thức tuyên truyền, vận động, những năm qua đã có hơn 80.000 lượt NKT, TMC, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp, tiếp cận y tế, phương tiện đi lại, dạy nghề tạo sinh kế, cải thiện điều kiện sinh hoạt và đời sống, trợ giúp pháp lý và được tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Không chỉ thực hiện tốt các chế độ, chính sách, với tinh thần “tương thân tương ái”, các cán bộ làm công tác hội trong toàn tỉnh đã tích cực vận động nguồn lực để chăm lo hỗ trợ những hoàn cảnh yếu thế. Nhiều cơ sở đã thành lập chi hội đến địa bàn dân cư như phường Bắc Lý (TP. Đồng Hới), phường Quảng Thuận, Quảng Thọ (TX. Ba Đồn).
Ngoài ra, trang thông tin điện tử của hội với việc công khai nguồn hỗ trợ của các nhà tài trợ đã trở thành cầu nối giữa hội với những tấm lòng nhân ái, cùng chung tay, đồng hành hỗ trợ nhiều hơn cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như huyện Quảng Ninh đã chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động các nguồn lực để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để trẻ khuyết tật được học tập, vui chơi, tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Hiền Ninh (Quảng Ninh) là 1 trong 4 trung tâm trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ chăm sóc cho trẻ khuyết tật. Được thành lập năm 2002, từ nguồn tài trợ ban đầu của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, hiện trung tâm có 6 nhân viên, thay phiên tập luyện vật lý trị liệu cho trẻ, hướng dẫn phụ huynh tập luyện cho con.
Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Hiền Ninh Lê Quyết Chiến cho biết: Nhờ sự tận tình của những người bố, người mẹ nuôi tại trung tâm cùng sự đồng hành của phụ huynh, trong những năm qua, trung tâm đã giúp hơn 140 trẻ khuyết tật có những bước hồi phục kỳ diệu, dần hòa nhập cộng đồng. Nhiều em quyết tâm vươn lên, có công ăn việc làm và thu nhập từ nghề cắt tóc, nghề rửa xe… đóng góp cho gia đình và xã hội.
Là thanh niên khuyết tật, anh Nguyễn Văn Lượng (SN 1985, xã Liên Trạch, Bố Trạch) được hỗ trợ mô hình sinh kế với quán tạp hóa nhỏ. Sau thời gian buôn bán ổn định, anh Lượng mở rộng thêm chăn nuôi cá lồng trên sông. Thu nhập từ việc nuôi cá lồng mang lại nhiều lợi nhuận với thu nhập hàng tháng 3-4 triệu đồng. Từ một người phụ thuộc hoàn toàn vào vợ, giờ đây anh Lượng có thể làm đủ mọi việc và tạo ra nguồn thu nhập ổn định, cải thiện kinh tế gia đình.
Phát huy uy tín, tâm huyết, trách nhiệm vì hội, vì quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, TMC, những cán bộ Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, nỗ lực mang yêu thương, tình nhân ái của cộng đồng chia sẻ, chung tay vì người yếu thế, góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Giai đoạn 2022-2027, Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh phấn đấu vận động nguồn lực đạt 25 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đó, hội tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho 300 người, hỗ trợ y tế, phương tiện đi lại cho các đối tượng; đồng thời, hỗ trợ cải thiện sinh hoạt và sinh kế cho 800 lượt hộ gia đình NKT, TMC...
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam (ASVHO) là tổ chức
xã hội hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi.,
được thành lập ngày 25/4/1992 theo quyết định số 136/CT của Chủ tịch Hội đồng
Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Hội đã 4 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân
chương cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất; 2 lần Huân chương Lao động
hạng Nhì và Huân chương Lao động hạng Ba.
Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản; vận động nguồn lực từ
các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật với
mục đích tổ chức các hoạt động trợ giúp và nâng cao chất lượng cuộc sống của
người khuyết tật, trẻ mồ côi, hỗ trợ họ sống tự tin, tự lực và hòa nhập cộng đồng.