Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật năm 2022, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật”. Chương trình có sự tham dự của bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Toàn cảnh buổi toạ đàm.
Theo ông Nguyễn Trọng Đàm – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, buổi toạ đàm được tổ chức nhằm góp phần thực hiện Luật người khuyết tật, Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030 đồng thời góp thêm tiếng nói tuyên truyền về quyền bình đẳng của người khuyết tật trong cuộc sống, tình yêu, hôn nhân, tạo diễn đàn trao đổi, thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ giữa người khuyết tật với người khuyết tật, giữa người khuyết tật với người không khuyết tật, với gia đình, xã hội. Thông qua Toạ đàm, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam mong muốn sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong gia đình, tổ chức, nhà nước và cộng đồng xã hội về việc quan tâm, tạo điều kiện cho người khuyết tật được đảm bảo thực hiện quyền của mình trong cuộc sống, tình yêu, hôn nhân.
Bà Nguyễn Hồng Oanh – Giám đốc Trung tâm IDEA chia sẻ tại buổi Toạ đàm
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đã nghe bà Nguyễn Hồng Oanh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và hành động vì sự hòa nhập (IDEA) - đại biểu của chương trình Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật lần thứ II năm 2012, chia sẻ những câu chuyện về tình yêu, hôn nhân của người khuyết tật, cùng trao đổi những thuận lợi, khó khăn, tìm giải pháp vượt qua trở ngại để tiếp tục cùng nhau vun đắp và giữ lửa hạnh phúc. Từ chính câu chuyện về rào cản khi đến với tình yêu, hôn nhân của mình, những nỗ lực của bản thân để mưu cầu hạnh phúc và những trái ngọt đã được gặt hái, bà Nguyễn Hồng Oanh đã truyền cảm hứng để các đại biểu mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của mình, chia sẻ những nỗi niềm chưa bao giờ được bày tỏ.
Đó là nỗi lòng của chị Trần Thị Tư (Bà Rịa Vũng Tàu) - người phụ nữ khoẻ mạnh đem lòng yêu và quyết định kết hôn với người chồng khuyết tật. Chị đã từng phải nuốt nước mắt vào trong khi những người xung quanh cho rằng mình lấy anh vì ham giàu, hám lợi. Để chứng minh cho tình cảm của mình, chị chỉ lặng lẽ bên anh, từng ngày, từng giờ cùng anh vượt qua mọi rào cản, làm chỗ dựa cho anh những lúc tuyệt vọng nhất cũng như khi anh công thành, danh toại; Là một chút thiếu tự tin của chị Lê Thị Bích Loan (Tp. Hồ Chí Minh) mỗi lần cà nhắc sánh bước bên bố mẹ chồng và anh Chương – người chồng đẹp trai sáng lạn, dù đã 14 năm anh chị gắn bó, yêu thương, dù bố mẹ chồng luôn tế nhị và tình cảm, không bao giờ coi chị là người khuyết tật; Là lời cảm ơn chân thành của anh Trần Hồng Hải (An Giang) đối với chị Huỳnh Thị Cúc khi người vợ trẻ đẹp của mình đã dũng cảm vượt qua những lời dè bỉu của mọi người xung quanh để đến với một thương binh mất cả hai chân như anh. Chính tình yêu của chị đã tiếp thêm sức mạnh để anh vượt lên với quyết tâm “Không bao giờ thua kém người không khuyết tật”.
Chị Trần Thị Tư (vợ anh Lê Công Hoan – Bà Rịa Vũng Tàu) chia sẻ câu chuyện của mình
Cũng tại buổi toạ đàm, các đại biểu vợ chồng người khuyết tật đã cùng chia sẻ ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị đối với những khó khăn trong cuộc sống như: Con của người khuyết tật có được hưởng chính sách gì không? Nếu không thì tại sao?; Cần có chính sách miễn giảm học phí cho con của người khuyết tật; Người khuyết tật không thuộc mức độ nặng, đặc biệt nặng, nhưng thực tế nhiều người cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tại sao họ không được hưởng trợ cấp xã hội và bảo hiểm y tế? Người khuyết tật muốn được vay vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi… thì phải làm thế nào? Nhà nước đã có quy định về cấp bằng lái xe ô tô cho người khuyết tật, nhưng thực tế nhiều người khuyết tật muốn được cấp bằng lái nhưng không được. Tại sao? Việc làm của người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, trong khi người khuyết tật có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu công việc. Tại sao nhà nước không có quy định về tỷ lệ nhất định bắt buộc các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước phải nhận người khuyết tật vào làm việc. Cần có chính sách về việc ưu tiên cho người khuyết tật được giới thiệu và bán sản phẩm của người khuyết tật? Người khiếm thị khi mở tài khoản tại ngân hàng bị ngân hàng từ chối và yêu cầu phải có người giám hộ. Như vậy có đúng không? Làm thế nào để người khiếm thị được sử dụng dịch vụ ngân hàng bình đẳng như những người khác….
Ông Nguyễn Trọng Đàm - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã giải đáp một số câu hỏi của các đại biểu
Thay mặt Ban tổ chức Chương trình, ông Nguyễn Trọng Đàm – Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã giải đáp một số câu hỏi, tiếp thu những kiến nghị của các đại biểu và hứa sẽ báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách, tìm giải pháp giúp tháo gỡ phần nào những vướng mắc của người khuyết tật trong cuộc sống.
Diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng với những nỗ lực trong công tác tổ chức, buổi Tọa đàm đã mang đến cho các đại biểu những giá trị hữu ích, tạo cho các cặp vợ chồng có cơ hội được giao lưu, chia sẻ, thấu hiểu nhau hơn, từ đó nuôi dưỡng tinh thần lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Để từ đó mỗi người thêm tự tin hơn, vững bước về phía trước, mở lòng đón nhận những thử thách mới trong ngập tràn yêu thương, đồng cảm và chia sẻ.
Dung Nhi