Triển khai thực hiện trong điều kiện ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 kéo dài, thiên tai bão lũ liên tục, lực lượng cán bộ Hội ít, chủ yếu là người cao tuổi, nhưng với sự nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, lại tranh thủ được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố, sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan liên quan, cuộc điều tra, khảo sát đánh giá mức độ tiếp cận công trình công cộng đối với NKT do Trung ương Hội chủ trì đã đảm bảo về tiến độ và đạt được những kết quả tích cực. Với 15.123 công trình tại 45 tỉnh, thành phố được điều tra, khảo sát đã phản ánh phần nào tình hình thực hiện chỉ tiêu của Đề án 1019, từ đó có cơ sở để tiếp tục triển khai đề án 1190 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỷ lệ các công trình có đường tiếp cận còn thấp
Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện Đề án 1019 về trợ giúp NKT và báo cáo kết quả điều tra, thống kê thực hiện chỉ tiêu bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT, ông Nguyễn Trọng Đàm - PCT Trung ương Hội cho biết: Dù đây là lần đầu tiên thực hiện nhưng Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã nhận được sự thống nhất cao của các cấp Hội trong cả nước, việc triển khai tổ chức thực hiện hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, tranh thủ được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố, sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan liên quan. Nhờ đó, cuộc điều tra, khảo sát đã đạt được những kết quả tích cực.
Đường tiếp cận tại công trình Bảo tàng Quảng Ninh
Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu phiếu điều tra đầy đủ theo phương án điều tra. Tổng số công trình được điều tra tại 03 cấp tỉnh, huyện, xã là 15.123 công trình, trong đó có 4.160 công trình có đường xe lăn (chiếm 27,5%). Trong 10.480 công trình được xây dựng trước năm 2012 chỉ có 2.034 công trình được cải tạo, xây bổ sung đường tiếp cận (chiếm 19,4%) và trong 4.643 công trình xây dựng sau năm 2012 có 2.126 công trình có đường tiếp cận, (chiếm 45,79%). Ở 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, điều tra tại 944 công trình chỉ có 498 công trình có đường xe lăn cho NKT (đạt 52,75%). Trong 650 công trình xây dựng trước năm 2012, chỉ có 255 công trình được cải tạo, xây bổ sung đường tiếp cận (đạt 39,2%), 294 công trình được xây dựng sau năm 2012, có 243 công trình có đường tiếp cận (đạt 82,6%).
Theo kết quả điều tra, ở cấp tỉnh, Trung tâm Hội nghị là loại công trình có đường xe lăn nhiều nhất, đạt 81,58%, tiếp đến là Nhà thi đấu thể thao, đạt 75,6%, trụ sở các cơ quan như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, HĐND, UBND tỉnh, trụ sở tiếp công dân, trụ sở các Sở ngành… là các công trình có tỷ lệ đường tiếp cận trên mức trung bình, bình quân chiếm 62,8%. Trong khi đó, trường học, các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng lịch sử là loại công trình chưa được chú trọng đến việc xây mới, bổ sung đường tiếp cận cho NKT, tỷ lệ có đường tiếp cận còn thấp, chỉ dao động trên dưới 50%.
Ở cấp huyện, điều tra 216 huyện với 3.202 công trình chỉ có 1.235 công trình có đường xe lăn cho NKT, đạt 38,56%. Trong 2.372 công trình xây dựng trước năm 2012, chỉ có 759 công trình được cải tạo, xây bổ sung đường tiếp cận, trong 830 công trình được xây dựng sau năm 2012, chỉ có 476 công trình có đường tiếp cận, đạt 57,34%. Trung tâm y tế huyện là công trình có tỷ lệ đường xe lăn cao nhất, đạt 72,2%, tiếp đến là trụ sở HĐND, UBND đạt 55,5%. Trụ sở của Phòng GD&ĐT, trường học và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là những công trình chưa được chú trọng đến việc xây mới, bổ sung đường tiếp cận cho NKT, tỷ lệ đạt chỉ hơn 20%.
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án 1019 và báo cáo kết quả cuộc điều tra, khảo sát đường tiếp cận cho NKT của Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam
Ở cấp xã, điều tra tại 1.620 xã (phường, thị trấn) với tổng số10.977 công trình chỉ có 2.427 công trình có đường xe lăn cho NKT, đạt 22,1%. Trong 7.458 công trình xây dựng trước năm 2012, chỉ có 1.020 công trình được cải tạo, xây bổ sung đường tiếp cận, đạt 13,68%; 3.519 công trình xây dựng sau năm 2012 chỉ có 1.407 công trình có đường tiếp cận, đạt 39,98%. Trạm y tế xã là công trình có tỷ lệ đường xe lăn cao nhất, đạt 43%, tiếp đến là trụ sở UBND xã, đạt 26,7%. Trong khi nhà văn hóa thôn là công trình chưa được chú trọng đến việc xây mới, bổ sung đường tiếp cận cho NKT.
Cũng theo báo cáo, khi phỏng vấn trực tiếp 1.834 người là lãnh đạo hoặc người trực tiếp quản lý công trình thuộc 1.834 loại công trình không có đường xe lăn cho NKT có 1.542 người có biết về Quyết định số 1019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp NKT của Thủ tướng Chính phủ, 292 người không biết. Kênh thông tin chủ yếu của những người được hỏi là thông qua văn bản chỉ đạo, Đề án, Kế hoạch thực hiện do UBND tỉnh, thành phố gửi xuống (1.190 người), tiếp đến là qua các phương tiện truyền thông, báo đài (771 người), 358 người biết thông qua kênh hội nghị, hội thảo. Đặc biệt, khi được hỏi về lý do khiến các công trình chưa có đường xe lăn cho NKT, câu trả lời phổ biến nhất là do trong thiết kế không có đường dốc cho xe lăn (1.157 người), do đơn vị cơ quan không có NKT đi xe lăn (296), do không có NKT đi xe lăn đến giao dịch (164), do không nhận được văn bản chỉ đạo (230 người), hoặc không thấy cấp trên, cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở (233). Một số người cho biết, trong thiết kế có đường dốc cho xe lăn nhưng không làm vì tăng kinh phí (29), do làm đường xe lăn sẽ làm xấu công trình (11) Không có mặt bằng để làm bổ sung (174) Không có kinh phí (215) Không thấy cần thiết phải có đường xe lăn (40).
Cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo và cộng đồng xã hội
Theo đánh giá của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, sau 10 năm thực hiện Luật NKT và 8 năm thực hiện Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 của Thủ tướng Chính phủ, việc làm đường dốc cho người đi xe lăn đã được quan tâm, sinh hoạt, đi lại của NKT đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên tỷ lệ đạt được còn khá thấp so với mục tiêu đề ra. Tỷ lệ công trình có đường xe lăn ở cấp tỉnh, thành phố cao hơn (52,75%), giảm dần ở cấp huyện (38,56%) và thấp nhất ở cấp xã (22,1%). Nhiều xã không có công trình công cộng nào có đường xe lăn, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Điều đó đồng nghĩa với tỷ lệ có đường tiếp cận ở đô thị cao hơn nông thôn và càng xuống cộng đồng NKT càng gặp khó khăn khi đi lại. Các công trình xây dựng sau năm 2012 có tỷ lệ đường tiếp cận cao hơn là một tín hiệu tốt, tuy nhiên nhiều công trình ở cấp huyện, cấp xã xây dựng sau 2012 vẫn không có đường tiếp cận. Còn nhiều lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và người quản lý trực tiếp công trình chưa biết về Quyết định số 1019/QĐ-TTg, ngày 5/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ, cấp trên chưa thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhở việc thực hiện xây bổ sung đường xe lăn cho các công trình xây dựng trước năm 2012 và đưa đường xe lăn vào thiết kế khi xây dựng mới các công trình công cộng...
Đại diện thành Hội Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị
Để khắc phục tình trạng này, đạt được những chỉ tiêu của chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030 (theo Quyết định số 1190/QĐ-TTg) theo Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam: Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp trong việc quan tâm thực hiện Luật pháp, chính sách đối với NKT, quán triệt đầy đủ và nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030 mà trước hết ưu tiên cho mục tiêu cải thiện giao thông, đi lại cho NKT vì đây là yếu tố quyết định để NKT có thể hòa nhập và phát triển.
Chính phủ và các địa phương cần quan tâm bố trí nguồn lực và có kế hoạch, tiến độ cụ thể cho việc cải tạo, sửa chữa xây dựng đường dốc cho xe lăn tại các công trình xây dựng chưa có đường dốc; Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong thiết kế, thẩm định, phê duyệt đầu tư xây dựng, nghiệm thu, quyết toán công trình. Kiên quyết không nghiệm thu công trình không có đường tiếp cận cho NKT. Ủy ban Quốc gia về NKT, các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các cấp, các ngành; có khen, chê, thưởng, phạt và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức một cách nghiêm túc, kịp thời. Các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành địa phương tích cực tuyền truyền Chương trình trợ giúp NKT của Chính phủ; Giám sát việc thực hiện các mục tiêu ở địa phương đặc biệt là chỉ tiêu đường xe lăn cho NKT tại các công trình công cộng; tích cực vận động nguồn lực góp phần xây dựng bổ sung đường tiếp cận cho các công trình cũ trên địa bàn.