Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho người khuyết tật (NKT) như hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng nhà ở cho NKT có hoàn cảnh khó khăn... Nhờ đó đã đem lại sức mạnh và niềm tin, giúp NKT có nghị lực vượt qua khó khăn, từng bước hòa nhập cộng đồng, vươn lên ổn định cuộc sống.

Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách và nguồn lực ưu tiên cho các hoạt động hỗ trợ, trợ giúp NKT. Đến nay, 100% đối tượng trong diện được hưởng chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) đều được hưởng theo đúng quy định; 100% NKT đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên địa bàn tỉnh đều được cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời; toàn tỉnh có 333 trường có học sinh khuyết tật, tự kỷ tham gia học hòa nhập.

Để góp phần nâng cao đời sống cho NKT, từ năm 2017, tỉnh tiếp tục nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ mức 300.000 đồng lên mức 350.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng bảo trợ xã hội (trong đó có NKT) sinh sống tại cộng đồng ở xã, phường, thị trấn (tăng 1,3 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định); và nâng từ mức 400.000 đồng lên mức 500.000 đồng/tháng, áp dụng đối với đối tượng NKT được chăm sóc và nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh (tăng 1,85 lần so với mức chuẩn Trung ương quy định). Hiện nay, tỉnh đang thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 11.000 NKT. Cùng với đó, tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ chi phí phẫu thuật chỉnh hình cho NKT hệ vận động, theo đó sẽ hỗ trợ 100% chi phí khám sàng lọc, phẫu thuật chỉnh hình và cấp dụng cụ chỉnh hình; hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại và hỗ trợ tiền phục hồi sau phẫu thuật cho họ…

Quảng Ninh cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ NKT có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học nghề, việc làm. Hàng năm, đều bố trí kinh phí hỗ trợ học nghề cho người lao động từ 10 - 15 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh còn phê duyệt danh mục 45 nghề, nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp và mức chi phí đào tạo, mức hỗ trợ cho từng nghề, trong đó có quy định riêng mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo nghề cho NKT. Nhờ đó, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 840 NKT, chiếm 24,89% tổng số NKT có khả năng lao động, trong đó được đào tạo nghề từ chương trình dành cho NKT là 427 người. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 3.000 NKT được đào tạo nghề; gần 1.000 chỗ làm được bố trí cho NKT; Trên 1.000 hộ NKT được vay vốn phát triển kinh tế… Đặc biệt đã ban hành quyết định thành lập Quỹ việc làm dành cho NKT. Đến nay, toàn tỉnh có 10 cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT, tạo việc làm cho  hơn 200 lao động là NKT với mức thu nhập hàng tháng từ 2,5 - 3,5 triệu đồng.

Xây dựng nhà ở cho NKT có hoàn cảnh khó khăn

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành và cả cộng đồng trong tỉnh đã huy động mọi nguồn lực, xã hội hóa xây dựng nhà ở cho NKT có hoàn cảnh khó khăn. Tháng 9/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 68 về triển khai thực hiện xã hội hóa nhà ở cho NKT và trẻ mồ côi (TMC) thuộc hộ nghèo, cận nghèo và thực sự không có điều kiện tái tạo nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Theo đó, những đối tượng này được hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà từ nguồn xã hội hóa. Trong đó, đối tượng NKT-TMC thuộc hộ nghèo và không có khả năng tái tạo nhà ở ngoài hỗ trợ 50 triệu đồng sẽ được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng/nhà từ nguồn Quỹ vì người nghèo. Qua đó, đã giúp họ thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày, vượt qua mặc cảm, vững tin trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Tết cổ truyền vừa qua, chị Nguyễn Hải Yến 43 tuổi, ở khu Công Nông, phường Mạo Khê (thị xã Đông Triều) được ở trong ngôi nhà kiên cố vừa hoàn thành vào cuối tháng 12/2020. Chị Yến là NKT nặng, sống bằng nghề gia sư ngoại ngữ cho các em học sinh có nhu cầu. Hai mẹ con chị sinh sống trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp, mái thấp, tường nứt không đảm bảo an toàn.

Trước hoàn cảnh khó khăn của chị Yến, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh đã vận động các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương quyên góp kinh phí để giúp chị xây mới một căn nhà kiên cố, đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Sau 2 tháng thi công, ngôi nhà kiên cố có diện tích 45m2 hoàn thành với tổng kinh phí 150 triệu đồng. Trong đó, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh vận động hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng sự hỗ trợ của người thân, bạn bè, chính quyền địa phương và nhà hảo tâm. Chị Yến cho biết: "Tôi rất xúc động khi được sự quan tâm, động viên hỗ trợ rất lớn của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nhà hảo tâm giúp xây dựng ngôi nhà kiên cố này. Ngôi nhà là mơ ước bấy lâu nay của mẹ con tôi và giờ đây đã trở thành hiện thực. Đặc biệt, năm nay mẹ con tôi được đón Tết cổ truyền trong ngôi nhà mới càng thêm ấm cúng và ý nghĩa hơn". Chia sẻ của chị Yến cũng là suy nghĩ chung của những NKT được hỗ trợ giúp đỡ xây mới, sửa chữa nhà ở.

Năm 2020, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng khó khăn chung do đại dịch Covid-19, song các cấp Hội và địa phương trong tỉnh đã vận động hơn 100 đơn vị và cá nhân ủng hộ bằng tiền, ngày công, hiện vật trị giá 12 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, Hội đã hỗ trợ, giúp đỡ cho 1.400 NKT, trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh về nhà ở, phương tiện, trang bị đồ dùng cá nhân phục vụ cuộc sống; đỡ đầu trẻ mồ côi...

Mới đây, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh tổ chức Chương trình phát động "Nối vòng tay nhân ái vì NKT&TMC Quảng Ninh" năm 2021. Tại chương trình phát động, đã có 130 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ tổng số tiền trên 5,1 tỷ đồng. Qua đó, có thêm nguồn lực để giúp NKT, trẻ mồ côi trong tỉnh khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Theo baodansinh.vn

Tin liên quan