Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy được thành lập tháng 8-1999 với tiền thân là Trường tình thương An Thủy. Trường có nhiệm vụ chính là dạy chữ, phục hồi chức năng, can thiệp sớm cho trẻ điếc trước tuổi đến trường, làm công tác tư vấn cho ngành Giáo dục của huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình về giáo dục, hòa nhập trẻ khuyết tật.
Gần 21 năm qua, từ ngôi trường này các thế hệ giáo viên nơi đây luôn nỗ lực hoàn thành sứ mệnh "đặc biệt" không chỉ bằng trách nhiệm người thầy, người cô mà còn bằng tình yêu thương con trẻ. Tại đây, các em không chỉ được các thầy, các cô quan tâm chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ mà còn được học tập, vui chơi như bao bạn bè cùng trang lứa.
Những năm đầu mới thành lập, cơ sở vật chất của trung tâm còn thiếu thốn với 1 dãy nhà cấp 4 và chỉ 3 phòng học, không có nhà nội trú cho học sinh. Các em học sinh được gia đình đưa đón hàng ngày gây khó khăn cho cả giáo viên trung tâm và gia đình các em. Đến nay, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự động viên, sẻ chia kịp thời của các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước, giờ đây, trung tâm đã có một diện mạo hoàn toàn khác, khang trang, sạch đẹp, quy cũ đáp ứng được nhu cầu dạy học, chăm sóc, vui chơi của học sinh “đặc biệt” trong trường. Trung tâm đã có khu nhà nội trú cho học sinh, nhà ăn, bếp nấu phục vụ cho học sinh rộng rãi, có phòng phục hồi chức năng, phòng vi tính nối mạng cho các em học tập...
Với chức năng, nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục học sinh khuyết tật, bước đầu trung tâm đã đáp ứng được lòng mong mỏi của những gia đình có con em bị khuyết tật trên địa bàn huyện. Tại đây, các em đã có quyền được vui chơi, học tập như bao trẻ bình thường khác. Ðể giúp các em vượt qua mặc cảm, phát triển một cách toàn diện, các thầy, cô luôn quan tâm, chăm sóc đầy đủ cả về vật chất và tinh thần cho các em. Ngoài học múa, học vẽ, học làm thiệp… và tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí, các em còn được tập đọc, tập viết và học làm toán. Các giáo viên tại trung tâm luôn đặt mình vào vị trí của phụ huynh hay của chính học sinh để có thể thấu hiểu và dễ dàng sẻ chia. Đặc biệt, với học sinh khiếm thính, các thầy, cô không ngừng tìm tòi những phương pháp dạy hiệu quả nhất. Không chỉ sử dụng ngôn ngữ của đôi bàn tay mà còn là ánh mắt, nét mặt biểu cảm để các em cảm nhận và nắm bắt nhanh bài học. Tại Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy, các em không chỉ được các thầy, cô giáo quan tâm, chăm sóc mà còn được học chữ, học văn hóa. Không chỉ là nơi các em nhỏ khuyết tật có điều kiện gặp gỡ, học tập và vui chơi, trung tâm còn là điểm tựa tinh thân vững chắc cho những gia đình có con em bị khuyết tật trên địa bàn huyện. Bởi trong số 70 gia đình có con em đang học ở đây, rất nhiều gia cảnh khó khăn, éo le, là hộ nghèo, cận nghèo của huyện.
Cùng với dạy văn hóa, trung tâm cũng đã phối hợp với Trường dạy nghề số 9, Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề Lệ Thủy mở lớp học nghề thêu ren, nghề may cho các em khuyết tật. Sau khi học xong, có nhiều em tham gia may ở cơ sở may tư nhân trong tỉnh với thu nhập bình quân 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng, tự nuôi sống bản thân, đỡ gánh nặng cho gia đình. Từ khi thành lập đến nay, đã có hàng trăm trẻ khuyết tật đã lớn lên từ mái trường này. Nhiều em trong số đó giờ đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, lập gia đình và sống hạnh phúc.
Trung tâm còn tập trung xây dựng, thực hiện hiệu quả các CLB, như: CLB "Phụ huynh học ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính", CLB "Tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho học sinh bị bệnh tự kỷ”… Bên cạnh nhiệm vụ dạy văn hóa, mỗi tuần, trung tâm còn tổ chức 2 tiết học phục hồi chức năng/lớp, qua đó, giúp các em hình thành các thói quen, kỹ năng trong sinh hoạt và vận động. Ngoài ra, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế, kỹ năng tự phục vụ, giao tiếp, hợp tác, giao lưu cho học sinh cũng được đơn vị quan tâm tổ chức. Đặc biệt, đến nay Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy còn tiến hành can thiệp sớm cho 21 trẻ khuyết tật, giúp 13/21 trẻ khiếm thính được can thiệp về việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu và 8/21 trẻ khiếm thính sử dụng máy hỗ trợ phát triển khả năng nghe nói.
21 năm hoạt động cũng là từng đó thời gianTrung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Lệ Thủy đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để từng bước khẳng định là điểm tựa tinh thần tin cậy cho gia đình có trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy cũng như trở thành mái trường chăm sóc, dạy dỗ những trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn trong khối các trường học, trung tâm giáo dục chuyên biệt của tỉnh Quảng Bình.