Tuần lễ Quốc tế người điếc (IWDP) là một sáng kiến của Liên đoàn người điếc Thế giới (WFD) - một tổ chức phi chính phủ quốc tế với 130 quốc gia là thành viên và được ra mắt lần đầu vào năm 1958. Tuần lễ được cộng đồng người điếc toàn cầu tổ chức hàng năm vào tuần cuối cùng của tháng 9 để kỷ niệm Đại hội IWDP đầu tiên. Các sự kiện, hội nghị, lễ kỷ niệm và sự kiện cộng đồng được tổ chức ở các quốc gia, khu vực và địa phương nhằm thúc đẩy sự hòa nhập hoàn toàn của người điếc vào xã hội, đồng thời tôn vinh sự hiện diện về văn hóa và ngôn ngữ của họ với tư cách là cộng đồng thiểu số trong quốc gia.
Chủ đề thể hiện mỗi năm của tuần lễ đều khác nhau, chủ đề của IWDP năm 2021 là “Tôn vinh sự phát triển mạnh mẽ của các cộng đồng người điếc” nhằm tôn vinh những nỗ lực đáng kinh ngạc của cộng đồng người điếc ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Trong suốt những năm qua, họ đã mở rộng và phát triển mạnh mẽ để đem lại tất cả sức mạnh cho cộng đồng người điếc nói riêng và thế giới nói chung. IWDP đóng vai trò quan trọng để công nhận người điếc và nguyên tắc “Không có gì về chúng tôi mà không có chúng tôi!”, đây cũng là ý nghĩa tồn tại đối với cộng đồng người điếc và các tổ chức của người điếc.
Các cộng đồng người điếc có những đặc điểm phong phú về cách thể hiện văn hóa một cách độc đáo bằng ngôn ngữ ký hiệu và sự công nhận cần bao gồm cả việc thúc đẩy bản sắc văn hóa này. Đây cũng là vấn đề đã được đề cập trong Công ước Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật (CRPD). Năm 2017, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 72/161 công nhận ngày 23 tháng 9 là Ngày Quốc tế về Ngôn ngữ ký hiệu (IDSL) và là một phần của Tuần lễ Quốc tế người điếc. Việc lựa chọn ngày này xuất phát từ sự thành lập của Liên đoàn người điếc Thế giới tại Rome, Ý vào ngày 23 tháng 9 năm 1951 – một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự thành lập một tổ chức vì quyền của người điếc ở cấp độ quốc tế sau hơn một thế kỷ phát triển của cộng đồng người điếc.
Mục đích của Ngày Quốc tế về Ngôn ngữ ký hiệu nhằm nâng cao nhận thức về sự tồn tại của ngôn ngữ ký hiệu và củng cố vị thế của chúng như mọi ngôn ngữ khác trên toàn cầu. Với hơn 200 ngôn ngữ ký hiệu khác nhau trên khắp thế giới, chúng là ngôn ngữ tự nhiên của hơn 70 triệu người điếc trên toàn thế giới và cần được nhận được sự công nhận xứng đáng.
Trong lịch sử, người điếc trên toàn cầu đã và đang tiếp tục đối mặt với sự phân biệt đối xử liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu tại quốc gia của họ. Sự phân biệt đối xử thể hiện ở việc họ không được tiếp cận với môi trường giáo dục chất lượng và hòa nhập bằng ngôn ngữ ký hiệu và ngôn ngữ quốc gia, thiếu khả năng tiếp cận thông tin và giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Đại dịch COVID-19 đã phản ánh rõ nét sự nghiêm trọng trong vấn đề sinh tồn của người điếc khi họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin liên quan đến đại dịch bằng ngôn ngữ kí hiệu quốc gia, khiến họ không nhận được những sự hỗ trợ đúng mức. Điều này xảy ra là do ngôn ngữ ký hiệu quốc gia chưa được công nhận chính thức là một ngôn ngữ.
Cho đến nay, chỉ có 61 trong số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc đã thực hiện việc công nhận ngôn ngữ ký hiệu quốc gia của họ thông qua một hành lang pháp lý. 66% đã không làm như vậy dù đó là nghĩa vụ pháp lý được nêu trong CRPD và đã được 182 quốc gia thành viên Liên hợp quốc phê chuẩn. Ông Joseph J. Murray - Chủ tịch WFD cho biết: “Việc công nhận hợp pháp các ngôn ngữ ký hiệu là một bước quan trọng và cần thiết đầu tiên hướng tới sự bình đẳng hoàn toàn của người điếc trong xã hội của mỗi nước”. “Việc thúc đẩy hơn nữa quyền này của Liên hợp quốc và các tổ chức liên quan sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ công nhận của chính phủ các quốc gia.” TS. Murray nói: “Mỗi con người đều cần một ngôn ngữ. Các cộng đồng người điếc đã đi đầu trong việc tạo nên vị thế ngôn ngữ ký hiệu quốc gia của họ bình đẳng với các ngôn ngữ quốc gia khác. Chúng ta chỉ có thể đạt được sự hòa nhập của người điếc và cộng đồng của họ vào xã hội bằng cách đưa ngôn ngữ ký hiệu quốc gia của họ vào bối cảnh ngôn ngữ của quốc gia.” TS. Murray kết luận: “Hãy sử dụng IDSL và IWDP năm nay để xây dựng lại vị thế ngôn ngữ ký hiệu quốc gia ở trong chính cộng đồng của chúng ta.”
Tuần lễ Quốc tế người điếc năm nay diễn ra từ ngày 20 - 26/09, mỗi ngày sẽ có một chủ đề khác nhau:
- Thứ 2, ngày 20 tháng 9 năm 2021: Trân trọng lịch sử người điếc
- Thứ 3, ngày 21 tháng 9 năm 2021: Sự lãnh đạo bền vững của người điếc
- Thứ 4, ngày 22 tháng 9 năm 2021: Tất cả người điếc đều được học ngôn ngữ ký hiệu
- Thứ 5, ngày 23 tháng 9 năm 2021: Ký hiệu vì quyền con người
- Thứ 6, ngày 24 tháng 9 năm 2021: Sự giao thoa của cộng đồng người điếc
- Thứ 7, ngày 25 tháng 9 năm 2021: Văn hóa và nghệ thuật của người điếc
-
Chủ nhật, ngày 26 tháng 9 năm 2021: Quyền con người trong cuộc khủng hoảng