Chiến tranh đã lùi xa nhưng di họa của cuộc chiến phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin vẫn là nỗi đau không nguôi của bao thế hệ trong thời bình. Nhưng từ nỗi đau ấy vẫn sáng ngời những tấm gương vươn lên vượt qua bất hạnh, sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã trải qua 60 năm (10/8/1961-10/8/2021) nhưng thảm họa da cam vẫn là nỗi đau không thể nguôi. Hàng triệu con dân Việt Nam và cả những thế hệ trong thời bình vẫn phải mang trong mình di họa của cuộc chiến phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, hàng triệu trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống cuộc đời khiếm khuyết, từng ngày từng giờ quằn quại, vật vã với những cơn đau vì những căn bệnh quái ác, chưa một ngày được hưởng hạnh phúc đúng nghĩa. Tuy nhiên, giữa những bất hạnh ấy, anh Nguyễn Đình Điệp đã vươn lên vượt qua nỗi đau, sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Anh Nguyễn Đình Điệp sinh năm 1993 quê tại Lương Tài, Bắc Ninh đến nay đã gần 30 năm với cuộc sống của người con nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bố anh Điệp là nạn nhân chất độc da cam, sinh anh ra gia đình vui mừng vì thấy anh không bị di truyền chất độc da cam từ bố, anh khỏe mạnh, các chức năng hoạt động bình thường. Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu, vào năm anh hơn 6 tuổi do bị ngã khiến cơ thể anh xuất hiện các dấu hiệu mặt biến dạng, teo chân dẫn đến không thể di chuyển, tự đi trên đôi chân của mình.


Anh Điệp và những tác phẩm ý nghĩa

Kể từ đó, anh Điệp phải chịu nhiều thiệt thòi bởi hệ quả của chất độc da cam/dioxin, thân hình anh nhỏ bé, khuôn mặt bị biến dạng và làm bạn với chiếc xe lăn. Anh lớn lên trong buồn tủi, mặc cảm và nhiều khó khăn, anh tâm sự: “Cuộc sống của mình chưa bao giờ là dễ dàng ngay cả việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày và lớn lên là học hành, giao lưu, công việc. Sức khỏe bị ảnh hưởng rất nhiều, hay bị ốm, trái gió trở trời là đau thấu nên hầu như phải nương tựa vào bố mẹ chăm sóc, hỗ trợ.

Nhưng may mắn thay đầu óc anh còn minh mẫn, nhận thức bình thường nên anh vẫn được đi học. Nhưng buồn thay, anh Điệp không những phải chịu nỗi đau thể xác mà còn thường xuyên chịu sự trêu chọc của bạn bè cùng trường, những ánh mắt tò mò gọi anh là "người ngoài hành tinh" vì khuôn mặt biến dạng khiến anh mặc cảm, tự ti và rất ngại tiếp xúc bên ngoài. Anh tâm sự: "Thời còn là học sinh, mình rất ghét đi học vì mỗi lần đi học cảm giác như đi xuống địa ngục tối tăm, bạn bè trêu chọc đem mình ra làm trò cười, gọi mình là :người ngoài hành tinh". Mình đã muốn bỏ học từ năm lớp 4 nhưng vì mẹ khuyên nhủ, ráng học để biết chữ như người ta, sau này đỡ khổ như mẹ nên em cố học lên cấp 2." Anh Điệp kiên trì, nhẫn nại theo học đến năm lớp 7 nhưng rồi do khó khăn đi lại, mẹ không còn khả năng đưa đón nữa nên anh chấm dứt học hành từ đó.

Thương con chịu nhiều thiệt thòi, không quản xa quê để đến nơi đất khách quê người, hai mẹ con anh Điệp quyết định vào TP Hồ Chí Minh chữa trị. Đến nay, anh Điệp đã trải qua 7 lần phẫu thuật chân và sắp tới sẽ phải phẫu thuật thay đinh. Cuộc sống xa quê, không người thân trong khi điều kiện tài chính hạn hẹp, hai mẹ con bấu víu vào nhau, thuê nhà, đi bán hàng rong vừa tiện bề điều trị vừa kiếm thêm thu nhập duy trì cuộc sống và lo chi phí điều trị cho con.


Anh Điệp hỗ trợ mẹ bán hàng

Trong thời gian điều trị, anh thường xuyên tham gia học nghề tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật các khóa học về vẽ tranh phật, hoa sen. Anh chia sẻ về những ngày đầu học vẽ tranh với anh thật vất vả, chân tay không được linh động, những nét vẽ nguệch ngoạc chẳng nên hình, tốn rất nhiều thời gian mới hoàn thành xong một chi tiết nhỏ. Kể từ đây anh bén duyên với nghệ thuật và lần đầu tiên trong đời anh biết đến những gam màu sống động trong cuộc đời vốn buồn tẻ của mình. Không những vậy, vẽ tranh phật và hoa sen khiến anh trở nên bình yên đến lạ, không còn những khổ đau thể xác, vướng bận, lo toan cuộc sống.


Quá trình hoàn thành một tác phẩm chưa bao giờ là dễ dàng

Và bằng sự kiên nhẫn, tỉ mỷ đặc biệt là quyết tâm cố gắng anh Điệp có thể tự mình tạo ra những bức tranh hoàn hảo ẩn chứa nhiệt huyết và nỗ lực của anh, anh cho biết: “Từ khi mới bắt đầu đến nay mình đã vẽ được khoảng 80 bức tranh phật và sen. Vẽ tranh không những bù đắp những khoảng thời gian rảnh rỗi mà còn giúp mình có thêm niềm vui cuộc sống, cảm thấy mình có giá trị hơn rất nhiều.” Không những vậy, nhiều bức tranh vượt lên số phận của anh được nhiều người biết đến và tìm mua, tạo thêm nguồn thu nhập cho anh và gia đình.


Ngoài vẽ tranh phật và hoa sen, các thầy cô trong Trung tâm ấn tượng với anh bởi tinh thần nhiệt huyết, nhiệt tình, không quản khó nên đã cho anh tham gia đào tạo các khóa hoạt động thể thao nghệ thuật không những giúp anh rèn luyện sức khỏe, phục hồi chức năng mà anh còn thường xuyên được tham gia vào các buổi trình diễn nghệ thuật, giao lưu, hòa nhập với mọi người. Anh tâm sự: “Trước đây thực sự bản thân mình không nghĩ có thể lên sân khấu biểu diễn với thân hình này nhưng nay lại khác mình đã có thể đi trình diễn cùng đoàn và tham gia vào các hoạt động của Trung tâm tổ chức. Thông qua các hoạt động này, mình có thêm tự tin và nghị lực sống tiếp, minh chứng cho mọi người thấy "tàn nhưng không phế", luôn mạnh dạn trong cuộc sống.

Mong rằng, nghị lực sống, vươn lên, không khuất phục trước số phận “tàn nhưng không phế” của anh Nguyễn Đình Điệp sẽ lan tỏa, là nguồn động lực để mọi người biết trân quý sự hy sinh, nỗi đau của thế hệ đi trước và cùng đồng hành, chia sẻ vì nạn nhân chất độc da cam/ dioxin.

Theo donghanhviet.vn

Tin liên quan