Bố tai nạn mất trí, mẹ đi xuất khẩu lao động ở bên kia bán cầu, 5 đứa trẻ dật dờ như những cái bóng, ai cho gì ăn nấy không khác gì những đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.

Căn nhà tranh xiêu vẹo, rách nát – nơi 5 đứa trẻ nhà anh Vi Văn Biển (SN 1982) sinh sống nằm vắt vẻo, chênh vênh bên sườn đồi. Gọi là nhà cho sang chứ thực ra chỉ là nơi chui ra chui vào của những phận người khốn khổ. Căn nhà lợp bằng lá đã  hở nhiều chỗ, những cánh cửa mục nát, chiếc phên nứa ngăn cách giữa nơi ở và bếp rách xém, hở trước hở sau.

Xót cảnh phận đời 5 đứa trẻ nheo nhóc còn bố mẹ mà... sống như trẻ mồ côi - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Anh Biển sau khi tai nạn vỡ sọ não thì lúc tỉnh lúc mê.

Tháng 6/2019, anh Biển trong lúc chạy xe máy trên đường làng đã không may đâm vào cột điện. Anh bị  chấn thương sọ não, vỡ hộp sọ phải đi viện cấp cứu.

Mặc dù anh Biển chưa hết thời gian điều trị bệnh, nhưng vì gia đình hết tiền nên đành xin xuất viện để đưa về nhà. Không còn thuốc men, bệnh tật, anh Biển đành xuôi theo ý trời, may thì sống, không thì chết cũng đành chịu. Nhưng may mắn anh đã giữ lại được mạng sống, nhưng giờ đây anh nửa tỉnh nửa mê, người đờ đẫn không nhận thức được gì.

Trước đó, chưa đầy 10 ngày, vợ anh là chị Lương Thị Trang (SN 1984), đã lên đường đi Ả Rập giúp việc theo diện xuất khẩu lao động. Mặc dù nhận được tin từ quê nhà, chồng gặp tai nạn nghiêm trọng, chị Trang vẫn không thể về vì không có tiền mua vé máy bay, càng không có tiền đền hợp đồng để trở về.

Xót cảnh phận đời 5 đứa trẻ nheo nhóc còn bố mẹ mà... sống như trẻ mồ côi - 2

Nhấn để phóng to ảnh

Bố tai nạn mất trí, mẹ đi xa, 5 đứa trẻ sống bơ vơ như những đứa trẻ mồ côi.

Cả anh Biển và chị Trang đều mồ côi bố mẹ, không còn nội, ngoại, những người họ hàng cũng đều nghèo, chỉ giúp được vài trăm nghìn đồng đến vài yến gạo đã là quý hóa. Ngay cả mảnh đất gia đình anh Biển đang sinh sống cũng chỉ là ở nhờ trên đất của một người anh em bên vợ, không được đứng tên để sử dụng.

Những ngày chấn thương vì tai nạn, anh Biển được một người anh trai sống ở nơi khác đưa đi bệnh viện cấp cứu, sau đó đưa hẳn về nhà ở xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân chăm sóc. Người anh này gia cảnh cũng nghèo khó, vì thế, cũng không còn khả năng chăm sóc các cháu.

Khi tôi đến, giữa cái nắng  trưa hè oi ả, những vệt nắng xuyên qua từng lỗ rách trên mái tranh khiến ngôi nhà thêm phần hiu hắt. Trong nhà lúc này chỉ còn lũ trẻ, đứa thì nghịch đất, đứa đang lúi húi nhóm lửa để thổi cơm.

Xót cảnh phận đời 5 đứa trẻ nheo nhóc còn bố mẹ mà... sống như trẻ mồ côi - 3

Nhấn để phóng to ảnh

Những đứa trẻ không biết sẽ phải nương tựa vào ai để sống qua ngày khi mà ông bà nội ngoại đều không có.

Con trai đầu năm nay 14 tuổi, học lớp 9. Đứa con gái thứ hai 12 tuổi đang học lớp 7; đứa thứ ba 11 tuổi đang học lớp 6; đứa thứ tư 9 tuổi đang học lớp 4 và cuối cùng là cô em út 5 tuổi.

Thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ, đứa trẻ nào cũng áo quần nhem nhuốc, sờn rách đến tội nghiệp.

Những ngày không có bố mẹ ở bên, cũng may hàng xóm thương tình người cho bó rau, người cho bát gạo, nhờ đó 5 anh em cũng có bữa cháo, bữa rau. Tuy nhiên, cũng có những bữa chúng nhịn ăn, rủ nhau đi chơi cho quên cơn đói cũng không ai biết.

Từ ngày mẹ đi xa, bố ốm, 5 đứa con nhỏ của gia đình anh Biển như những đứa trẻ mồ côi, nương tựa nhau sống qua ngày.

Trong ngôi nhà tuềnh toàng, xác xơ ấy có lẽ chẳng có gì đáng giá ngoài đàn chó con mới đẻ. Trong lúc anh Biển thập tử nhất sinh, người nhà cũng đã định bán con chó mẹ để lấy tiền thăm nuôi anh Biển ở bệnh viện. Tuy nhiên, vì đúng lúc con chó đẻ nên lại thôi. Giờ đây, đàn chó không chỉ là tài sản đáng giá nhất, mà còn là người bạn, là người thân của lũ trẻ.

Xót cảnh phận đời 5 đứa trẻ nheo nhóc còn bố mẹ mà... sống như trẻ mồ côi - 4

Nhấn để phóng to ảnh

12 tuổi, bé Vũ đã phải chăm sóc các em khi không có bố mẹ bên cạnh.

Là cô chị lớn thứ hai trong nhà, em Vi Thị Tâm Vũ (12 tuổi) dường như đã hiểu chuyện, ánh mắt lúc nào cũng đượm buồn. Bố mẹ vắng nhà, em trở thành người trông nom và gánh vác việc nhà, nấu ăn, giặt giũ.

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, em vẫn học rất tốt, năm học nào em cũng được giấy khen học sinh khá. 

 “Cháu ước mơ lớn lên làm cô giáo, nhưng không biết cháu có được đi học cao hơn nữa không, vì nhà cháu nghèo lắm, bố mẹ chắc không nuôi nổi. Bây giờ bố còn đang bị ốm không có tiền mua thuốc. Chúng cháu chỉ mong sao bố mau khỏi bệnh, để mẹ yên tâm ở bên kia làm việc.” - Vũ rơm rớm nước mắt nói. Nghe Vũ nói về mong ước giản đơn của em, tôi cũng thấy sống mũi mình cay cay.

Vũ kể, hàng đêm, vì nhớ mẹ, thương bố các em thường ôm nhau khóc sụt sùi. Nhất là những đứa em nhỏ hơn, ban ngày thì chúng có thể cười đùa hồn nhiên là vậy, nhưng đêm đến chúng lại buồn và nhớ vì vắng hơi ấm của bố mẹ.

Một người hàng xóm của gia đình anh Biển cho hay, vợ chồng anh Biển dù sống ở đây đã gần 20 năm nhưng không có mảnh đất cắm dùi đúng nghĩa.

Khi còn khỏe mạnh, 2 vợ chồng có cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn nhưng cũng chưa đến nỗi bi đát như bây giờ. Cả nhà chỉ có hơn 1 sào ruộng, phụ thuộc lớn vào thời tiết nên năm được, năm mất mùa, chưa khi nào đủ cho 7 miệng ăn.

Để có cái vào bụng cho các con, vợ chồng anh đi làm thuê, làm mướn, ai bảo gì làm nấy để chạy ăn từng bữa. Quá bế tắc trước cảnh nghèo, chị Trang muốn đi tìm lối thoát như lựa chọn của nhiều phụ nữ vùng quê khác là đi xuất khẩu lao động ở ẢRập.

Chị mong ước, ở vùng đất xa xôi bên kia bán cầu sẽ đưa gia đình chị thoát đói nghèo. Chị không ngờ được, khi chỉ mới rời nhà chưa đầy 1 tháng thì tai ương đã ập đến với gia đình.

Bà Lê Thị Cừ, (thôn Chiềng, xã Xuân Lộc) chia sẻ, một lần đi qua làng, để ý thấy ngôi nhà nhỏ lụp xụp nhất bản, vào hỏi thăm thì mới phát hiện hoàn cảnh éo le của gia đình. Từ đó bà kêu gọi bạn bè ủng hộ, người có tiền cho tiền, người có đồ ăn cho đồ ăn, nhưng cũng chỉ được một phần rất nhỏ.

“Các cháu thì đều còn nhỏ, bơ vơ không biết dựa vào ai. Sống nhờ vào xóm làng thì cũng chỉ được tạm thời, về lâu dài không biết bọn trẻ sẽ thế nào. Ngôi nhà này nắng còn đỡ, chứ mưa là dột ướt, lo nhất là trời giông gió, chỉ sợ nó sập rồi các cháu làm sao chống đỡ” - bà Cừ nén tiếng thở dài.

Ông Cầm Bá Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho biết, hoàn cảnh gia đình anh Vi Văn Biển đúng là rất khó khăn.

“Anh Biển là người xã Yên Nhân, nhưng lấy vợ xã Xuân Lộc nên được nhà họ hàng của vợ cho mượn mảnh đất làm nhà để sinh sống. Hai vợ chồng đều không còn nội ngoại, anh em thì nghèo chẳng giúp được gì nhiều. Khi biết tin anh Biển bị tai nạn, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên”, ông Hiệp cho hay.

Rời nhà anh Biển, hình ảnh những đứa trẻ nheo nhóc tựa cửa ngóng trông bố mẹ trở về, ánh mắt trong veo, ngơ ngác và chứa chan niềm hi vọng của chúng không khỏi khiến lòng tôi quặn thắt, rồi đây cuộc sống những ngày phía trước của chúng sẽ ra sao...

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về

Cháu Vi Thị Tâm Vũ, thôn Vành, xã Xuân Lộc, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa

Tin liên quan