Mặc cảm vì là người khuyết tật, bà Nga chẳng muốn yêu ai. Nhưng khi bạn trai quỳ xuống, hôn hai chân mình, bà không ngăn được cảm xúc.
Tháng 4 tới, thành phố Cần Thơ sẽ liên tục có những chương trình hội thao của người khuyết tật nhân dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam (30/4). Là chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố, công việc của bà Bùi Thị Hồng Nga (61 tuổi) cũng trở nên bận hơn.
Cả ngày phải ngồi trên chiếc xe lăn, di chuyển từ chỗ này đến chỗ kia khiến đôi chân bà mỏi nhừ, người ê ẩm. Lúc đó, ông Phan Đức Long, hơn vợ 5 tuổi, quê An Giang chỉ biết âm thầm làm “người vận chuyển” cho vợ.
Chiều về, ông vo gạo nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, mang quần áo vào.
Ngồi trên chiếc xe lăn, bà phụ chồng vặt rau, kể những chuyện mình đã làm và chứng kiến trong ngày. Ông cũng góp vào những câu chuyện của mình rồi hỏi vợ, món này nấu thế nào, vị ra sao..., làm căn nhà chỉ có hai vợ chồng già thêm rộn rã.
Từ ngày làm vợ ông, bà thấy từng phút giây trôi qua thật ý nghĩa.
Bà Nga bị tật hai chân khi mới tròn một tuổi, do biến chứng của cơn sốt bại liệt. Trải qua những khó khăn, mặc cảm, tự ti bà đã đạt được ước mơ làm cô giáo.
Năm 1987, bà quyết định đi mổ nắn lại xương với hy vọng sẽ có đôi chân lành lặn. Ca phẫu thuật thất bại, bà phải ngồi xe lăn suốt đời và phải nhận quyết định nghỉ hưu ở tuổi 29.
Điều này làm bà chán nản. Bà chỉ biết chia sẻ những tâm sự lên chương trình “Tìm bạn bốn phương” với mong muốn được kết bạn với những người cùng hoàn cảnh.
Thư đi, thư gửi về, bà Nga như được an ủi nên dần thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Lúc đó, ông Long đang bị bệnh nan y nên hay mở radio nghe tâm sự của bạn trẻ bốn phương.
Lúc nghe cô MC đọc tâm sự của Nga, ông thấy tò mò nên viết thư xin làm quen. Ban đầu, nghĩ ông cũng khuyết tật như mình, bà Nga viết thư đáp lại. Khi biết ông là người bình thường, bà không hồi âm.
“Tôi chỉ muốn kết bạn với người khuyết tật. Họ giống tôi nên dễ nói chuyện. Ông ấy bình thường thì xin lỗi, tôi không đón tiếp”, bà nhìn ông nhớ lại.
Không nản lòng, ông trải những tâm sự qua thư. “Anh có chân tay đầy đủ, nhưng có trái tim của người khuyết tật. Có khi, anh là người đau khổ hơn em”.
Đọc thư, bà suy nghĩ rất lâu rồi mới trả lời: “Nếu thư qua lại giúp anh vui hơn thì tôi đành chấp nhận”. Từ đó, họ thường xuyên viết thư cho nhau.
“Lúc đó, chẳng biết chuyện ở đâu mà nhiều lắm. Lần nào, hai đứa cũng viết đến 30 trang. Kể hết trong thư rồi nên giờ chúng tôi không biết nói gì cả”, bà nhìn chồng lém lỉnh.
Bà luôn thấy có lỗi vì không thể sinh cho chồng một đứa con. Ông thì ngược lại, chỉ cần nhìn vợ vui là hạnh phúc.
Thư qua lại hơn một năm, ông tỏ tình thì một lần nữa, bà cắt liên lạc. “Tôi chỉ muốn làm bạn thôi, yêu thì không được. Biết đâu, người ta yêu mình vì thương hại”, cô gái Nga khi đó dứt khoát, dù trái tim đã thổn thức từ lâu.
Ở cách xa hơn 100km, ông Long ngày đêm ngóng trông thư trả lời của cô bạn quen qua radio mà chẳng thấy nên đứng ngồi không yên. “Khi đó tôi đang bị bệnh, nằm một chỗ nên không qua Cần Thơ gặp cô ấy được”, ông nhớ lại.
Không đành lòng nhìn con gái phải sống giả dối với cảm xúc, mẹ bà Nga đến An Giang tìm gặp Long. Trong nhà có truyền thống làm nghề y, cụ đưa ông về chữa trị.
Khỏi bệnh, ông quyết định ở lại phụ giúp làm nghề y cho mẹ bạn gái, đồng thời tìm cơ hội ngỏ lời một lần nữa. Lần này, ông quỳ xuống, ôm đôi chân không lành lặn của bà hôn và nói: “Hãy để anh làm đôi chân cho em”. Bà khóc vì hạnh phúc.
Hơn 30 năm qua, ông luôn là “người vận chuyển” cho vợ trên mỗi chặng đường.
Lễ cưới diễn ra, bà mặc chiếc áo cô dâu, ngồi trên chiếc xe lăn cho chú rể đẩy lên sân khấu. Cả hai cắt bánh cưới trong tiếng vỗ tay chúc mừng của khách mời và nụ cười hạnh phúc của cha mẹ hai bên.
Từ ngày làm vợ ông, bà bỏ qua những mặc cảm, tự ti vì khiếm khuyết của đôi chân, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu với nhiều bạn bè.
Để thỏa ước mơ về nghề giáo, bà mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà. Ông Long đang làm quản lý các câu lạc bộ từ thiện, nhưng vẫn phụ vợ dọn bàn ghế, quét dọn lớp học khi học trò ra về.
Sáng mỗi ngày, ông dậy sớm nấu đồ ăn cho hai vợ chồng, ủi đồ, chở bà đến chỗ làm rồi mới đến cơ quan mình. Chiều về, ăn cơm xong, ông rửa chén, pha ấm nước mang ra sân cho hai vợ chồng nhâm nhi rồi ngồi xuống nắn bóp chân cho vợ.
Thương chồng tất bật với những việc không tên trong nhà, bà muốn phụ một tay cho nhanh, nhưng đôi chân phản ứng lại không cho phép. “Ông ấy là người chồng tốt, hi sinh rất nhiều cho vợ, vậy mà, tôi chẳng thể sinh cho ông ấy một đứa con”, giọng bà chùng xuống.
Nghe vợ nói buồn, ông động viên: “Anh sắp tận thế rồi. Cõng em, cõng thêm đứa con nữa sao chịu được”. Cứ như thế, hơn 30 năm sống chung, mỗi khi nghe vợ nhắc đến việc sinh con, ông lái đi hướng khác hoặc tìm những câu thật vui chọc cho vợ cười.
“Trong nhà có tiếng cười trẻ thơ lúc nào cũng vui, nhưng sức khỏe của bà ấy quan trọng hơn ”, ông nói.