Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Tuy nhiên, trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Hiền Minh


Ngày 21/8, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo xây dựng chính sách quy định về vị trí việc làm và chức danh nghề nghiệp cho cử nhân khúc xạ nhãn khoa.

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế đều nhận định, những nguyên nhân chính gây mù lòa và suy giảm thị lực ở Việt Nam là do đục thủy tinh thể, bệnh glocom và các bệnh bán phần sau khác, tật khúc xạ không được chỉnh kính.



Đáng chú ý, mô hình bệnh mắt ở nước ta có nhiều thay đổi, những bệnh lý mù lòa do các bệnh như giác mạc hoặc đau mắt hột đã giảm, những bệnh lý mới như tật khúc xạ, bệnh lý về võng mạc lại có xu hướng gia tăng.

Theo báo cáo của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, tỷ lệ tật khúc xạ ở Việt Nam hiện nay ước tính ở mức từ 15%-40%, tương ứng khoảng từ 14-39 triệu người mắc. Đối với trẻ em từ 6-15 tuổi, tỷ lệ tật khúc xạ là 25-40% ở thành thị và 10-15% ở nông thôn.

Tật khúc xạ được nhận định như một vấn đề mới nổi trong chăm sóc mắt và được xem là một ưu tiên trong Chiến lược quốc gia Phòng, chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt trên 70% vào năm 2020 và trên 95% vào năm 2030.



BSCK II Phạm Minh Trường, Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế cho biết, tật khúc xạ gây nhiều khó khăn cho người bệnh trong cuộc sống, đồng thời là nguyên nhân chính gây suy giảm thị lực vừa và nặng, là nguy cơ dẫn đến các bệnh lý mắt nguy hiểm như bong võng mạc, đục thủy tinh thể.

Với tật khúc xạ mắt, việc cung cấp kính cho người bị tật khúc xạ là một trong những can thiệp hiệu quả, rẻ tiền và hợp lý nhất, góp phần làm giảm tỷ lệ các bệnh mù lòa có thể phòng được. Trên 80% tỷ lệ người mù ở Việt Nam có thể phòng, chữa được bằng can thiệp này.



Tuy nhiên, tại Việt Nam, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ đo khúc xạ, chỉnh kính còn nhiều bất cập cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Có tới 71% người dân có tật khúc xạ không được chỉnh kính, 30% đeo sai kính, 25% mù lòa do bị tật này. Việc điều chỉnh kính cho tật khúc xạ hiện nay chủ yếu được thực hiện bởi nhân viên cửa hàng kính mà phần lớn không được đào tạo bài bản, dẫn đến việc đeo sai kính.



Theo kết quả điều tra đánh giá về chất lượng dịch vụ khúc xạ tại Việt Nam do Viện thị giác Brien Holden phối hợp với tổ chức FHF, bệnh viện Mắt Trung ương vừa được công bố đầu năm 2019, 65% đơn kính thực hiện tại các hiệu kính chưa chính xác do người đo kính không được đào tạo bài bản.

Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế cũng cho biết, khúc xạ nhãn khoa là một ngành chăm sóc sức khỏe được thực hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ chăm sóc ban đầu đến chăm sóc cấp 2, cấp 3. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, vai trò của cử nhân khúc xạ nhãn khoa là hết sức cần thiết trong hệ thống chăm sóc sức khỏe mắt. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng cử nhân khúc xạ nhãn khoa ở nước ta còn rất hạn chế.

Hiện, nước ta mới có khoảng 200 sinh viên khúc xạ nhãn khoa đang theo học tại trường ĐH Y Hà Nội và hơn 100 sinh viên tại trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong đó có 61 cử nhân khúc xạ nhãn khoa đầu tiên của 2 trường vừa tốt nghiệp, song đến nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý quy định về vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp dành cho nhóm đối tượng này.

Tin liên quan