Nguyễn Quốc Lộc và Nguyễn Quốc Bảo là anh em sinh đôi, mồ côi cha từ nhỏ. Chỗ dựa cho các bạn những năm đến trường là mái nhà của cậu ruột.

Câu chuyện anh em sinh đôi hiền lành, học giỏi và hi sinh cho nhau đã làm mủi lòng bà con chòm xóm ở khối phố Ngân Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Hai giấy báo, lựa chọn chỉ có một

Nơi Bảo và Lộc đang ở là gian nhà cấp 4 nằm sâu giữa cánh đồng ở phường Điện Ngọc. Mấy hôm nay Bảo vẫn hằng ngày đạp xe đi dỡ rạp đám cưới, phụ nấu ăn cho các nhà hàng, làm quần quật từ sáng tới tối mịt mới về nhà, dành dụm từng đồng tiền công ít ỏi góp cho người em sinh đôi của mình vào đại học.

"Mình đi làm thêm từ nhỏ tới giờ rồi nên cũng quen nặng nhọc, có lẽ sang năm hay một dịp nào đó thích hợp sẽ dành dụm để thi đại học lại" - Bảo buồn buồn. Ngồi bên cạnh, Nguyễn Quốc Lộc đưa tay lau quệt hàng nước mắt.

Nhà có 8 người gồm bà ngoại, gia đình người cậu ruột với ba đứa con và hai anh em Bảo. Anh em Bảo ngụ và học trên căn gác nhỏ được kê tạm bằng mấy tấm ván gỗ. Nơi đó hai anh em bền bỉ học và cùng đậu đại học. Bảo thi được 23 điểm, cậu ướm chọn theo học trường du lịch để theo đuổi nghề làm bếp. Lộc đăng ký vào ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược Huế với điểm thi ba môn 28,5.

Là anh, Bảo dậy từ tờ mờ sáng đạp xe đi tìm việc, phụ dựng rạp đám cưới cho người quen, tối thì đứng chạy bàn ở quán nhậu. Hôm thì được 100.000, hôm 200.000 đồng, có bao nhiêu Bảo đều chạy về đưa cho em rồi cả hai tíu tít bàn chuyện đi học.

Bà Trần Thị Tuất (75 tuổi) - bà ngoại của Lộc, Bảo - nhìn hai cháu nửa vui nửa buồn: "Thấy thằng Bảo cứ lăng xăng dọn sách vở, quần áo cho em vào đại học mà tui rớt nước mắt. Mừng vì có thằng cháu vào trường y, tương lai làm bác sĩ thỏa mong ước của cả gia đình nhưng cũng thương thằng anh nó đứt ruột, đậu đại học mà phải nghỉ để nhường suất học đó cho em".

Quyết định cho một trong hai anh em nghỉ học là một việc rất khổ tâm của cả nhà, khi vợ chồng người cậu làm công nhân trong khu công nghiệp, khoản thu nhập ít ỏi lâu nay chỉ đủ mua gạo nuôi gia đình. 

"Cậu mợ của hai cháu, tôi và mấy người nữa cùng ngồi lại rồi hỏi nguyện vọng của hai đứa. Cho ai đi học cũng là việc rất khó nhưng không ngờ Bảo nó xung phong nói sẽ không đi học để đi làm thêm dành dụm nuôi em đi học bác sĩ. Khi nào có điều kiện nó sẽ đi học nghề. Chúng tôi nghe cháu nói mà tan nát ruột gan, không ai nói được gì lúc đó" - bà Tuất kể.

Những năm tháng "sống gửi"

Lộc và Bảo có một hành trình đặc biệt để đến trường và thi đậu vào đại học. Cha mất khi hai anh em chưa đầy 3 tuổi, gian nhà trống trơn chỉ mình người mẹ trẻ gồng gánh. Làm công nhân, tăng ca cả ngày lẫn đêm nhưng khoản thu nhập ít ỏi không thể đủ mua sữa cho hai con. 

Ba tuổi, Bảo được đưa ra Hải Phòng - quê nội để sống cùng ông bà nội. Nhưng ông bà nội cũng không có nhà, đó là quãng thời gian cậu bé mồ côi sống lay lắt cùng ông bà, không biết bao nhiêu lần dời phòng trọ để tìm chỗ che nắng mưa qua ngày. 

Trong khi đó, Lộc được mẹ gửi về cho bà ngoại nuôi, để có thời gian vào khu công nghiệp làm thợ may, tăng ca kiếm tiền nuôi con.

Ba mẹ con Lộc, Bảo đã từng có một căn nhà nhỏ ở khối Ngân Câu (Điện Bàn, Quảng Nam) nhưng vì quá khó khăn nên cũng đành phải bán. Khi hai anh em lên lớp 7 thì mẹ đi bước nữa. 

Ở Hải Phòng, cả ông bà nội - chỗ dựa của Bảo - cũng vì lao lực mà qua đời. Bảo lại được đưa ngược về lại Quảng Nam. Chỗ dựa còn lại cho Bảo cùng Lộc là mái nhà của cậu ruột ở khối Ngân Hà, phường Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam).

Bà ngoại của Lộc, Bảo ngồi trước căn nhà, nhìn hai đứa cháu khôi ngô, cao ráo, học giỏi mà đầy thân phận. Bà nói rằng tiếc mình tuổi đã quá cao, thấy cháu đứng trước thời điểm quan trọng của cuộc đời mà không thể làm gì hơn.

"Còn trẻ, còn sức thì tui cũng đi giúp việc, bế em cho người ta mà nuôi cháu đến trường. Nhưng nay lưng còng, tóc bạc rồi nên nhìn cháu mà đành bất lực. Mấy chục năm nay tụi nó lớn trong nhà cậu, có rau ăn rau, cháo ăn cháo, đâu nghĩ tới ngày nó vào đại học cùng lúc đâu. Nay đi học mà chẳng có khoản nào lớn. Đường dài sau này chẳng dám nghĩ tới sẽ ra sao" - bà Tuất nghẹn ngào.

"Mạnh mẽ lên, sau lưng em còn có anh"

Mấy hôm nay Lộc và Bảo cứ tối đến lại rủ rỉ với nhau về những ngày sắp tới, Lộc sẽ đi học ngành y, còn Bảo sẽ ở lại, tiếp tục bán hàng và kiếm việc làm thêm.

"Mình thấy chỉ có cách đó thì mới nuôi Lộc học được 6 năm trường y. Mình đi làm thêm, dành dụm gửi cho Lộc, vừa dành dụm cho mình để khi dư dôi ra thì đăng ký đi học khóa đầu bếp. Có công việc ổn định sẽ có thêm thu nhập, vừa rút ngắn đường vào tương lai cho mình, vừa phụ được gia đình.

Từ nhỏ tới lớn mình đã đi làm thêm rồi nên cũng quen, dù không được học đại học nhưng nghề đầu bếp cũng là mơ ước, sẽ giúp mình được làm việc ở những nơi chuyên nghiệp" - Bảo nói.

Theo tuoitre.vn

Tin liên quan