Nhận được đề xuất dự án của Hội Người khuyết tật quận Thanh Xuân, tôi mở ra đọc để hỗ trợ về mặt kỹ thuật thì hơi sững người với tên dự án “Phòng chống kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật qua các sáng kiến nghệ thuật”, bởi tôi chỉ nghĩ đơn giản: thời đại 4.0 rồi nên ở Thủ đô chắc không còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Có lẽ tôi đã hơi chủ quan vì chưa gặp phải trường hợp bị kỳ thị nên tôi thấy mình cần phải tìm hiểu thông tin từ các bạn khuyết tật khác.

Tôi đã liên hệ với chị N.M.C, điều phối dự án, để sắp xếp một buổi gặp mặt các thành viên sẽ tham gia dự án. Ấn tượng đầu tiên của tôi với các bạn là họ hơi rụt rè và khép mình, hơi ngại ngần giao tiếp với người lạ. Khi thấy tôi cũng là người khuyết tật và nghe tôi chia sẻ về việc bị trêu chọc những năm tôi đi học cấp 1 và cách tôi vượt qua sự việc đó, các bạn đã cởi mở hơn và chia sẻ với tôi một số trường hợp của các bạn bị phân biệt như thế nào. Các bạn rất mong được thực hiện dự án này để nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật.

Ngày 14/6/2020 theo chương trình hoạt động của dự án đã được Abilis tài trợ với ngân sách 9.710 EUR, chúng tôi tới tham gia cùng thành viên Hội Người khuyết tật Quận Thanh Xuân. Nhìn những gương mặt rạng rỡ, những nụ cười giòn giã của các bạn, ít ai nghĩ rằng các bạn đã từng có lúc tự ti, sống khép mình.  Giữa lúc thời tiết Hà Nội nắng nóng trên 38oC, lại bị mất điện nên không có điều hòa, không có quạt,  song không vì thế mà các bạn bỏ cuộc dù ai cũng mướt  mát mồ hôi nhưng nụ cười thì luôn nở trên môi.

Các bạn “Nhóm kịch” hào hứng vừa lên kịch bản, vừa phân vai,  nhập vai diễn. Cả nhóm đều hăng hái tham gia góp ý cho kịch bản của mình  thêm hoàn chỉnh.Ở phía trong, "Nhóm múa" đã thay trang phục biểu diễn và chuẩn bị diễn.

Oh, có điện rồi, cả khán phòng rộn vang tiếng cười vui mừng. Ban tổ chức nhanh chóng sắp xếp sân khấu để vào tiết mục biểu diễn. Tiết mục đơn ca, biểu diễn thời trang của các bạn khuyết tật vận động, tiết mục biểu diễn ảo thuật của bé trai ở Nhóm khiếm thính và rồi tiết mục mong đợi nhất của buổi diễn đã đến.

Năm cô gái xúng xính trong trang phục múa vào vị trí. Nhân vật chính là Châu, một cô gái mắc hội chứng “loạn sản sụn”. Nhìn những cô gái nhịp nhàng múa lượn theo nhịp lời ca, tà áo tung bay với gương mặt cười rạng rỡ, tôi không nhận ra những người rụt rè, hơi khép mình mà tôi từng gặp. Thật kỳ diệu, khi họ hòa mình vào với giai điệu, tiếng nhạc, lời ca, họ như biến thành một người khác vậy. Họ thật tự tin, hạnh phúc khi được tham gia biểu diễn. Tôi chợt cảm thấy hạnh phúc khi dự án này được tài trợ thực hiện.

Kết quả của dự án còn ở phía trước vì đây mới là thời gian các bạn tập luyện, khi các bạn biểu diễn có tạo được tiếng vang và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật hay không còn cần thời gian minh chứng. Nhưng lúc này đây, tôi đã thấy các bạn thật tuyệt vời. Chính biểu diễn nghệ thuật đã mang lại sự tự tin, hòa nhập cho các bạn. Tôi chợt nghĩ “sự hòa nhập đâu phải đâu xa, chính những nốt nhạc, lời ca, điệu múa đã giúp các bạn hòa nhập rất tốt”.

Tôi hi vọng các bạn sau thời gian luyện tập sẽ còn tự tin hơn nữa và có thể giúp các bạn khác tham gia để hòa nhập với cuộc sống. Tôi cũng tin tưởng dự án sẽ thực hiện thành công tốt đẹp và đạt được mục tiêu đề ra “nâng cao nhận thức của cộng đồng, không còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với phụ nữ khuyết tật”

Nguyễn Thị Hằng – Văn phòng Quỹ Abilis Việt Nam

Tin liên quan