Hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cuả người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi (TMC), trong thời gian qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường vận động, kết nối, tiếp nhận ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm để triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án đạt hiệu quả hỗ trợ các cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Qua đó góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có hơn 30.000 NKT và TMC. Trong đó có 22.045 người khuyết tật. Số NKT đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng là 11.486 người, chiếm 45,36% đối tượng bảo trợ xã hội. Đa số NKT, TMC sống trong điều kiện khó khăn về kinh tế, đi lại khó khăn, bị hạn chế về việc làm, thu nhập. Bên cạnh đó, nhu cầu trợ giúp, số lượng NKT, TMC có xu hướng ngày càng tăng, do vậy yêu cầu đặt ra với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh Tuyên Quang là phải hoạt động bảo trợ NKT, TMC dựa trên phương thức tiếp cận dựa trên quyền của NKT, TMC. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm rất lớn từ những người làm công tác Hội. Chính  vì vậy, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, hoạt động của tỉnh Hội Tuyên Quang đã có nhiều cố gắng, có sự quyết tâm, nỗ lực sáng tạo, năng động trong công tác vận động tài trợ cũng như hoạt động trợ giúp cho NKT, TMC và người yếu thế khác mang tính bền vững, có ý nghĩa thực tiễn cao và đã  đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong 5 năm từ 2015 – 2020, tỉnh Hội đã huy động được tổng số quỹ gần 8 tỷ đồng. Trong đó tỉnh Hội trực tiếp vận động các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tổ chức Quốc tế gần 5,6 tỷ đồng, gần 2,4 tỷ đồng được thực hiện qua các hoạt động phối hợp. Từ nguồn quỹ này, tỉnh Hội Tuyên Quang đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền qua nhiều kênh để người dân hiểu và tự nguyện tham gia các hoạt động ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ, về chăm sóc sức khỏe, trợ giúp sinh hoạt, sinh kế, tặng quà cho NKT, TMC gắn với tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Qua đó tỉnh Hội đã tổ chức các hoạt động bảo trợ cho trên 7 ngàn lượt NKT, TMC, trẻ em nghèo. Cụ thể Hội phối hợp với Bệnh viện PHCN Hương Sen trên địa bàn tỉnh, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc  hướng dẫn phục hồi chức năng, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho trên 2 ngàn lượt NKT; hướng dẫn phục hồi chức năng cho 62 người khuyết tật tại nhà. Trợ giúp cho trên 5 ngàn lượt NKT, TMC và các đối tượng yếu thế khác bằng tiền và hiện vật như xe lăn, xe đẩy, xe đạp, nhà ở, công trình vệ sinh, đường tiếp cận, học bổng, sách giáo khoa, đồ dùng học tập… Các hoạt động như tặng xe lăn, tặng quà nhân dịp Tết… cho người khuyết tật được Hội phối hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức thường xuyên.

Đặc biệt một trong những thành công và tâm đắc của những người làm công tác hội tỉnh Tuyên Quang là “Đề án Chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho NKT, TMC”. Đề án nhằm giúp đỡ, tạo sinh kế cho người khuyết tật và trẻ mồ côi, những đối tượng kém may mắn vươn lên trong cuộc sống. Hiệu quả dự án mang lại đã gây được  hiệu ứng tích cực không chỉ với người được thụ hưởng mà còn lan tỏa trong cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, Hội đã triển khai thực hiện 7 Đề án chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho NKT, TMC với tổng kinh phí trên 3,2 tỷ đồng tại các xã: Tràng Đà (TP Tuyên Quang) với kinh phí gần 460 triệu đồng, xã Kim Phú (Yên Sơn) với kinh phí gần 700 triệu đồng, xã Thái Hòa (Hàm Yên) gần 500 triệu đồng; xã Sơn Nam (Sơn Dương), xã Tiến Bộ (Yên Sơn), xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) với kinh phí 509 triệu đồng. Sau 5 năm, đã có trên 1.000 NKT, TMC được nhận xe lăn, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế, có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội. Đây là nền tảng ban đầu để các hộ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tạo thu nhập ổn định. 

Thông qua thực hiện đề án nhiều NKT, hộ gia đình có NKT được hưởng lợi, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến NKT. Qua đó, khơi dậy lòng nhân ái, chung tay giúp đỡ, đùm bọc của gia đình, làng xóm, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và của toàn xã hội đối với yếu thế. Người khuyết tật, trẻ em mồ côi trong các xã, phường thực hiện Đề án có điều kiện sinh hoạt thuận tiện hơn, bớt tự ti, vượt qua được mặc cảm, khó khăn về sức khỏe để vươn lên, tự lực trong sinh hoạt, học tập và lao động nhằm nâng cao đời sống, qua đó giúp cho người khuyết tật, trẻ em mồ côi có thêm nghị lực, niềm tin ở chính mình, bớt lệ thuộc vào gia đình, hòa nhập nhanh với cộng đồng, xã hội. 

Anh Lương Văn Tùng, xóm 3, xã Kim Phú (Yên Sơn) là người khuyết tật được hỗ trợ vay 10 triệu đồng không lãi suất để mua máy móc phục vụ cho công việc tại xưởng đồ gỗ. Nhờ chăm chỉ lại biết tính toán nên công việc của anh ngày càng thuận lợi, đã mang lại nguồn thu cho gia đình. Anh còn tạo việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Hay anh Trần Văn Khánh, thôn 20, xã Kim Phú có con trai bị bệnh bại não, gia đình thuộc hộ nghèo của xã. Khi được nhận 30 triệu đồng từ Đề án để xây nhà, anh rất vui mừng. Anh Khánh chia sẻ, nếu không có sự hỗ trợ từ Đề án không biết bao giờ gia đình anh mới xây được căn nhà kiên cố. Nhờ vậy, cuối năm 2018, gia đình anh đã thoát nghèo…

Hiệu quả các chương trình mà Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi tỉnh Tuyên Quang tuy còn khiêm tốn nhưng đang góp phần thúc đẩy, đổi mới nhận thức về NKT nói  riêng và người có hoàn cảnh đặc biệt nói chung của người dân và xã hội chuyển hướng tiếp cận từ nhân đạo, từ thiện đơn thuần sang cách tiếp cận dựa trên quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NKT, TMC; không chỉ giúp người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được các nguồn lực, sự trợ giúp của xã hội, được hưởng chế độ chăm sóc, cải thiện đời sống mà còn góp phần thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Tuyên Quang.

 

Tin liên quan