Thực hiện chương trình công tác Hội năm 2019 và tiếp tục nâng cao năng lực thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (NKT), trong hai ngày 21-22/11, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức Hội nghị Tuyên truyền chính sách, pháp luật cho NKT trên địa bàn tỉnh Nam Định. Ông Lương Phan Cừ - Chủ tịch Trung ương Hội; bà Hà Thị Liên - Phó Chủ tịch Trung ương Hội; ông Phạm Đức Chính - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; cùng đại diện các Sở, ngành, các tổ chức Hội thành viên và gần 200 NKT đến từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Dương, Lạng Sơn đã tới dự.

Ông Phạm Đức Chính tư vấn và giải đáp một số vướng mắc của NKT

Phát biểu khai mạc và chủ trì Hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Lương Phan Cừ đã giới thiệu những chính sách chủ yếu hiện nay về NKT nhằm cung cấp cho các cán bộ Hội một cách hệ thống và cập nhật các chính sách hiện hành đối với NKT, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ Hội, NKT trong tuyên truyền phổ biến chính sách đến đối tượng, trợ giúp đối tượng tiếp cận và thụ hưởng chính sách đúng, kịp thời cũng như làm tốt vai trò giám sát việc thực hiện các chính sách đối với các cấp chính quyền theo chức năng của Hội và tham gia xây dựng chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NKT.

Tại buổi tọa đàm, một số chính sách về NKT được giới thiệu rất cụ thể, chi tiết. Trong đó, chính sách dạy nghề và việc làm có nêu NKT đủ 14 tuổi - dưới 60 tuổi (nam) và dưới 55 tuổi (nữ) có nhu cầu học nghề, có sức khỏe phù hợp với yêu cầu của nghề sẽ học và chưa được hỗ trợ từ các Chương trình, Đề án của Nhà nước sẽ được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và học nghề ngắn hạn dưới 3 tháng. Mức hỗ trợ học nghề cho từng nghề cụ thể do Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 6.000.000 đồng/người/khóa học. Với nghề đào tạo có chi phí thực tế lớn hơn thì địa phương chủ động xây dựng phương án huy động thêm từ nguồn kinh phí đóng góp của người học, kinh phí địa phương và các nguồn khác… Sau khi học, NKT được tư vấn việc làm miễn phí, được tuyển dụng không phân biệt đối xử và được vay vốn từ chương trình việc làm, hoặc chương trình giảm nghèo tại Ngân hàng chính sách xã hội. Về tiếp cận văn hóa, thể thao, du lịch, NKT đặc biệt nặng được miễn vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng như đi thăm quan bảo tảng, di tích lịch sử, văn hóa, thư viện, triển lãm, xem các hoạt động thể dục thể thao tại các cơ sở thể thao và được giảm tối thiểu 50% khi sử dụng các dịch vụ. Về tiếp cận giao thông, công trình công cộng, nhà chung cư, công nghệ thông tin và truyền thông, NKT nặng và đặc biệt nặng sẽ được miễn giá vé, giá dịch vụ khi đi xe buýt, giảm tối thiểu 15% vé máy bay và giảm tối thiểu 25% vé tàu hỏa, tàu điện, tàu thủy, xe ô tô vận tải hành khách theo tuyến cố định. Bên cạnh đó, NKT còn được chăm sóc sức khỏe, lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe tại trạm y tế xã, được hướng dẫn phương pháp phòng bệnh, tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng, được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh; được ưu tiên nhập học ở độ tuổi cao hơn so với quy định trong giáo dục phổ thông, được miễn, giảm một số môn học. Đối với trẻ em học mẫu giáo, học sinh, sinh viên bị khuyết tật khó khăn về kinh tế, được miễn học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác. Một số trường hợp NKT đặc biệt nặng sống tại gia đình được hưởng trợ cấp hàng tháng 2 lần so với mức trợ cấp cơ bản; 2,5 lần nếu là người cao tuổi hoặc trẻ em; NKT đặc biệt nặng, NKT nặng đang mang thai hoặc nuôi một con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được hưởng thêm 1,5 lần mức cơ bản.

Anh Nguyễn Văn Trạch - NKT tỉnh Nam Định chia sẻ niềm vui khi lần đầu tiên được tham dự hội nghị dành cho NKT và có cơ hội hiểu biết về các chế độ, chính sách đối với NKT.

Tại Hội nghị, ông Lương Phan Cừ cũng chia sẻ những vấn đề thường gặp như người thuộc diện được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của nhà nước nhưng chưa được hưởng do không biết chính sách, hoặc biết chính sách nhưng không biết gặp ai để đề nghị; Các cở sở từ thiện nhận nuôi dưỡng chăm sóc trẻ mồ côi, khuyết tật, người già cô đơn nhưng không biết cụ thể quyền lợi của trẻ, không biết gặp cơ quan nào để đề nghị; Cơ quan có thẩm quyền chậm giải quyết chế độ trợ cấp cho đối tượng; Đối tượng đang hưởng trợ cấp thì bị cắt, đang hưởng mức cao xuống hưởng mức thấp… không biết lý do nên thắc mắc; Có chính sách nhưng đối tượng không được thụ hưởng do hồ sơ, thủ tục quy định không phù hợp, khó đáp ứng... Để thực hiện tốt chức năng bảo trợ của Hội, mỗi tổ chức Hội và Hội viên cần nắm chắc chính sách của Nhà nước đối với NKT; hiểu rõ quy định về hồ sơ, thủ tục cần có để được hưởng chính sách và quy trình giải quyết chính sách trợ giúp xã hội đối với NKT.

Dịp này, ông Phạm Đức Chính - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nam Định đã tư vấn, truyền đạt một số kinh nghiệm giúp các cán bộ Hội và NKT nắm bắt rõ hơn các quyền lợi, cơ chế, chính sách dành cho NKT, cũng như hướng dẫn cách làm hồ sơ, thủ tục để được hưởng trợ cấp xã hội, hồ sơ đề nghị xác định, xác định lại mức độ khuyết tật, hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật và giải đáp một số vướng mắc của NKT về việc tiếp cận, thụ hưởng chế độ về chính sách, y tế, giao thông…

Trao đổi và giải đáp các câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch Trung ương Hội Lương Phan Cừ khẳng định: “Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo, giúp đỡ NKT nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những người yếu thế về mọi mặt, đó là chính sách giáo dục, dạy nghề, việc làm, chính sách trợ cấp, tiếp cận văn hóa, thể thao, du lịch… Với vai trò và trách nhiệm của một tổ chức vì NKT, Trung ương Hội sẽ tiếp nhận và tổng hợp các ý kiến, báo cáo lên cơ quan chức năng nhằm góp phần chỉnh sửa những chính sách phù hợp nhất đối với quyền lợi của NKT. Trung ương Hội và các cấp Hội thành viên sẽ tổ chức nhiều hội nghị để NKT có cơ hội trao đổi, đối thoại, bày tỏ tâm tư nguyện vọng, tạo ra một xã hội bình đẳng, không rào cản.

Tin liên quan