Phải học lấy một cái nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm, không để mình trở thành gánh gặng cho gia đình là tâm nguyện của anh Trần Xuân Lành, 45 tuổi, ở phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Anh bị khuyết tật vận động từ nhỏ và đã nêu gương sáng về ý chí phấn đấu vượt lên số phận.

Anh Trần Xuân Lành và chị Lê Thị Phận trong ngày cưới. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Anh Trần Xuân Lành và chị Lê Thị Phận trong ngày cưới. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con, lại mang trong người chứng bệnh máu không đông, tuổi thơ Lành đã trải qua bao gian nan khó nhọc. Những trận ốm đau dai dẳng như cố tình ngăn cản con đường đến trường của cậu bé nghèo.

Rồi một trận sốt viêm màng não vào năm 2 tuổi đã gây bại liệt cả 2 chân Lành. Gia đình đã chạy chữa nhiều nơi, nhưng cuối cùng chỉ có một chân Lành đi được khập khiễng, còn một chân vĩnh viễn không cử động được.

Nỗ lực vượt khó đến trường, qua nhiều năm, cậu bé Lành cũng đã biết đọc biết viết, nhưng con đường học vấn sớm dang dở bởi hoàn cảnh khó khăn và cha mẹ còn phải lo cho một đứa em của Lành bị bệnh hiểm nghèo.

Sau những tháng ngày buồn tủi, Lành xác định phải học lấy một cái nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm và tự nhủ quyết không để mình trở thành gánh gặng cho gia đình. Từ tâm nguyện đó, Lành đã đi học nghề sửa đồng hồ tại hiệu đồng hồ Quốc Định trên đường Núi Thành (quận Hải Châu).

Hằng ngày, cha chở Lành đến nơi học nghề, chiều lại đến đón về. Chàng trai khuyết tật dốc tâm dốc chí học gần 2 năm thì đã trở thành thợ lành nghề. Nhận tháng lương đầu tiên, Lành xúc động đến rơi nước mắt.

Trải qua thực tế, tay nghề của Lành ngày càng khá hơn, nhờ đó thu nhập cũng ngày càng ổn định. Dành dụm được ít vốn, anh vào thành phố Hồ Chí Minh làm nghề sửa đồng hồ những mong tạo được sự bứt phá để góp phần đưa cuộc sống gia đình vượt khó thoát nghèo.

Nhưng do đi lại khó khăn cùng với cảnh nhà thuê, cơm quán nơi đô thành đắt đỏ, người thanh niên khuyết tật đã trở về quê mưu sinh. Anh mở tiệm sửa đồng hồ tại chợ đầu mối Hòa Cường, ngày ngày chăm chỉ, tận tụy với từng khách hàng, đồng thời hăng hái tham gia các hoạt động của Hội Người khuyết tật phường Hòa Xuân.

Anh Lành từ tốn tâm sự: “Hằng tháng, tôi được nhận phụ cấp 525.000 đồng theo chế độ hỗ trợ dành cho người khuyết tật nặng của Nhà nước, cảm giác rất ấm lòng”.

Năm 2010, một cô gái đồng cảnh ngộ - chị Lê Thị Phận, ở phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) đã cùng Lành nên nghĩa vợ chồng. Chị Phận dáng người rất thấp, hai bàn tay ngắn khác thường nhưng cũng là một tấm gương sáng về nghị lực vượt lên số phận.

Chị đã bền bỉ theo học nghề may và xin được việc làm tại Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ. Đám cưới của đôi nam nữ khuyết tật diễn ra trong niềm vui ngập tràn của gia đình và bà con hai họ.

Đến nay, vợ chồng anh Lành đã có hai con, cháu đầu đã học lớp 3 và cháu sau mới 2 tuổi. Cùng với nghề sửa đồng hồ, vợ chồng anh Lành mở quán cà phê trên đường Đô Đốc Lộc, tuy nhiên, cuộc sống cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Hơn nữa, anh Lành lại hay đau ốm, phải thường xuyên vào viện điều trị, cuộc sống đã khó lại càng khó.

Bao năm qua, vợ chồng anh Lành vẫn đang ở chung trong “đại gia đình” của cha mẹ già với tổng số 12 nhân khẩu. Một ngôi nhà nhỏ của riêng mình vẫn còn là điều mong ước của vợ chồng anh Lành.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lành cho biết, anh đã làm hồ sơ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố và các cơ quan chức năng xin được bố trí nhà chung cư dành cho người thu nhập thấp, nhưng đã hơn 7 năm rồi mà vẫn chưa được giải quyết. 

Theo baodanang.vn

Tin liên quan