Trong cuộc đời của mỗi người, ai cũng có những dấu ấn, những kỷ niệm khó quên. Có khi những kỷ niệm ấy trở thành hành trang giúp cho chúng ta định hướng cho đường đời mình ngày càng hoàn hảo và tốt đẹp hơn…

thay-thanh-dung-lam-tinh-nguyen-vien-giup-cac-em-khuyet-tat-trong-nhung-lan-cac-em-du-lich-5104

Thầy Thanh Dũng làm tình nguyện viên giúp các em khuyết tật trong những lần các em đi du lịch

Với tôi cũng vậy, dù bây giờ đã trưởng thành nhưng những mùa hè thuở còn học sinh hình như không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Kỷ niệm về tai nạn trong mùa hè năm tôi học lớp 2 tại trường tiểu học Khánh Hội mãi mãi là một kỷ niệm không quên của tôi. Từ đó, cuộc đời tôi bước sang trang mới khi luôn dành tình yêu thương cho bao người kém may mắn.

Tôi cảm động khi được sự yêu thương của bao người thân khi gặp tai nạn thuở ấu thơ và suýt phải ngồi xe lăn

Tôi sinh ra ở mảnh đất Sài Gòn hoa lệ và sống ở thành phố này cho đến năm tôi học lớp 8 thì theo cha mẹ tôi hồi hương, nhưng kỷ niệm trong những năm tôi học tiểu học không bao giờ phai mờ. Sống ở thành phố nhà cửa san sát nên mùa hè thời tiết vô cùng oi bức. Tắm mưa vào mùa hè cũng là thú vui mà tôi và các bạn trong xóm rất yêu thích. Cứ mỗi khi trời mưa lớn là tôi xin cha mẹ cho tôi đi tắm mưa. Trong một lần vì tắm mưa quá lâu mà tôi bị tê cóng đến nỗi tôi nằm bất tỉnh trên đường. Bạn bè trong xóm khiêng tôi về nhà. Thấy tôi nằm bất động, cha mẹ tôi rất lo lắng và đưa tôi vào bệnh viện. Các bác sĩ cho biết nhờ tôi có uống thuốc ngừa bệnh bại liệt nên tôi còn có hy vọng đi lại được. Tôi phải tập đi mấy tháng mới đi lại được...

Bây giờ thì tôi đã trưởng thành. Mỗi lần ra đường nhìn thấy một người khuyết tật ngồi trên xe lăn là tôi lại thấy thương họ rất nhiều. Nhớ lại lần tắm mưa hồi nhỏ,tôi cũng rất may mắn mới không bị ngồi trên xe lăn như họ nên tôi rất cảm thông. Tôi quyết tâm phải tích cực làm công việc thiện nguyện. Hơn 16 năm qua, tôi là nhà hảo tâm và làm tình nguyện viên giúp cho các em khuyết tật và trẻ mồ côi cũng như các hoàn cảnh khó khăn trong nhiều tỉnh thành trong cả nước.Vào các ngày chủ nhật không có đi dạy, tôi theo các đoàn từ thiện thăm các trẻ mồ côi ở các tỉnh như Long An, Bến Tre, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau… để phát quà cho các em. Trong trường, tôi cũng thường xuyên giúp cho em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những lớp dạy phụ đạo không thu tiền, những quyển tập, cây viết, hộp cơm hay tấm áo mùa xuân là những phần quà tôi hay tặng cho học sinh nghèo. Mỗi khi giúp được bao mảnh đời bất hạnh, tôi rất vui.

Tuy nhiên kỷ niệm sâu đậm của tôi chính là được các em khuyết tật kính mến vì tôi là nhà hảo tâm và tình nguyện viên giúp cho các em.Trong những lần sinh nhật của Mái ấm khuyết tật Ước Mơ hay những chuyến du lịch, tôi đẩy xe lăn, cõng các em trên vai, bồng các em lên xe hay gấp thức ăn cho các em khiếm thị trong các bữa ăn. Nhiều lần đến giờ trưa, tôi dù rất đói bụng nhưng tôi vẫn không có thời gian để ăn vì phải đến từng bàn gấp thức ăn cho các em khiếm thị. Bao giờ các em ăn xong thì tôi mới an tâm dùng bữa. Nói chung, tôi ân cần phục vụ cho các em như người thân, thậm chí tôi có thể giặt quần áo cho các em trong những lần đi chơi xa nhiều ngày. Nhớ lần tôi đi du lịch cùng các em của Nhóm ở Đà Lạt, dù đã hơn 50 tuổi, tôi vẫn đẩy xe lăn cho các em trên những con đường dốc cao. Những lần các em tham quan khu du lịch văn hóa Suối Tiên, tôi cũng làm tình nguyện viên tích cực giúp các em.

Tôi rất cảm động khi nhiều năm qua, các em khuyết tật đi lại khó khăn nhưng đến nhà tôi chúc tết như em Khoa, em Thắm, em Hiếu. Những bữa cơm sum vầy, những cuộc nói chuyện của thầy trò sau bao ngày xa cách là kỷ niệm rất đẹp mà tôi không thể quên.

Em Lê Quang Bình ở huyện Cần Giuộc tỉnh Long An bị khuyết tật rất nặng. Một lần khác tôi đem quà từ thiện của Nhóm Hát Rong Từ Thiện Sài Gòn đến tặng em, tôi phải chạy xe suốt cơn mưa tầm tã, đến nhà em thì tôi lạnh muốn run lên. Nhưng thấy em cười vui là tôi nghe lòng mình ấm lại. Em hiện là Chủ nhiệm Câu Lạc bộ Lấp Lánh Ước Mơ và tôi thường xuyên ủng hộ cả tinh thần và vật chất cho em.

Em Võ Ngọc Hiếu ở Bến Tre là một trong những em bị khuyết tật rất nặng. Mỗi lần em đi du lịch thì tôi thật sự là Ôsin phục vụ cho em. Tôi phải đút cho em ăn uống, lau từng giọt mồ hôi của em, ẵm em đi tắm hay giặt quần áo cho em. Lúc em cần là em gọi “ Thầy ơi! Giúp con”. Thật là cảm động khi nhiều lần em đến nhà tôi chúc tết và phải mang chiếc xe lăn lên xe buýt. Tôi thấy vậy nên đã mua sẵn chiếc xe lăn để ở nhà, những lúc em đến chơi sẽ không phải vất vả mang theo. Chiếc xe này sẽ được dùng chung cho các em khuyết tật khác khi các em đến gia đình tôi. Ngày em cưới vợ, em nhờ tôi đi rước dâu để chăm sóc em chu đáo. Em nói “ Thầy hiểu ý con chứ mấy thanh niên dù có sức khỏe chứ không thể ân cần như thầy”. Vậy là tôi ở Long An đến nhà em dự tiệc cưới ở Bến Tre và nửa đêm tôi cùng gia đình em đi rước dâu ở Sóc Trăng. Rước dâu về tôi phụ tiếp đãi cho các em khuyết tật trong Nhóm đi dự tiệc cưới. Tôi được em nhờ đi rước dâu vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm nhưng tôi thấy không có áp lực gì. Sau tiệc cưới ấy, tôi mệt rất nhiều nhưng thấy vui vì đã giúp được em. Em nói “ Con xem thầy như người cha của con”. Câu nói làm cho tôi rất xúc động.

thanh-dung-trong-lam-tinh-nguyen-vien-giup-cac-em-khuyet-tat-di-tham-quan-da-lat-3697

Thanh Dũng trong làm tình nguyện viên giúp các em khuyết tật đi tham quan Đà Lạt

Có một số em khuyết tật làm ra móc khóa hay sản phẩm gì thì tôi sẵn sàng bán giúp cho các em. Em Huỳnh Minh Chơn ở xã Phước Lý huyện Cần Giuộc tỉnh Long An là học trò cũ của tôi. Em bị tai nạn và ngồi xe lăn từ năm 15 tuổi. Tôi là người thầy thường xuyên đến thăm em. Tết năm nào tôi cũng đến nhà em chúc tết. Thỉnh thoảng tôi vào nhà em lấy móc khóa bán giúp cho em và mang tiền vào cho em. Hay em Phạm Cường bị khuyết tật ở Lâm Đồng, em viết sách kể về nghị lực vượt qua nghịch cảnh của em, tôi cũng tình nguyện bán sách giúp cho em. Tôi trở thành người thầy bán đồ dạo để giúp cho các em dù khuyết tật nhưng có ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Tôi thật may mắn khi ngoài nghề dạy học, tôi còn viết văn và vẽ tranh chữ. Nhờ có nhiều nguồn thu nhập nên giúp tôi có tiền dư để giúp cho em kém may mắn.Tôi mong sao mình sẽ còn có khả năng tiếp tục san sẻ hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh mãi mãi. Như thế thì cuộc sống tôi mới thấy hạnh phúc thật sự. Tôi nói “Các em không nhìn thấy và không đi được hay bàn tay các em không làm được thì thầy tình nguyện là đôi mắt, đôi chân hay bàn tay của các em, các em cần gì cứ báo thầy nhé!”. Dù tôi không dạy các em học nhưng các em xem tôi như người thầy, người cha của mình. Tôi là người thầy không bục giảng của các em. Hy vọng lòng yêu thương san sẻ của tôi cũng như các nhà hảo tâm khác là ngọn lửa sưởi ấm cho các em, giúp các em có niềm vui, nghị lực để vượt qua bao bão tố của cuộc đời.

Theo thanhnien.vn

 

Tin liên quan