Sự nghiệp âm nhạc của các nghệ sĩ khiếm thị trong dòng nghệ thuật truyền thống ở Hàn Quốc

Vị thế của các nghệ sĩ khiếm thị trong âm nhạc thời xưa ở Hàn Quốc

Dưới triều đại Joseon (thế kỷ XIV–XIX) ở Hàn Quốc, trong số các nhạc công cung đình có cả nhạc công khiếm thị. Thời đó họ được gọi là Gwanhyeonmaengin (Quản huyền manh nhân), tức người mù chơi các nhạc cụ thổi và dây. Để cải thiện chế độ ưu đãi trọng dụng nhân tài âm nhạc khiếm thị Gwanhyeonmaengin, Park Yeon, một viên quan trong triều tổng quản lĩnh vực âm nhạc cung đình thời vua Sejong (Thế Tông, vị vua thứ IV của vương triều Joseon) đã dâng một bản tấu lên nhà vua, rằng: “Các bậc đế vương xưa kia đều trọng dụng người khiếm thị để diễn tấu âm nhạc và ca hát. Dù mất đi thị lực, nhưng họ lại có thể kiểm soát tốt âm thanh. Bởi lẽ, trên đời này không có ai là bị bỏ đi cả.”

Chế độ ưu đãi trọng dụng nhân tài âm nhạc khiếm thị Gwanhyeonmaeng (Quản huyền manh) là một trong những chế độ phúc lợi xã hội đối với người khiếm thị lúc đương thời. 

Các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống khiếm thị thời nay ở Hàn Quốc

Giờ đây, ở Hàn Quốc vẫn tồn tại những tổ chức của nghệ nhân âm nhạc truyền thống khiếm thị. Họ đều là những nhạc công chuyên nghiệp, tốt nghiệp chuyên ngành âm nhạc truyền thống ở các trường đại học. 

Năm 2013, nghệ sĩ Lee Hyeon-ah đã đoạt “giải thưởng lớn” trong Cuộc thi âm nhạc truyền thống toàn quốc, cuộc thi có quy mô lớn nhất ở Hàn Quốc. Trên thực tế, việc một người khiếm thị theo chuyên ngành âm nhạc truyền thống không phải là điều dễ dàng. Lee Hyeon-ah có thể học hát theo sự chỉ dẫn của thầy cô nhưng do không có bản nhạc hay sách lý luận bằng chữ nổi nào dành cho người khiếm thị, nên cô phải ghi âm lại nội dung phát trên kênh phát thanh âm nhạc truyền thống để tự học. Theo học âm nhạc truyền thống đối với Lee Hyeon-ah là cả một chặng đường khổ ải. Mới đầu, cô còn không có cơ hội nộp hồ sơ tuyển sinh vào đại học vì thời đó không có trường đại học nào tiếp nhận sinh viên khuyết tật. Biết được tình cảnh của cô, cuối cùng một trường đại học đã xóa bỏ rào cản này, nhờ đó mà Lee Hyeon-ah đã có cơ hội được cạnh tranh với các học sinh bình thường và thi đỗ vào đại học. Ở Hàn Quốc, phúc lợi dành cho người khuyết tật vẫn còn rất hạn chế, đối với họ cuộc sống mỗi ngày đều như những thử thách. 

Ngoài Lee Hyeon-ah, trong giới nghệ sĩ âm nhạc truyền thống khuyết tật ở Hàn Quốc còn có danh ca Lee Hee-wan. Người có âm giọng chân chất, mộc mạc mà lôi cuốn khiến rất nhiều người đam mê. Danh ca Lee Hee-wan sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều thế hệ là nghệ sĩ âm nhạc truyền thống. Nhờ đó mà từ nhỏ ông đã rất quan tâm đến câu hát truyền thống của dân tộc Hàn và được nhiều bậc thầy gạo cội dạy dỗ chỉ bảo. Câu hát của danh ca Lee Hee-wan như khắc họa rõ nét mọi chông gai trên bước đường đến với nghệ thuật truyền thống dân tộc của ông.

Gần đây, trong âm nhạc truyền thống Hàn Quốc đã xuất hiện hình thức biểu diễn vừa hát vừa chơi đàn piano “Piano Byeongchang” do nghệ sĩ trẻ Choi Jun sáng tạo. Lúc mới 30 tháng tuổi, Choi Jun được xác định mắc chứng rối loạn tự kỷ, thiếu kỹ năng trong giao tiếp xã hội và có những hành vi bất thường. Từ nhỏ, Choi Jun vốn đã rất nhạy cảm với âm thanh, anh bắt đầu học hát kể chuyện Pansori và đàn dương cầm từ thời tiểu học. Nhờ đó, anh đã bắt đầu nói được và giao tiếp với những người xung quanh. Nghệ thuật hát kể chuyện Pansori và cây đàn piano đã thức tỉnh thế giới trong con người chàng thanh niên này, giúp anh sáng tạo ra hình thức biểu diễn âm nhạc truyền thống “Piano Byeongchang”. Choi Jun là một nghệ sĩ âm nhạc truyền thống tài năng, anh đã sáng tác mới và biểu diễn khá nhiều nhạc phẩm ấn tượng.

Tin liên quan