Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công (NCC) với cách mạng, tỉnh Thái Nguyên đã đạt 2/4 chỉ tiêu, gồm: NCC được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, được khám sức khỏe; các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC. Tuy nhiên, còn 2 chỉ tiêu chưa đạt, gồm: Gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; con, cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học được phát hiện sớm, can thiệp sớm, phục hồi chức năng các dị tật bẩm sinh.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay, cùng với hơn 130.000 người được công nhận theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi NCC thì còn có trên 80.000 NCC tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc đã được giải quyết chế độ một lần hoặc hằng tháng theo các quyết định của Chính phủ. Trong 3 năm qua, nhiều chương trình, kế hoạch về chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC đã được các cấp, ngành chức năng quan tâm triển khai thực hiện. Thông qua đó, số hộ nghèo, cận nghèo là NCC giảm nhanh, từ 560 hộ nghèo (năm 2017) giảm xuống còn 212 hộ (năm 2020), từ 475 hộ cận nghèo giảm xuống còn 310 hộ (năm 2020).

Gia đình cựu chiến binh Dương Văn Tam (đứng thứ tư từ trái sang), ở xóm Hà Thuận, xã Mỹ Yên (Đại Từ) mới được hỗ trợ trên 40 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa. Ảnh: T.L

Một thách thức đặt ra đối với các cấp, ngành chức năng của tỉnh là hầu hết các hộ NCC thuộc diện nghèo, cận nghèo đều ở trong tình trạng “khó vượt lên chính mình”. Ông Trịnh Kim Thủy, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Lương cho hay: Hết năm 2020, huyện chưa đạt chỉ tiêu 100% các gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Nguyên nhân là do trên địa bàn còn hơn 80 hộ NCC thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Còn Ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Đại Từ cho rằng: Chỉ tiêu 100% các gia đình NCC có mức sống bằng, hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú rất khó đạt. Nguyên nhân do gia đình NCC có người khuyết tật; có thành viên ốm đau thường xuyên; gia đình đông nhân khẩu không có sức lao động, không có nguồn thu nhập ổn định.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Đào Hạnh Nguyên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH thành phố Thái Nguyên cho biết: Hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo hiện nay trên địa bàn thành phố đều là hộ thuộc diện bảo trợ xã hội, khó có khả năng thoát nghèo, nhất là với các gia đình NCC thuộc diện hộ nghèo. Vì ngay cả các chính sách hỗ trợ ưu đãi về sinh kế (như: Vay vốn tín dụng ưu đãi, giải quyết việc làm, đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển sản xuất...) là những chính sách rất phù hợp để tạo động lực cho hộ nghèo phát triển sản xuất, có thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo nhưng lại không thể thực hiện cho các gia đình này. Vì bởi phần lớn ở các hộ NCC, chủ hộ đều đã cao tuổi, hoặc hết tuổi lao động; không có khả năng lao động nên không đủ điều kiện để tham gia vay vốn... Còn về chỉ tiêu có 90% con, cháu NCC bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học được phát hiện sớm, can thiệp sớm, phục hồi chức năng các dị tật bẩm sinh, bà Dương Thị Ngọc Mỹ, Trưởng phòng LĐ-TB&XH T.X Phổ Yên chỉ ra: Do Nhà nước hiện chưa có chế độ chính sách đối với thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học, nên chỉ tiêu này rất khó đạt.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, trong giai đoạn 2017-2020, trên toàn tỉnh đã có gần 157.000 NCC và thân nhân NCC được hưởng trợ cấp 1 lần; gần 21.000 lượt NCC được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; hơn 32.000 lượt NCC được điều dưỡng phục hồi sức khỏe; 56 hộ NCC được hỗ trợ đất ở; hơn 2.400 con NCC được hưởng chính sách ưu đãi về giáo dục… Cũng trong giai đoạn này, Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa các cấp đã vận động được gần 27 tỷ đồng, để hỗ trợ cho gia đình NCC như làm nhà, sửa nhà ở; hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đột xuất cho NCC và thân nhân NCC không may gặp hoạn nạn...

Bà Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đồng Hỷ cho biết: Hiện toàn huyện chỉ còn 3 gia đình NCC thuộc diện hộ nghèo (giảm 43 hộ so với năm 2017), 17 hộ NCC cận nghèo (giảm 19 hộ so với năm 2017). Kết quả này thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền nhân dân và các tổ chức xã hội trong việc vào cuộc, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ NCC cùng gia đình vươn lên trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để xóa toàn bộ số hộ nghèo, cận nghèo này vẫn cần huy động sự vào cuộc của rất nhiều bên.

Năm 2020, Thái Nguyên đã “lỡ hẹn” với yêu cầu đặt ra trong Chỉ thị 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Mục tiêu đặt ra kế tiếp là vào cuối năm 2021, nhưng để đạt được chỉ tiêu này đòi hỏi các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm, sâu sát hơn với gia đình có thành viên thuộc đối tượng NCC. Thiết nghĩ, trong trường hợp những chủ hộ là NCC cao tuổi, không có sức lao động, đau ốm thường xuyên, không có thu nhập, sống phụ thuộc vào tiền trợ cấp người cao tuổi, chính quyền địa phương có thể vận động “các cụ” về ở chung nhà cùng con, cháu. Trong trường hợp NCC cao tuổi không có con, cháu gần gũi, chính quyền địa phương có thể kêu gọi nhà tài trợ hoặc vận động các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời…

Theo laodongxahoi.net

Tin liên quan