Thực hiện công tác an sinh xã hội, trong thời gian qua, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các chính sách đối với người khuyết tật, hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ người khuyết tật vươn lên được tổ chức thường xuyên, giúp người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống và cộng đồng.

Trong thời gian qua, các chính sách đối với người khuyết tật đã được tỉnh ta tổ chức thực hiện triển khai đầy đủ, đồng bộ và kịp thời đúng quy định. Đó là công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh ban đầu, khám chữa bệnh định kỳ; tổ chức khám sáng lọc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật...


Lãnh đạo Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các đại biểu trao xe đạp cho trẻ em
có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em khuyết tật ở Sơn Dương năm 2019.

Hàng năm Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đều phối hợp với các đơn vị tổ chức khám sàng lọc và phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ bị khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Riêng trong năm 2019, Quỹ đã phối hợp với Bệnh viện Phẫu thuật chỉnh hình Thái Nguyên và Sở Y tế tỉnh khám phân loại cho 760 trẻ em bị khuyết tật các dạng: Tim bẩm sinh, môi - hàm ếch, vận động, mắt… Trong đó có chỉ định, phẫu thuật và can thiệp cho 288 trẻ tại 12 điểm/7 huyện, thành phố. Đồng thời, phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội khám và chỉ định cho 111 cháu nghi mắc bệnh tim bẩm sinh, kết quả có 23 trẻ cần theo dõi nội khoa và 20 trẻ có chỉ định phẫu thuật. Việc tổ chức hoạt động khám chữa bệnh, phẫu thuật… cho trẻ khuyết tật đã mang lại niềm vui, sự tự tin để các em vươn lên trong cuộc sống.

Với vai trò kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, những nhà hảo tâm để hỗ trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, trong thời gian qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã tăng cường vận động, tiếp nhận các chương trình ủng hộ cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động như tặng xe lăn, tặng quà nhân dịp Tết… cho người khuyết tật được Hội phối hợp với các đơn vị tài trợ tổ chức thường xuyên. Tính từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động bảo trợ cho 335 người khuyết tật và trẻ em mồ côi, với tổng trị giá hơn 182 triệu đồng. Trong quý I/2020 Tỉnh hội tiếp tục triển khai 2 Đề án Chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật, trẻ em mồ côi tại xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) và phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) với kinh phí gần 750 triệu đồng...

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 22.045 người khuyết tật. Số người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng là 11.486 người, chiếm 45,36% đối tượng bảo trợ xã hội. Trên địa bàn tỉnh có 2 bệnh viện chuyên khoa phục hồi chức năng (Bệnh viện PHCN Hương Sen và Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm). Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, khu vực đều có khoa hoặc bộ phận khám chữa bệnh phục hồi chức năng. Các chính sách về người khuyết tật đã được tổ chức thực hiện triển khai đầy đủ, đồng bộ và kịp thời đúng quy định.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội, nhiều người khuyết tật đã vượt qua khó khăn để có cuộc sống tươi sáng hơn, như chị Tạ Như Lê, xã Yên Phú (Hàm Yên) bị khuyết tật vận động do tai nạn đã mở lớp dạy học Tiếng Anh và miễn học phí cho những học viên có hoàn cảnh khó khăn. Ông Trần Đình Văn, Trưởng thôn Cầu Mạ, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) là người khuyết tật nhưng được nhân dân tin tưởng bầu làm trưởng thôn, ông đã vận động bà con làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa, góp phần làm thay đổi “bộ mặt” nông thôn mới trên địa bàn. Chị Hoàng Thị Tuyến, dân tộc Tày ở xã Bằng Cốc (Hàm Yên) bị liệt từ nhỏ phải “nhờ cậy” đến chiếc xe lăn và nẹp sắt nhưng vẫn dạy nghề may… Chị Tuyến chia sẻ, hiện nay vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh người khuyết tật cần được hỗ trợ dạy nghề song điều kiện kinh tế có hạn nên chị chưa thể giúp được nhiều người. Chị mong rằng trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị và nhiều nhà hảo tâm cùng đồng hành, tổ chức nhiều hoạt động tài trợ, đào tạo nghề cho người khuyết tật để họ nâng cao chất lượng cuộc sống

Với nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật được các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm tổ chức thường xuyên, đã kịp thời động viên người khuyết tật. Từ đó, giúp người khuyết tật vơi đi mặc cảm, tự ti, tạo động lực để họ nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. 

Theo baotuyenquang.com.vn

Tin liên quan