Gần 40 học sinh khuyết tật sẽ có cơ hội phát triển các kỹ năng cần thiết để có thể nắm bắt các cơ hội việc làm công nghệ số, từ đó sống độc lập, hỗ trợ gia đình, và đóng góp vào nền kinh tế số. Đây là mục tiêu của “Chương trình cơ hội việc làm công nghệ số cho người khuyết tật chung sống an toàn với Covid-19” kéo dài 5 tháng, vừa được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Trung tâm Nghị lực sống khởi động, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản.

Đại diện UNDP thị sát lớp tập huấn kỹ năng công nghệ thông tin cho người khuyết tật tại Trung tâm Nghị lực sống

Chương trình khởi động vào ngày 6/11, khóa học dạy nghề công nghệ thông tin và kỹ năng mềm cho người khuyết tật sẽ giúp phát triển các kỹ năng cần thiết để người khuyết tật có thể nắm bắt các cơ hội việc làm từ công nghệ số. Từ đó, họ có thể sống độc lập, hỗ trợ gia đình và đóng góp vào nền kinh tế số.
Khóa học kéo dài 5 tháng này cũng là sự khởi đầu của dự án “Hỗ trợ người khuyết tật hồi phục sau Covid-19 thông qua đào tạo nghề công nghệ thông tin”, do Trung tâm Nghị lực sống và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) thực hiện, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Sáng kiến này nhằm giúp người khuyết tật tìm được việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Phát biểu tại lễ khai giảng khóa học, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi mong muốn góp phần tăng cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật – chính là chỉ số của Điều 27 trong Công ước về Quyền của Người khuyết tật và mục tiêu phát triển bền vững số 8: đảm bảo việc làm tử tế cho tất cả mọi người. Chúng ta cần đảm bảo rằng những bất bình đẳng và rủi ro mà người khuyết tật vẫn phải đối mặt không bị tăng thêm bởi Covid-19 và chúng ta có thể cùng nhau khôi phục lại đàng hoàng hơn hướng tới một thế giới sau Covid-19 bền vững, trong đó người khuyết tật có thể tiếp cận và hòa nhập”.
 
Những phát hiện chính trong nghiên cứu gần đây của UNDP về các chính sách việc làm đối với người khuyết tật cho thấy chỗ ở hợp lý chưa được quy định trong luật và người khuyết tật chưa tiếp cận được với đào tạo dạy nghề đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động mới.
Chị Nguyễn Thị Vân, Đồng sáng lập và là Tổng giám đốc điều hành Trung tâm Nghị lực sống chia sẻ: “Mỗi người đều có khả năng và giá trị riêng của họ. Vì vậy chúng ta cần tạo cơ hội bình đẳng để mọi người có thể phát huy được tốt nhất khả năng của chính bản thân mình”.

Học viên Sùng A Thắng, 20 tuổi, người dân tộc Mông, chia sẻ: “Em đã học hết cấp 2. Năm 16 tuổi, em được Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi cho đi học nghề may và em đã có việc làm, nhưng đầu năm nay phải nghỉ việc do dịch Covid-19. Em có thể đánh văn bản và giải trí trên máy tính. Em mong muốn học kỹ năng photoshop và dựng video. Ước mơ của em là mở một chuỗi cửa hàng bán quần áo vì thế em mong muốn làm ảnh và video để quảng cáo cho các cửa hàng của em. Em cũng muốn học thêm tiếng Anh nữa. Sau này có tiền rồi, em sẽ làm từ thiện, giúp đồng bào vùng cao, những trung tâm bảo trợ, như trung tâm đã nuôi em khôn lớn”.
 
Người khuyết tật nằm trong số những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Đánh giá nhanh về tác động kinh tế xã hội của Covid-19 đối với người khuyết tật cho thấy 72% người trả lời có thu nhập hàng tháng dưới 1 triệu đồng, 30% người trả lời cho biết họ đang thất nghiệp vì đại dịch Covid-19. 49% người khác bị giảm thời gian làm việc.

Trong số những người vẫn đang có việc làm, 59% bị giảm thu nhập. 71% người trả lời đang làm các công việc mùa vụ/ không chính thức hoặc họ đang tự kinh doanh, vì vậy có nguy cơ không thuộc nhóm được nhận trợ giúp từ gói hỗ trợ của Chính phủ...

Theo hoanhap.vn

Tin liên quan