Suốt gần 2 chục năm trôi qua, người dân quanh khu vực An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) đã quá quen với hình ảnh cụ bà tóc bạc phơ, lưng còng, đội mưa, đội nắng đến lớp học đặc biệt của trường THCS An Dương để dạy chữ miễn phí cho những học sinh khuyết tật. Bà là cựu nhà giáo Hồ Hương Nam, năm nay đã ngoài 80 tuổi.

Nhân duyên đưa bà đến với những học sinh thiệt thòi

Nhà giáo Hồ Hương Nam, sinh năm 1933, quê gốc ở Đông Ba, TP Huế. Sau khi lấy chồng cô giáo Nam ra Hà Nội, về dạy ở Trường cấp II An Dương, phường Yên Phụ cho đến lúc nghỉ hưu.

Khi nghỉ hưu, bà Nam tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương, làm cộng tác viên dân số. Do làm công tác dân số, nên bà Nam biết được ở địa phương này đang có nhiều gia đình có con em bị tật nguyền không được đi học. Thấy cảnh tượng đó nên bà rất thương các cháu. Tình thương ấy đã là động lực thúc đẩy bà quyết tâm mở cho bằng được lớp học miễn phí cho các em khuyết tật.

Lớp học đặc biệt của cô giáo Nam


Bà bắt đầu đi đến từng nhà có trẻ khuyết tật để vận động gia đình cho con, em tham gia lớp học miễn phí do chính bà giảng dạy. Bà tình nguyện dùng những đồng lương hưu của mình để mua sách vở, bút viết cho các em và chắt chiu trang trải cho cuộc sống tuổi già.

Lòng tốt của bà ban đầu đâu có dễ được xã hội chấp nhận. Những gia đình có trẻ tật nguyền, họ không thích bà thương hại. Thậm chí còn nghi ngờ mục đích của bà nên nhiều gia đình đã đuổi bà ra khỏi cổng. Nhiều người còn nói bà bị “khùng”, “ôm rơm nặng bụng”, chỉ có các con thấy mẹ buồn là động viên, ủng hộ.


Bà Nam cho sẻ: “Ngày đầu tiên lớp chỉ có hai học sinh, tôi vẫn dạy không nghỉ buổi nào. Lâu dần, học sinh đến với lớp của tôi cứ tăng dần. Ngày lên lớp, đêm tôi lại đi vận động, thấy tôi thành tâm, nhiều gia đình trước đây xua đuổi đã đến xin lỗi và xin tôi cho con đến lớp. Đến bây giờ, lớp học của tôi dạy gần 100 học sinh”.

Cũng theo bà Nam, thời gian đầu, lớp học của bà liên tục bị thay đổi địa điểm lúc ở trường mầm non, khi ở nhà văn hóa… Nhưng sau một thời gian lại phải trả, bà buồn lòng quyết tâm lên phòng giáo dục quận Tây Hồ giãi bày để xin bằng được địa điểm ổn định làm nơi dạy miễn phí cho học sinh.

Bà Nam nhắc lịch học cho cậu học trò Lưu Hồng Dương bị liệt tứ chi


Cảm nhận được sự thành tâm của bà, cô Trần Thị Vân, hiệu trưởng trường THCS An Dương đã đồng ý cho bà dạy tại trường. Từ đây, thầy trò cụ Nam mới có chỗ ổn định, yên tâm để dạy học.

Bà Nam tâm sự: “Các em học sinh đầu tiên đến lớp đều rất rụt rè, không yên tâm vì môi trường quá xa lạ không có người thân bên cạnh. Nhưng mình yêu các em, tạo sự gần gũi, quan tâm chỉ sau một thời gian ngắn đến lớp, các học sinh đã coi tôi như người thân”.

Cũng vì tình yêu thương đó mà rất nhiều học sinh đã tự nguyện gắn bó với lớp, nghỉ học là nhớ không chịu được. Như Em Nguyễn Thanh Thúy, bị liệt nửa người, bị bố ngăn cản, song hằng ngày em vẫn tìm cách trốn nhà để đến với lớp học của bà Nam.

Lớp học không bảng đen, phấn trắng

Những học sinh trong lớp của bà Nam, rất đặc biệt và phức tạp. Trong lớp, em thì khèo tay, em khèo chân, em khiếm thị, khiếm thính, em thì bị động kinh, lúc lúc lại hò hét, quậy phá làm cả lớp náo loạn. Dường như đã quen với những hành động của học sinh, bà Nam lại nhẹ nhàng đến gần xoa đầu, động viên để các em bình tĩnh ngồi yên trong lớp học.

Chứng kiến cảnh dạy học, không bảng đen, phấn trắng; mỗi em một bài tập, một hướng dạy khác nhau nhưng giáo viên chỉ có một, chúng ta mới thấu hiểu: Chỉ có tình thương yêu lớn lao mới có thể đứng vững và duy trì lớp học đặc biệt này tới gần 20 năm.

Sau một thời gian theo học với bà giáo Nam, nhiều gia đình cho trẻ theo học nhận thấy con mình có nhiều tiến bộ như biết đọc, biết viết, đi học về biết chào hỏi đã rất phấn khởi. Tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều học sinh đến gõ cửa xin bà dạy chữ.

Nhờ có con chữ do bà Nam dày công giảng dạy nên nhiều em khuyết tật đã tìm được bến đỗ hạnh phúc, lấy chồng, lấy vợ, đi làm tại bệnh viện sản. Nhiều em tưởng cuộc sống chỉ tẻ nhạt suốt đời nhưng bây giờ đã đọc được báo, truyện tranh, biết giao tiếp, chào hỏi mọi người..../.

 

Tin liên quan