Quang cảnh Diễn đàn điểm cầu Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Diễn đàn Người khuyết tật ASEAN 2020 là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam và cũng là một trong số những nỗ lực của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nhằm ứng phó với dịch COVID-19.
Khu vực ASEAN có hơn 625 triệu người dân, trong đó có khoảng 100 triệu người là người khuyết tật. Thời gian qua, các nước thành viên ASEAN luôn dành sự quan tâm đối với các vấn đề liên quan đến người khuyết tật. Điều đó được thể hiện ở việc 10 nước thành viên đều đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật. Các Nhà Lãnh đạo ASEAN cũng đã ban hành và thông qua nhiều văn kiện, Tuyên bố về người khuyết tật như: Tuyên bố Bali về tăng cường vai trò và sự tham gia của người khuyết tật trong Cộng đồng ASEAN (năm 2011); Thập kỷ ASEAN của người khuyết tật (năm 2011); Tuyên bố ASEAN về Tăng cường an sinh xã hội (năm 2013); Kế hoạch tổng thể ASEAN 2025 về Lồng ghép các quyền của người khuyết tật (năm 2018).
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Diễn đàn điểm cầu Việt Nam
Cùng với đó, ASEAN đã và đang thực hiện nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ cho Người khuyết tật, chú trọng thúc đẩy phát triển hòa nhập và sự tham gia của người khuyết tật trong Cộng đồng ASEAN; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong thực hiện các quyền của người khuyết tật. Mặc dù vậy, người khuyết tật không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước thành viên ASEAN đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vấn đề tiếp cận bao gồm tiếp cận về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng…
Năm 2020 là một năm đặc biệt khi chứng kiến sự bùng phát và lan rộng của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Hàng triệu người đã chết và hàng tỉ người đã bị ảnh hưởng. Đại dịch đã và đang gây ra những thách thức chưa từng có về kinh tế, xã hội, y tế, đòi hỏi Chính phủ các nước phải nhanh chóng đưa ra những chính sách và biện pháp hiệu quả để đảm bảo mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa duy trì phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đặc biệt là đối với những nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương.
Như vậy, chúng ta đều thấy rằng, trong bối cảnh đại dịch như vậy, người khuyết tật nói riêng và những đối tượng khác như lao động di cư, người nghèo, phụ nữ, trẻ em sẽ càng phải đối mặt với nhiều khó khăn và dễ bị tổn thương hơn.
Với vai trò là Chủ tịch của ASEAN năm 2020, Việt Nam đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN thúc đẩy các sáng kiến của ASEAN về ứng phó COVID-19 như: xây dựng Quỹ ASEAN về ứng phó dịch COVID-19; thiết lập Kho dự trữ khu vực ASEAN về vật tư y tế; Đề xuất quy trình chuẩn của ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; thành lập Trung tâm ASEAN về dịch bệnh mới nổi và các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp; xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai.
Cùng với những nỗ lực đó, ASEAN cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đưa ra các biện pháp hỗ trợ cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương ở cả cấp quốc gia và khu vực. Đặc biệt có Hội nghị trực tuyến của các Bộ trưởng phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển được tổ chức vào tháng 6 năm 2020. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã thống nhất đưa ra bản Tuyên bố chung nhằm giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Bản Tuyên bố ghi nhận cam kết của các Bộ trưởng trong việc xây dựng các kế hoạch và biện pháp hòa nhập cho người khuyết tật, đáp ứng giới, theo từng lứa tuổi và thúc đẩy đoàn kết xã hội; Nỗ lực xây dựng các chương trình phục hồi sau đại dịch một cách toàn diện và hợp nhất; Đảm bảo sự tiếp cận an sinh xã hội với sự phân bổ hợp lí nguồn lực từ quỹ công dành cho chi tiêu xã hội; Tăng cường hợp tác liên cơ quan ở cấp quốc gia và hợp tác liên ngành ở cấp ASEAN.
Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm sống độc lập của người khuyết tật Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn điểm cầu Việt Nam
Tại Việt Nam, ngay sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, để kịp thời hỗ trợ cho người dân, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có với tổng kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ Đô la Mỹ), hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng gồm: người lao động bị giảm việc, mất việc, thất nghiệp, người khuyết tật; người sử dụng lao động và hộ kinh doanh cá thể có khó khăn về tài chính; các hộ nghèo, hộ cận nghèo và; các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Bộ Y tế của Việt Nam cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cho người dân trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19 như ban hành các hướng dẫn về cách ly, triển khai sớm, chủ động và đặc biệt là kiên định biện pháp chống dịch; nghiên cứu và thử nghiệm Vaccin phòng dịch bệnh…
Cùng với những nỗ lực của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã kêu gọi và huy động sự chung tay của toàn xã hội cùng nhau vượt qua khó khăn. Theo đó, nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong cộng đồng với sự tham gia của toàn dân và các tổ chức quần chúng với nhiều cách làm sáng tạo. Mạng lưới các tổ chức của người khuyết tật tại Việt Nam cũng đã rất tích cực trong công tác tuyên truyền nhằm trang bị kiến thức và hướng dẫn các biện pháp cách ly an toàn, phục hồi và ứng phó với đại dịch COVID-19.
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Diễn đàn
Có thể nói, Việt Nam đã có những giải pháp hiệu quả giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội và thị trường lao động; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương. Dù có nhiều nỗ lực được thực hiện nhưng những khó khăn liên quan đến tiếp cận thông tin, chăm sóc sức khỏe, việc làm và các dịch vụ an sinh xã hội vẫn còn tồn tại, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, ngành, cơ quan và toàn thể người dân. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ, chúng ta hi vọng rằng người khuyết tật có thể tự tin vươn lên, vượt qua khó khăn.
Hội nghị là cơ hội để lắng nghe hơn nữa tiếng nói của người khuyết tật, các tổ chức của người khuyết tật và các đối tác liên quan; chia sẻ những sáng kiến và hoạt động nhằm hỗ trợ, cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật và gia đình của họ.
Việt Nam cũng cam kết thúc đẩy thực hiện Công ước về quyền của người khuyết tật, các cam kết quốc tế cũng như các cam kết ASEAN và lồng ghép các quyền của người khuyết tật vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống để người khuyết tật có thể tận hưởng những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội; cam kết thúc đẩy việc lồng ghép trong các chính sách, chương trình nhằm mang lại một môi trường hòa nhập, không rào cản đối với người khuyết tật và không để ai bị bỏ lại phía sau./.
Theo laodongxahoi.net