Đang nặng gánh mưu sinh để nuôi chồng nhiễm chất độc da cam, con gái u não, con trai vẹo cột sống thì bà Vân cũng bị ung thư cổ tử cung. Đôi chân cậu con trai liệt dần, chi phí phẫu thuật tốn cả trăm triệu đồng khiến gia đình nhỏ bị đẩy vào đường cùng.
Không phẫu thuật sẽ trở thành phế nhân
Thấy Trung Bắc ngày càng suy kiệt, ăn uống kém, nằm một chỗ cũng than mệt và đau, chị Nguyễn Thị Vân (46 tuổi) chạy khắp xóm vay được 5 triệu đồng, đưa con từ Quảng Nam vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. Người mẹ chết lặng khi nghe bác sĩ giải thích bệnh và yêu cầu phải cho con nhập viện điều trị nếu không sẽ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.
Chỉ vào phim X-quang chụp cột sống bệnh nhân, TS.BS Trần Minh Trí, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Nam bệnh nhân Lương Nguyễn Trung Bắc (16 tuổi) nhập viện trong tình trạng bị vẹo cột sống rất nặng. Góc vẹo gù lên tới 76 độ gây biến dạng lồng ngực, xương ức bên trái lõm sâu, chèn ép tim phổi khiến bệnh nhân khó thở, nằm một chỗ cũng đau. Bệnh nhân lẽ ra phải được nhập viện điều trị sớm hơn”.
Bên giường bệnh, chị Vân nghẹn ngào: “Thằng bé bị vẹo cột sống từ nhỏ, nhưng gia đình khó khăn quá, không có điều kiện chữa trị. Hơn 2 năm nay, tình trạng gù vẹo của con mỗi ngày một nặng hơn, ban đầu là lệch vai sau đó đến lõm ngực, chân thấp chân cao, tê yếu, chân phải teo dần. Tôi nghĩ khi lớn lên con sẽ vượt qua được những khiếm khuyết của cơ thể nhưng không ngờ, bệnh mỗi ngày một nặng, nó khó thở, tím tái nhiều, có lúc tưởng tắt thở”.
Phân tích của TS.BS Minh Trí cho thấy: “Xương cột sống bị gù vẹo nặng đã chèn ép tủy sống là nguyên nhân khiến Trung Bắc bị tê chân, yếu dần 2 chân. Nếu không được can thiệp bệnh nhân ngày càng đau đớn, lâu dần 2 chân sẽ yếu liệt, mất khả năng vận động. Phẫu thuật đặt nẹp vít để nắn cột sống về vị trí bình thường là giải pháp được chỉ định để giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng bị chèn ép tủy sống. Dù bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhưng chi phí phẫu thuật và thiết bị nẹp vít tốn khoảng 140 triệu đồng. Đây là món tiền lớn, gia đình bệnh nhân khó khăn không đủ khả năng chi trả”.
Cả gia đình bị bệnh tật vùi dập
Gạt nước mắt, chị Vân bùi ngùi: “Tôi cùng chồng là Lương Văn Nam (57 tuổi) đều mồ côi từ nhỏ, chẳng ai được biết mặt cha mẹ và người thân. Chúng tôi quen nhau từ khi còn ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi, đến tuổi trưởng thành được đưa về xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam tái hòa nhập cộng đồng. Tôi biết anh bị nhiễm chất độc da cam, cơ thể nổi nhiều u hạch nhưng chúng tôi cùng cảnh ngộ nên tìm được sự đồng cảm rồi nên vợ thành chồng có với nhau 4 mặt con”.
Hiện con gái thứ 2 của vợ chồng chị Vân đã lập gia đình, con gái thứ 3 đang học năm nhất của Đại học Đà Nẵng. Vợ chồng chị Vân và 2 người con còn lại sống nương tựa vào nhau, nhưng mỗi người đều mắc một chứng bệnh nan y. “Con đầu lòng của chúng tôi là Lương Thị Mộng Ngân (25 tuổi) bị u não nhiều năm qua, tình trạng bệnh ngày càng nặng khiến Ngân rơi vào đần độn, lệ thuộc cha mẹ. Chồng tôi nhiều năm nay không còn khả năng lao động, một mình tôi phải làm thuê làm mướn để nuôi cả gia đình”.
Nhưng bệnh tật cũng không buông tha cho người phụ nữ khốn khổ: “Đầu năm 2019, có đoàn khám bệnh từ thiện đến địa phương, tôi đi kiểm tra thì bác sĩ phát hiện dấu hiệu bất thường, vào bệnh viện Ung Bướu tôi được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu. Họ nói tôi cần điều trị, việc chạy chữa ngay thời điểm này có thể thoát khỏi căn bệnh ung thư. Nhưng giờ chồng con đến cái ăn còn không đủ, Trung Bắc lại bệnh nặng thế này tôi muốn dồn mọi thứ có được để cứu con”.
Nhưng tất cả những gì vợ chồng chị Vân có chỉ là 2 sào ruộng canh tác nhờ nước trời, mỗi năm trồng được 1 vụ lúa năng suất khoảng 300kg. “Gian nhà gỗ cũ nát nằm sát chân đồi tôi lên tiếng bán chưa thấy ai hỏi mua có bán chắc cũng chỉ được vài triệu, giờ muốn vay tiền để lo chi phí phẫu thuật cho con nhưng không có tài sản thế chấp nên không ai cho mượn. Dù có mượn được thì khoản tiền cả trăm triệu vợ chồng tôi biết lấy gì để trả. Chúng tôi đang hi vọng con gái Mộng Ngọc (19 tuổi) sau khi tốt nghiệp đại học sẽ trở thành chỗ dựa cho gia đình nhưng học phí của con giờ không lo nổi…”
Tiếp lời mẹ, Trung Bắc tâm sự: “Thấy ba mẹ vất vả con thương lắm nhưng bản thân con giờ cầm cây chổi quét nhà cũng mệt. Từ ngày vào viện mỗi bữa ăn mẹ phải đi xin cơm từ thiện, tiền mượn được đã hết. Con chỉ mong được phẫu thuật thoát khỏi bệnh tật để đi học nghề điện gia dụng, sau này có thể tự kiếm tiền lo cho bản thân và nuôi ba mẹ. Nếu không có tiền mổ con mong mình sẽ sớm kết thúc đau đớn của bản thân để mẹ bớt khổ”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Chị Nguyễn Thị Vân, khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM
Điện thoại: 0358267998
Hoặc: thôn Linh Kiều, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam