Theo báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Luật Người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2011 – 2020, tỉnh đã chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiều hoạt động, phân công trách nhiệm thực hiện nội dung phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong các kế hoạch, chương trình, đề án về người khuyết tật.
Trong 10 năm, tỉnh Bình Định đã cấp giấy xác nhận cho 38.717 người, cấp lại xác nhận đối với 4.025 hồ sơ người khuyết tật có nhu cầu.
Về chăm sóc người khuyết tật, tại mỗi trạm Y tế cấp xã của tỉnh đều bố trí người chuyên trách có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khoẻ của người khuyết tật tại cộng đồng, khám sức khoẻ ít nhất 1 lần/năm, 6 tháng/lần đối với người sử dụng các dụng cụ phức tạp (dụng cụ có bánh xe, dụng cụ chỉnh hình).
Trong thời gian qua, toàn tỉnh đã thiêt lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe cho 43.613 người khuyết tật được thăm khám và chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung thực hiện chính sách ưu tiên khám, chữa bệnh, bố trí nhân sự công tác xã hội hướng dẫn và hỗ trợ người khuyết tật, có 43.729 người khuyết tật được hưởng chính sách về bảo hiểm y tế, tư vấn phòng ngừa và phát hiện sớm khuyệt tật cho 1.677 trẻ em.
Trao tặng xe lăn cho người khuyết tật tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. |
Thông qua các dự án xã hội, tỉnh tổ chức được nhiều chương trình và hoạt động giúp phục hồi chức năng cho người khuyết tật tại cơ sở, địa phương và cấp phát hàng nghìn dụng cụ hỗ trợ phục hồi chức năng.
Về giáo dục, các cơ sở giáo dục của tỉnh Bình Định đã xây dựng môi trường giáo dục hòa nhập, thân thiện, đảm bảo học sinh khuyết tật được tôn trọng, hỗ trợ, hợp tác và tham gia bình đẳng với các bạn trong tất cả các hoạt động học tập. Tỉnh chủ động điều chỉnh linh hoạt về nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, đánh giá xếp loại phù hợp và thực hiện theo nguyên tắc động viên, khuyến khích sự tiến bộ và nỗ lực của người học.
Bên cạnh đó, Bình Định luôn quan tâm đến khả năng và nhu cầu của học sinh khuyết tật, chú trọng việc giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống, bố trí không quá 02 học sinh khuyết tật học hòa nhập trong một lớp học. Các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh khuyết tật được các cơ sở giáo dục thực hiện kịp thời, đảm bảo đầy đủ, đúng chế độ.
Những năm vừa qua, số trẻ khuyết tật đi nhà trẻ, mẫu giáo, mầm non là 62 trẻ, trong đó 31 nữ. Các cấp học phổ thông có 1.654 học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục, gồm: cấp tiểu học có 1.178 học sinh, cấp THCS có 287 học sinh, cấp THPT có 189 học sinh và 347 học sinh khuyết tật học tại trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn.
Về dạy nghề và tạo việc làm, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho khoảng 396 người khuyết tật từ chương trình đào tạo lao động nông thôn, trong đó nghề nông nghiệp có 119 người, nghề phi nông nghiệp có 277 người với mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề dành riêng cho người khuyết tật hơn 2.850.000 đồng/khóa học 3 tháng, hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày thực học và tiền đi lại 300.000 đồng/người/khóa học, nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5 km trở lên…, tổng kinh phí hỗ trợ gần 6.000.000 đồng/người học nghề.
Hàng năm, tỉnh Bình Định đã trích ngân sách 500 triệu đồng hỗ trợ Ban quản lý Quỹ việc làm cho người khuyết tật của tỉnh để hỗ trợ vốn và cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật, nhóm lao động là người khuyết tật.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, doanh số cho vay đạt 3.288 triệu đồng, với 107 người khuyết tật được vay vốn, hỗ trợ sinh kế tới 714 người. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Định tiếp tục tổ chức lớp dạy võ hàng năm với lượng học viên đảm bảo từ 30 - 40 học viên, duy trì 2 – 3 đoàn văn nghệ của người khuyết tật giao lưu cùng các trường học trên địa bàn tỉnh.
Về bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật, hàng tháng, tỉnh hỗ trợ cho trên 25.600 người khuyết tật mức độ nặng và đặc biệt nặng; chăm sóc hàng tháng tới 9.165 hộ gia đình trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; chăm sóc nuôi dưỡng 528 người khuyết tật tại cộng đồng; mua thẻ bảo hiểm y tế cho 256.711 người khuyết tật; tập huấn tuyên truyền về chính sách, kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng cho hơn 2.000 người khuyết tật, gia đình người khuyết tật; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 260 người khuyết tật trong các Hội, nhóm về kỹ năng quản lý tổ chức, lãnh đạo, gây quỹ, lập kế hoạch, điều hành cuộc họp cho NKT. Song song đó, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2018, tỉnh Bình Định đã hỗ trợ cải tạo hoàn thành 13 công trình cho người khuyết tật tiếp cận.
Theo thoidai.com.vn