Từ một người khuyết tật nặng, phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử, sống trong mặc cảm, tự ti, chính tình yêu chân thành của người vợ hiền đã giúp anh Nông Văn Chuân (thôn Khau An, xã Cư Lễ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) có động lực, sức mạnh để vượt lên nghịch cảnh. Để rồi, cùng nhau, anh chị xây dựng tổ ấm hạnh phúc, phát triển kinh tế, phá bỏ định kiến xã hội và trở thành tấm gương sáng cho những người xung quanh.
Anh Chuân bị teo liệt chân phải bẩm sinh, học hết cấp 3 anh được gia đình gom góp, vay mượn mua cho một lô đất khoảng 70m2 ở trung tâm xã để anh mở một tiệm nhỏ bán đồ dùng học tập cho học sinh và làm nghề sửa chữa xe đạp. Những năm 2000, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật ở vùng Cư Lễ quê anh vẫn còn phổ biến. Người dân trong làng thấy chân anh Chuân bị tật thì cho rằng do nghiệp chướng của gia đình, nếu tiếp xúc với anh thì sẽ bị vạ lây. Vì vậy, mọi người đều ngại đến gần anh. “Buổi tối, khi các bạn cùng trang lứa rủ nhau thành từng tốp, đi dạo, trò chuyện ở đầu làng đến 9-10 giờ đêm mới về, tôi cũng muốn được tham gia. Nhưng trong một lần tôi góp mặt, khi thấy tôi đến, mọi người đều tránh đi hết. Chỉ có Huyến chịu ở lại” – anh Chuân ngậm ngùi nhớ lại.
Mặc cảm khiếm khuyết khiến anh không dám bắt chuyện, cứ lặng im. Còn chị Nông Thị Huyến lại chủ động hỏi thăm, phá vỡ bầu không khí e dè, ngượng ngập giữa hai đứa. Từ lần gặp gỡ đó về sau, anh chị thi thoảng viết thư cho nhau hỏi han sức khỏe, học tập, lao động…. Nhận thấy chị Huyến là một cô gái tốt, biết đồng cảm, chia sẻ với một người khiếm khuyết như mình, anh Chuân mạnh dạn ngỏ lời. Sau 4 năm kiên trì tìm hiểu và quyết tâm đến với nhau, tình yêu của anh chị vững vàng vượt qua những dị nghị, phản đối của gia đình.
Anh Nông Văn Chuân chia sẻ câu chuyện của mình tại buổi tiếp kiến lãnh đạo Quốc hội nhân dịp tổ chức chương trình Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật
Năm 2003 anh chị tổ chức đám cưới, rồi ra ở riêng và có em bé ngay sau đó. Đó là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với hai vợ chồng khi cả hai đều không có việc làm, không có thu nhập, thiếu kiến thức và kỹ năng. Con lớn của anh chị bị suy dinh dưỡng nặng, thường xuyên bị ốm và phải đi viện. Có thời điểm trong nhà không còn gì ăn, nhà cửa thì dột nát.
“Chúng tôi chỉ biết động viên nhau cùng nỗ lực và cố gắng. Tranh thủ những ngày con khỏe, tôi lên rừng xẻ vật liệu để làm nhà, năm 2006 tôi vay người thân mỗi người một ít tiền và bán đi con trâu duy nhất, gom tiền để làm nhà. Rồi vợ chồng cùng nỗ lực làm ăn. Vợ tôi học nghề may và mở một cửa hàng nhỏ tại nhà. Tôi vừa sửa chữa điện tử, làm thêm các công việc khác kết hợp làm nông nghiệp. Năm 2014 tôi mở xưởng sản xuất chổi chít và vận động được 2 người khuyết tật cùng tham gia. Đến nay xưởng vẫn duy trì hoạt động, tạo việc làm và thu nhập cho một số lao động khuyết tật tại địa phương” – anh Chuân chia sẻ.
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của vợ chồng anh Chuân, chị Huyến trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình, phát triển kinh tế không chỉ giúp anh chị ổn định cuộc sống, nuôi dạy con cái học hành mà còn góp phần thay đổi tích cực nhận thức, thái độ của những người xung quanh đối với người khuyết tật nói chung, bản thân anh Chuân nói riêng. Anh được bà con trong thôn ghi nhận, tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn từ năm 2013 đến năm 2020. Từ năm 2020 đến nay anh được tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Khau An. Tháng 11/2021, anh được bầu làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Na Rì nhiệm kỳ 2021-2026. Con trai lớn của anh chị hiện đang học năm thứ 2 Trường Sĩ quan Chính trị, con út năm nay 5 tuổi đang học mẫu giáo. Các con đều ngoan và khỏe mạnh. Vợ chồng anh là thành viên của Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc xã Cư Lễ, được Hội khuyến học xã Cư lễ tặng Giấy khen “Gia đình học tập tiêu biểu” giai đoạn 2015 – 2020. Anh Chuân được huyện Đoàn Na Rì trao giấy chứng nhận là Thanh niên tiêu biểu năm 2016, được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tặng Bằng khen các năm 2018, 2019 và Bằng khen giai đoạn 2015 – 2020.
Vợ chồng anh Chuân - chị Huyến đón nhận Bằng khen của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và quà của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhân dịp tham gia Chương trình Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật lần thứ IV, năm 2022
Từ một người khuyết tật từng chịu sự phân biệt đối xử và sống trong mặc cảm, có được sự tự tin để tham gia công tác xã hội, trở thành đại diện của một tổ chức, đơn vị như ngày hôm nay, anh Chuân vô cùng trân quý và biết ơn người vợ của mình. Anh cho biết: “Từ khi là một cô gái trẻ, một người phụ nữ khỏe mạnh, cô ấy đã chủ động mở lời trò chuyện với một người khuyết tật đang bị kỳ thị như tôi, dám vượt qua định kiến xã hội, sự phản đối của gia đình, tin tưởng, gửi gắm cuộc đời mình cho một người khuyết tật, luôn kề vai sát cánh với tôi trong những lúc khó khăn, tuyệt vọng nhất cũng như khi nhận được những trái ngọt của cuộc đời. Tình yêu và sự chấp nhận, hy sinh ấy cũng là động lực để tôi vượt lên mặc cảm tự ti, không ngừng nỗ lực, cố gắng khẳng định mình, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình, là niềm tự hào cho vợ và các con”.
Qua câu chuyện của mình anh Chuân muốn nhắn nhủ tới cộng đồng, xã hội, hãy cảm thông, chia sẻ và trao cơ hội cho người khuyết tật, không chỉ trong giáo dục, việc làm, y tế, giao thông, tiếp cận…. mà trong cả đời sống tình cảm, tinh thần. Bởi “sự đồng hành, khích lệ, động viên của người bạn đời chính là động lực, nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy người khuyết tật nỗ lực vươn lên. Chúng tôi có quyền và hoàn toàn có khả năng sống hạnh phúc như tất cả mọi người”.
Lam Giang