Là thành viên trẻ nhất trong Ban vận động quỹ Hội của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, nhưng “thâm niên” cũng như hành trình đến với những mảnh đời yếu thế của Đỗ Đình Điện không hề thua kém bất kỳ ai. Trong suốt 15 năm thiện nguyện, tài sản lớn nhất của anh là những chuyến đi đến với những mảnh đời khó khăn khắp mọi vùng miền của tổ quốc. Hạnh phúc đối với anh là được thấy những người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo nở nụ cười hạnh phúc mỗi dịp được nhận quà, được hỗ trợ hay chỉ đơn giản là được gặp gỡ mọi người.
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nam, Đỗ Đình Điện (thường được gọi bằng cái tên trìu mến Điện Đậu) chọn thành phố Hồ Chí Minh là nơi lập nghiệp. Cái duyên với người yếu thế đến với anh cũng rất tình cờ. Trong một lần tham gia hỗ trợ những người khó khăn cùng các thầy trong chùa Hoàng Phát, cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc của những người được hỗ trợ, trong lòng anh dấy lên một cảm xúc rất đặc biệt, thôi thúc anh tiếp tục tham gia và gắn bó với những mảnh đời còn kém may mắn.
Từ chỗ tham gia cùng các chùa, Điện Đậu dần tự lập trong các hoạt động thiện nguyện rồi kết nối và trở thành thành viên của nhiều tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện trong khắp cả nước. Bởi “tới đâu cũng được nhiều người yêu mến và kéo về tổ chức tham gia cho vui”. Anh từng tham gia cùng với MTTQ phía Nam, Hội Chữ thập đỏ phía Nam, Hội bệnh nhân nghèo TP.HCM, rồi Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, NKT & TMC tỉnh Tiền Giang, Hội Khuyến Học, Hội Yêu từ thiện và bây giờ là thành viên của Ban vận động quỹ Hội - Hội Bảo trợ NKT và TMC Việt Nam, Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam.
Dù tham gia nhiều tổ chức hội với rất nhiều vai trò khác nhau nhưng Điện Đậu tham gia đúng là nghĩa bằng cái tâm của mình, không hề có lương hay phụ cấp. Để có tiền sống và làm từ thiện, anh đã và đang phải làm nhiều công việc khác nhau. Từ vị trí lãnh đạo đến nhân viên của nhiều công ty và tập đoàn lớn, từng làm truyền hình, viết báo, cũng từng đi gõ đầu trẻ một thời gian... Hiện tại thì anh đang làm truyền thông chi nhánh phía Nam của một công ty.
Thời điểm trước năm 2015, mọi chi phí cho các chuyến từ thiện của Điện Đậu từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng đến với người nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi hầu hết là do anh bỏ tiền túi ra. Sau khi phát huy được lợi thế của mạng xã hội, anh đẩy mạnh việc kêu gọi sự chung tay của cộng đồng. Với hàng trăm ngàn người theo dõi trên trang cá nhân, với kinh nghiệm và uy tín hàng chục năm làm từ thiện và đặc biệt với thông tin về người cần giúp đỡ công khai, rõ ràng, thật sự khó khăn, mỗi lần kêu gọi giúp đỡ, Điện Đậu đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn bè, các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân cùng anh san sẻ khó khăn với bà con. Khi đã có đủ nguồn lực, anh tổ chức các chuyến đi đến tận nơi, trao tận tay những người cần trợ giúp. Điện Đậu không phân biệt người gặp khó khăn là ai, dù là người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo hay những người bất ngờ chịu thiệt hại do thiên tai bão lũ anh đều sẵn sàng chia sẻ, trực tiếp giúp đỡ theo nhu cầu của họ. Có người được trao tiền, quà, gạo, bánh, nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập….
Hành trình 15 năm gắn bó với người yếu thế, dấu chân của Điện Đậu đã có mặt tại 63/63 tỉnh, thành của Việt Nam và hầu khắp các huyện, đặc biệt là những huyện vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Anh không thể nhớ hết mình đã hỗ trợ được bao nhiêu người, bao nhiêu tiền. Cứ gặp hoàn cảnh khó khăn là lên kế hoạch giúp đỡ, khi kêu gọi không đủ thì tự bỏ tiền của mình ra. Thậm chí, những ngày đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc vận động gặp khó khăn, Điện Đậu đã phải đăng bán cả vật dụng cá nhân của mình để có tiền đi làm từ thiện. Sau mỗi chuyến đi, đôi chân của anh dường như cứng rắn, vững chắc hơn, trái tim ấm áp, mở rộng hơn và thực tế là kinh nghiệm tổ chức hỗ trợ cũng tăng lên kha khá.
Điện Đậu chia sẻ: “Đi làm từ thiện chỉ có tâm không thì chưa đủ. Trước kia mình làm một mình, mọi chi phí cho chuyến đi đều tự bỏ tiền túi ra, tốn rất nhiều thời gian, công sức và cũng khá tốn kém (khâu vận chuyển, tổ chức). Nhưng từ khi tham gia các tổ chức xã hội, tổ chức thiện nguyện, với chân rết ở khắp mọi tỉnh thành, nên vấn đề kết nối rất dễ dàng, việc hỗ trợ cũng trở nên thuận tiện, hiệu quả hơn”.
35 năm tuổi đời, 15 năm tình nguyện vì cộng đồng, vẫn trung thành với cuộc sống độc thân, tài sản lớn nhất của Điện Đậu chỉ là các chuyến đi, là một nhà giấy khen, bằng khen, thư cảm ơn, kỉ niệm chương, cờ lưu niệm..... Tiền kiếm được anh dành một phần cho bố mẹ, một phần cho cuộc sống cá nhân, còn đâu dành hết cho người nghèo, người yếu thế. Đối với anh, hạnh phúc là khi thấy người ta cười, thấy những người khó khăn được san sẻ, giúp đỡ. Còn chuyện tình cảm là cái duyên, khi nào duyên tới, ắt sẽ tới.
Dung Nhi