Lần nào cũng thế, cứ đi làm về là cô bé Hiên lại sấp ngửa đi tìm người bố tâm thần khắp các cánh đồng, có khi là trong các bụi rậm...Không chỉ lo cho bố, em còn là chỗ dựa cho 2 đứa em nhỏ vì các em đã không còn mẹ từ 4 năm nay rồi.
“Bố ơi, bố đi đâu rồi. Bố ơi, về nhà thôi!”. Tiếng con bé Hiên thất thanh, văng vẳng gọi bố về nhà trong mỗi buổi chiều tà vọng khắp các cánh đồng ở vùng quê nghèo từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với mỗi người dân ở đây.
Cứ đến chiều, khi những gia đình bắt đầu đỏ bếp chuẩn bị cho bữa ăn tối thì chị em Hiên vẫn còn nháo nhác đi tìm bố, căn bếp vẫn còn lạnh tanh vì chưa có gì trong nồi. Nhắc đến hoàn cảnh của chị em Hiên không ai ở vùng quê này có thể cầm lòng được.
“Con bé nó lại đi tìm bố đấy các cô, các chú ạ! Bao nhiêu năm nay rồi vẫn thế nên chúng tôi quen rồi. Cả làng nếu ai mà gặp bố cháu ở đâu là lại dắt về nhà giúp, nhưng thoắt cái chú ấy lại đi khiến bọn trẻ cứ tá hỏa đi tìm” – Bác Đậu Văn Hà, một người hàng xóm ái ngại kể về người bố tâm thần từ nhiều năm nay của chị em Hiên.
Đứng ở ngoài sân chờ Hiên đi tìm bố về, tôi đưa mắt nhìn trong căn nhà trống huơ, trống hoác với 3 chiếc giường, 1 bộ bàn ghế cùng ở giữa là ban thờ với 6 tấm di ảnh. Đó là tổ ấm của gia đình Hiên.
Trò chuyện được chốc lát thì Hồi (em gái của Hiên) đi làm đồng về, thấy người lạ em chào lí nhí rồi nhanh chóng lội xuống bờ mương gần đó mót ở mấy luống rau đã hái trụi về được mấy cọng để chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình.
Hồi tính tình hơi chậm chạp và cũng vì không có tiền nên em cũng đã nghỉ học hơn 1 năm nay.
Chờ thêm một lúc nữa thì cậu bé út là Đậu Đức Thiện (học sinh lớp 8) cũng đi làm về. Quần áo lấm lem cùng gương mặt nhễ nhại mồ hôi, em kể vì đang thời gian nghỉ hè nên cả ngày em đi chăn bò thuê kiếm bơ gạo mang về.
“Hoàn cảnh của các cháu khổ lắm em ạ. Cả xã này, các chị đã nắm được và cũng có phương án hỗ trợ nhưng chẳng được là bao. Em Hiên là chị cả năm nay 19 tuổi, trước con bé nó đi làm tận trong Ninh Bình với mức lương được 4 triệu mang về chăm bố và 2 em. Nhưng giờ tình trạng bệnh của bố càng nặng lên, thành ra nó phải về gần nhà và đang xin đi làm may nhưng lương thấp lắm. Các chị đang không biết xoay sở sao để giúp các cháu nữa”.
Cùng có mặt tại gia đình, chị Vũ Thị Như Hoa - Chủ tịch hội phụ nữ xã Nghĩa Lâm cũng ngại ngùng tâm sự về những khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động để hỗ trợ các em.
Đang dở câu chuyện với các anh chị cán bộ trong xã thì 3 bố con Hiên, Thiện và anh Đậu Văn Khảm là bố các cháu trở về. Gương mặt hiền lành, ngố ngố và tuyệt nhiên không nói một lời, anh Khảm đi thẳng vào trong nhà, thẫn thờ ngồi trên chiếc giường quen thuộc, mặc kệ mọi việc đang diễn ra. Khẩn trương lấy chiếc khăn lau mặt cho bố, Hiên vừa tâm sự:
“Ngày trước còn mẹ, bố cháu đã thế này rồi nhưng thi thoảng còn nói một câu. Giờ mẹ cháu chết rồi, bệnh của bố cháu càng nặng hơn cô ạ”.
Nói xong rồi, Hiên liền lại chỗ ban thờ, lấy mấy thẻ hương thắp lên cho mẹ, cho ông bà, các bác và các cụ rồi khấn điều gì đó khe khẽ. Em chỉ cho chúng tôi tấm di ảnh ngoài bên trái là mẹ với những kí ức còn nguyên vẹn như mọi chuyện mới diễn ra chỉ ngày hôm qua thôi. Mẹ làm lụng vất vả, ai thuê gì làm đấy để cố kiếm bữa rau, bữa cháo cho chồng và 3 con. Vậy mà cơn đau tim đột ngột ập đến đã cướp đi mất người mẹ hiền của các em.
“Lúc mẹ đi, chúng cháu vẫn còn đang đi học cô ạ. Khi được báo tin, 3 chị em chúng cháu trở về thì mẹ đã chết rồi. Mẹ đi không dặn dò lại được gì với chúng cháu cả” – Hiên vỡ òa, nức nở kể lại trong nỗi nhớ mẹ đến da diết.
Mẹ mất, Hiên buộc phải nghỉ học cho dù em là một cô bé nhanh nhẹn, hoạt bát và thông minh. Gánh nặng trên vai người bố bị tâm thần và 2 đứa em còn nhỏ buộc Hiên phải rời quê Nam Đình ra Ninh Bình làm thuê nhưng nỗi lo lắng cho sự an toàn của bố và của 2 em khiến em phải trở về.
“Trước cháu đi làm cũng được 4 triệu/tháng. Nhưng bệnh bố cháu ngày càng nặng, các em cháu không cáng đáng được nên cháu phải về nhà. Đợt này các cô ở xã xin cho cháu đi làm may, cháu sẽ cố gắng làm và mơ ước sẽ có được 1 cái máy may để cháu làm thêm ở nhà nữa, chứ thì không lo đủ bữa cơm cho cả nhà cô ạ!”.
Hiên tâm sự khe khẽ và nghẹn ngào khi bóng tối cũng đang dần bao phủ lên ngôi nhà của 4 bố con. Xung quanh các gia đình đã bắt đầu lên đèn và quây quần trong bữa cơm tối, nhưng với bố con em, giờ mới lại lật đật đi vay gạo. Cảnh ấy với 3 chị em Hiên đã quen rồi nên các em không có gì làm lạ bởi vay được gạo đã là may lắm rồi, còn không các em cũng nhịn đói vậy thôi.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Em Đậu Thị Hiên (xóm 10, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)
Số ĐT: 0378.921.128