Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - Văn phòng ILO tại Việt Nam đã tổ chức lễ công bố việc Việt Nam gia nhập Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ việc làm và Công ước số 159 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà và các đại biểu tham dự lễ công bố chụp ảnh lưu niệm
Với việc Việt Nam gia nhập Công ước số 88 về tổ chức dịch vụ việc làm và Công ước số 159 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật của ILO sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm nói chung, thúc đẩy phát triển hệ thống dịch vụ việc làm theo hướng chuyên nghiệp.
Công ước số 88 của ILO về tổ chức dịch vụ việc làm là công ước kỹ thuật của ILO về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của hệ thống dịch vụ việc làm công, được Hội nghị Lao động Quốc tế của ILO thông qua ngày 9/7/1948 có hiệu lực từ ngày 10/8/1950. Tính đến tháng 8/2018, trên thế giới có 91 quốc gia là thành viên của Công ước số 88. Việt Nam chính thức gia nhập gia nhập Công ước số 88 ngày 23/01/2019 và sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 23/01/2020.
Công ước số 88 bao gồm 22 điều, trong đó có 12 điều về nôi dung. Các Điều 13 và Điều 14 là các quy định về việc áp dụng cho các lãnh thổ phi chính quốc; từ Điều 15 đến Điều 22 là các quy định về thủ tục. Nội dung của Công ước bao gồm 4 nội dung chủ yếu: Trách nhiệm của Chính phủ; Chức năng của dịch vụ việc làm công; Tổ chức của tổ chức dịch vụ việc làm công; Nhân sự của tổ chức dịch vụ việc làm.
: Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Chang- Hee Lee phát biểu tại lễ công bố
Công ước số 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật là công ước kỹ thuật của ILO nhằm mục đích bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội và đối xử đối với tất cả mọi người khuyết tật, ở cả khu vực thành thị và nông thôn, trong việc làm và trong sự hòa nhập cộng đồng. Công ước đưa ra các yêu cầu về phục hồi khả năng lao động và việc làm cho người khuyết tật, quy định việc điều chỉnh và đánh giá các tài liệu hướng dẫn nghề nghiệp, dạy nghề, bố trí việc làm và dịch vụ thất nghiệp cho người khuyết tật. Công ước số 159 đươc thông qua ngày 20/6/1983 tại Hôi nghị toàn thể của Tổ chức lao động quốc tế (ILC) lần thứ 69 tại Giơ ne vơ. Đến tháng 10/2018 đã có 83 quốc gia gia nhập Công ước thành viên của công ước số 159 ngày 25/3/2019 và sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam vào ngày 25/3/2020.
Đại diện cục Việc làm lắng nghe phát biểu của đại diện Tổ chức quốc tế nhân việc Việt Nam tham gia Công ước số 88 và Công ước số 159
Công ước số 159 bao gồm 17 điều, trong đó có 09 điều về nội dung. Các điều từ Điều 11 đến Điều 17 là các quy định về thủ tục. Nội dung của Công ước bao gồm nôi dung chủ yếu: Định nghĩa và phạm vi áp dụng; Trách nhiệm của Chính phủ và các nguyên tắc của chính sách về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm; Các biện pháp, hành động cần thiết để thực thi các chính sách về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyêt tật; Đội ngũ làm công tác về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho người khuyết tật.
Với việc gia nhập Công ước số 88 và Công ước số 159 của ILO, Việt Nam không chỉ đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhóm yếu thế trong thị trường lao động, mà còn nhận được các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật từ ILO, phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả khi người lao động Việt Nam được tiếp cận với những cơ hội việc làm mới, nâng cao trình độ chuyên môn để có khả năng gia nhập vào thị trường lao động quốc tế và tăng thêm thu nhập.
Trong khi đó, việc gia nhập công ước 159 là sự tiếp tục khẳng định và triển khai thực hiện chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với người khuyết tật theo hướng giúp họ hòa nhập bền vững trong xã hội thông qua việc phục hồi chức năng lao động, khả năng có và duy trì việc làm của người khuyết tật.
Với bốn nội dung then chốt: Trách nhiệm của Chính phủ trong việc duy trì hệ thống dịch vụ việc làm công, chức năng của dịch vụ việc làm công (bao gồm chức năng chủ động và chức năng bị động), những tiêu chuẩn về mặt tổ chức của dịch vụ việc làm công và đội ngũ nhân sự của tổ chức dịch vụ việc làm công, Công ước số 88 hướng đến việc kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, giúp người lao động, trong đó có cả người khuyết tật, tìm được công việc phù hợp với năng lực, nhu cầu của mình, và ngược lại, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp lựa chọn được các ứng viên chất lượng. Trong khi đó, Công ước số 159 thể hiện những nỗ lực nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật trong việc tìm kiếm các cơ hội việc làm và quyền được đối xử bình đẳng của họ thông qua các quy định về việc thay đổi, xóa bỏ các điều luật không thích hợp và những định kiến đối với người lao động khuyết tật, đồng thời đề xuất các chính sách và những hoạt động thiết thực nhằm phát triển các dịch vụ đào tạo, giúp người khuyết tật phục hồi chức năng lao động và hỗ trợ họ tìm việc làm.
Công ước số 88 và Công ước số 159 sẽ lần lượt có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 23/1/2020 và 25/3/2020.