Anh Trần Đăng Trung và chị Trần Thị Tố Trinh (Đà Nẵng) đều không có một cơ thể lành lặn nhưng lại có cùng một quyết tâm học tập, lập nghiệp nơi đất khách quê người. Tình yêu đã gắn kết anh chị lại với nhau. Rồi cũng chính tình yêu đem đến cho anh chị sức mạnh để vượt qua bất hạnh, thử thách của cuộc sống để ghép nối hai mảnh đời không hoàn hảo thành bức tranh gia đình hạnh phúc, sum vầy.
Xây dựng “lộ trình” vượt qua rào cản…
Anh Trần Đăng Trung và chị Trần Thị Tố Trinh đều sinh ra và lớn lên tại Quảng Nam, học tập và lập nghiệp tại Đà Nẵng. Khi sinh ra, anh chị cũng khoẻ mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng cơn sốt bại liệt lúc 5 tuổi đã cướp đi đôi chân của chị. Tai nạn bất ngờ năm 26 tuổi đã khiến một bên chân của anh bị liệt hoàn toàn.
Vượt qua nỗi mặc cảm về khiếm khuyết, anh chị không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong học tập và lập nghiệp với ước nguyện duy nhất là có thể sống tự lập, không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, cả anh Trung, chị Trinh đều đăng ký tham gia sinh hoạt tại Hội người khuyết tật thành phố Đà Nẵng và tích cực hưởng ứng các hoạt động của Hội. Trong một lần giao lưu thể thao người khuyết tật do Hội tổ chức dịp 18/4/2014, anh chị có cơ hội quen biết rồi dần dần nảy sinh tình cảm. Sau 1 năm tìm hiểu và yêu nhau, họ quyết định ra mắt hai bên gia đình để tổ chức đám cưới.
“Đó cũng chính là lúc rào cản bủa vây chúng tôi. Mẹ chồng tôi lúc ấy chưa sẵn sàng cho cuộc hôn nhân này. Một phần vì bà sống ở vùng quê nên chưa có nhiều thông tin về người khuyết tật. Mặc khác, vì thương, vì lo cho cuộc sống của hai đứa về sau với vô số các câu hỏi đặt ra: Làm gì để kiếm sống khi hai đứa tự mưu sinh tại Đà Nẵng – nơi đất khách quê người? Lúc đau ốm thì ai lo? Khi sinh con ai là người chăm sóc? Cả hai đứa cùng khiếm khuyết vậy, lấy gì mà nuôi con?... Những câu hỏi đó được mẹ chồng đặt ra và nó cũng lấy đi của mẹ không ít nước mắt” – chị Trinh bồi hồi nhớ lại.
Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Đà Nẵng tặng danh hiệu “Gia đình trẻ tiêu biểu thành phố Đà Nẵng” (2021) cho gia đình anh Trung - chị Trinh
Anh chị hiểu được tấm lòng của mẹ nên không trách mẹ mà đặt ra lộ trình để có thể thuyết phục mẹ dần dần. Anh Trung chia sẻ: “Đầu tiên, chúng tôi cho mẹ xem những bức hình của các cặp vợ chồng khuyết tật tại Đà Nẵng lúc đó, kể cho mẹ nghe câu chuyện của các anh chị, chứng minh cho mẹ thấy rằng các anh chị ấy làm được thì tại sao mẹ nghĩ chúng tôi không thể? Cứ thế, hết cặp này sang cặp khác, chúng tôi “nạp” cho mẹ nhiều “nhân chứng sống” và mẹ đã bắt đầu “thấm” dần. Tiếp theo, chúng tôi dẫn mẹ đi ăn cùng một trong số những cặp “nhân chứng sống” đó để chứng minh thực tế. Và rồi, cuối năm 2015, chúng tôi đã cùng nhau đóng vai chính trong một ngày cưới đầy long trọng”.
Và tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào…
Cưới nhau rồi, anh chị dọn về ở chung phòng trọ chỉ hơn 20m2. Lương mỗi đứa không nhiều nhưng phải lo trả món nợ vay sinh viên, trả tiền thuê phòng trọ… nên cuộc sống có phần eo hẹp. Dù phải tiết kiệm chi tiêu mọi thứ nhưng hai vợ chồng sống chan hòa và cùng nhau chia sẻ để vượt qua giai đoạn đó. Hơn 1 năm sau thì đón nhận tin vui.
Niềm vui đến nhưng nó cũng kéo theo nỗi lo, vì giờ đây phát sinh thêm nguồn chi mới, rồi nỗi lo về sức khoẻ của mẹ, nguy cơ ảnh hưởng đến em bé. Thai nhi càng ngày càng lớn, chị Trinh không thể đi lại để đến công ty làm việc được nữa. Lúc đó, hai vợ chồng bàn bạc và quyết định mở phòng vé để làm tại nhà. Thật may mắn là công việc thuận lợi và có thể tạm trang trải cuộc sống qua ngày lúc đó. Giữa năm 2017, anh chị đón con trai đầu lòng và đến cuối năm 2018, đón bé gái thứ hai.
Gia đình anh Trung - chị Trinh tham dự chương trình giao lưu Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật tại Hà Nội, tháng 10/2022
“Lúc phát hiện có thai bé thứ hai, vợ tôi đã khóc hết nước mắt vì lo toan đến cuộc sống, lo cho sức khỏe vì vừa mới sinh mổ. Tôi đã luôn ở bên và động viên cô ấy rằng “Trời sinh voi sinh cỏ” và chúng tôi đã quyết định cho con quyền được sống” – anh Trung cho biết.
Là người cha, người chồng, trong thâm tâm anh lúc đó cũng bộn bề lo toan, nhiều đêm mất ngủ. Nhưng anh không thể hiện điều đó ra ngoài mà vẫn động viên chị, là chỗ dựa để chị vững tâm vượt qua thách thức. Cũng trong lúc khó khăn bủa vây, anh có thêm động lực để làm đơn xin UBND thành phố cấp chung cư. May mắn cho anh chị khi lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng đã lắng nghe tiếng nói của vợ chồng anh và đồng ý cấp cho anh chị một căn nhà nhỏ trong Chung cư Phước Lý, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ.
Sau khi đã an cư, anh chị sinh bé gái thứ 2 và cuộc sống cũng tạm đủ trang trải khi việc bán vé máy bay ổn định. Công việc của anh bên Hội người khuyết tật không nhiều nên anh có thời gian để hỗ trợ chị trong việc bán vé máy bay, chăm sóc con cái. Trải qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay công việc bán vé máy bay của anh chị cũng đã thuận lợi hơn, chị Trinh mở thêm dịch vụ bán voucher phòng khách sạn, resort nhờ đó thu nhập ổn định. Anh Trung ngoài thời gian làm việc ở Hội còn nhận làm thêm cho một tổ chức phi chính phủ địa phương. Nhờ sự chủ động, linh hoạt sắp xếp thời gian, buổi tối anh còn phụ được cho chị kiểm tra báo cáo…
Cuộc sống vẫn còn nhiều thách thức, nhưng anh Trung, chị Trinh tạm bằng lòng với những gì mình đang có: Một ngôi nhà nhỏ ấm cúng, hai thiên thần nhỏ khoẻ mạnh, ngoan ngoãn, đáng yêu, công việc tiến triển thuận lợi. Tình yêu của anh chị khởi nguồn từ sự đồng cảm về khiếm khuyết, nhưng giờ đây đã đong đầy hạnh phúc bởi hai người không chỉ bù đắp cho nhau mà còn có cùng chí hướng, cùng chia sẻ với nhau mọi việc từ lớn đến nhỏ trong cuộc sống. Gia đình anh chị được chính quyền địa phương khen tặng “Gia đình văn hóa” (2020); Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Đà Nẵng tặng danh hiệu “Gia đình trẻ tiêu biểu thành phố Đà Nẵng” (2021). Anh chị cũng là một trong 35 cặp vợ chồng tiêu biểu toàn quốc tham dự chương trình “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” (2022).
Có gia đình là điểm tựa, anh Trung không ngừng nỗ lực phấn đấu và đã được ghi nhận với nhiều Bằng khen của Liên Hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, Giấy khen của Hội người khuyết tật thành phố Đà Nẵng vì đã có nhiều đóng góp cho hoạt động hỗ trợ người khuyết tật.
Với những gì đã đạt được ở hiện tại, anh chị mong muốn cuộc sống luôn thuận lợi như hiện nay. “Nếu có thể và khi có đủ nguồn lực, chúng tôi sẽ mở một phòng vé máy bay nhỏ để tạo việc làm cho những người bạn khuyết tật vì tôi nghĩ đây là công việc phù hợp với các bạn. Tôi hy vọng các tổ chức, doanh nghiệp, các mạnh thường quân sẽ cổ vũ, ủng hộ dự định của chúng tôi bằng cách kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân…ủng hộ dịch vụ đặt vé máy bay, phòng khách sạn, villa, resort để chúng tôi có nguồn khách ổn định, làm cơ sở vững chắc để chúng tôi đủ tự tin mở phòng vé để mời thêm vài bạn khuyết tật cùng làm việc” – anh Trần Đăng Trung chia sẻ.
Hoàng Dung